Những ngày gần đây, dư luận chứng kiến tình trạng giá cà phê sụt giảm nghiêm trọng, tuột khỏi mốc 30.000 đồng/kg.
Theo đó, hiện giá cà phê xuống chỉ còn quanh mức 28-29.000 đồng/kg. Đây là mức sụt giảm kỷ lục, là tin buồn đối với người trồng cà phê nước nhà, cũng như đối với một quốc gia đứng trong top xuất khẩu cà phê của thế giới.
Theo chia sẻ của người trồng cà phê, với mức giá như hiện nay, bà con nông dân lỗ nặng. Là bởi, chỉ tính riêng chi phí cho việc tưới nước đã tăng hơn mùa vụ 2018 đến 20% do cùng trong khoảng thời gian đó, giá xăng dầu trong 3 kỳ điều chỉnh liên tiếp gần nhất đều tăng giá và sang tháng 4 này, giá điện cũng tăng cao bất thường, mà giá cà phê nhân thì không ngừng sụt giảm. Một nông hộ trồng khoảng 1,8 ha cà phê, thu hoạch khoảng 5-6 tấn cà phê nhân, nhưng với mức giá chưa đến 30.000 đồng/kg, nông hộ này bị lỗ nặng. Bởi chỉ tính riêng chi phí tổng thể cho phân bón, nước tưới và thu hoạch, đã “ngốn” mất cả trăm triệu đồng.
Vậy với giá cà phê như trên, nông hộ này liệu thu về được bao nhiêu? Giá cà phê giảm sâu, cả nông hộ cũng như doanh nghiệp đều thua lỗ sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khó lường. Mà cái đáng quan ngại nhất là bà con nông dân sẽ lâm cảnh nợ chồng nợ. Doanh nghiệp cũng phải cõng thêm tiền nợ từ việc vay vốn ngân hàng. Đó chính là những ám ảnh lớn của bà con trồng cà phê cũng như doanh nghiệp.
Trên thực tế, ai cũng biết, ngành cà phê nói riêng, nông sản nói chung nếu không phát triển được khâu chế biến, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất thì khó có thể bứt phá. Chính bởi vậy, lời khuyên của giới chuyên gia đó là, các doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư vào khâu chế biến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Con số 113 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cà phê mà chỉ có 1/3 doanh nghiệp có nhà máy chế biến thực sự là con số khiến chúng ta phải suy ngẫm.