Kinh tế

Cà phê xuất khẩu khẳng định vị thế

Khanh Lê 18/03/2024 07:03

Cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp, hiện đang có mức tăng trưởng đầy ấn tượng.

anhbaitren.jpg
Bà con nông dân Đắk Lắk chăm sóc vườn cà phê. Ảnh: Thanh Nga.

Tốc độ tăng trưởng mạnh

Ngày 17/3, giá cà phê nội địa tiếp tục tăng gần 2.500 đồng/kg, liên tiếp xô đổ các mức giá. Tuần trước, giá cà phê tăng 5.000 đồng/kg. Chỉ từ đầu tháng 3/2024 đến giờ, mức giá đã tăng gần 10.000 đồng/kg. Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng), giá cà phê được thu mua với mức 92.400 đồng/kg. Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk), giá cà phê ở mức 93.000 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk), giá cà phê trong ngày 17/3 được thu mua cùng mức 92.900 đồng/kg. Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê ngày 17/3 thu mua ở mức 93.200 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 93.100 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê ở mức 93.000 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 92.900 đồng/kg. Theo tính toán, hiện mỗi héc-ta cà phê, sau khi trừ đi chi phí, người trồng cà phê có thể thu về lợi nhuận hơn 220 triệu đồng. Diễn biến giá tăng đang tác động mạnh đến tâm lý mua bán của người dân, đưa kim ngạch xuất khẩu cà phê tăng cao.

Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, giá xuất khẩu cà phê Robusta đang lập kỷ lục khi trong tuần qua tăng tới gần 5%. Nguyên nhân chính khiến giá cà phê Robusta xuất khẩu tăng do thế giới lo ngại thiếu hụt nguồn cung. Cà phê là một trong những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng ấn tượng, giúp ngành nông nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu gần 10 tỷ USD, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2023.

Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam nhận định, hai tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng xuất khẩu cà phê Việt Nam gần 400.000 tấn, trong đó, kim ngạch xuất khẩu là 1,25 tỷ USD, cao nhất trong thời gian vừa qua.

Theo ông Hải, để có kết quả tăng trưởng kim ngạch ấn tượng, các doanh nghiệp (DN) đã tận dụng cơ hội từ thị trường tăng lượng rang xay, những sản phẩm chế biến sâu. Nhờ đó cà phê vươn lên vị trí thứ hai về giá trị xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ sau gỗ và sản phẩm gỗ.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), chỉ trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cà phê đạt giá trị 1,38 tỷ USD, tăng mạnh tới 85% so với cùng kỳ năm 2023, đây thực sự là một con số “không tưởng”. Đáng chú ý, nếu như giá cà phê xuất khẩu bình quân trong năm 2023 đạt 2.614 USD/tấn, tăng 14,5% so với năm 2022 (đây là mức giá xuất khẩu kỷ lục cho giai đoạn 2023 trở về trước), thì trong 2 tháng đầu năm 2024, giá cà phê xuất khẩu bình quân là 3.153 USD/tấn, tăng 44,7% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức giá cao mà nông dân và DN ngành hàng cà phê trong nước chưa bao giờ dám nghĩ tới.

Tận dụng tối đa lợi thế

Giới chuyên gia nhận định, hiện vai trò của cà phê Việt Nam trên bản đồ thị trường cà phê thế giới ngày càng quan trọng. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Việt Nam đang là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Trung bình, lượng xuất khẩu cà phê trong một năm của Việt Nam vào khoảng 1,6 triệu tấn (tương đương 26 - 27 triệu bao loại 60kg/bao), cao gấp hơn 2 lần tổng lượng cà phê Robusta xuất khẩu của 2 quốc gia đứng sau là Brazil và Indonesia, với khoảng 11 triệu bao.

Bên cạnh đó, khoảng cách giữa thời điểm thu hoạch cà phê của Việt Nam và Brazil cũng tạo cơ hội để cà phê Việt Nam chiếm vị thế chi phối thị trường toàn cầu trong những tháng đầu năm. Thông thường, thời gian thu hoạch cà phê của nước ta kéo dài từ tháng 10 đến hết tháng 1 năm sau. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn cung cà phê Việt Nam sẽ sẵn có nhất trong những tháng đầu năm 2024.

Mặc dù xuất khẩu cà phê có nhiều thuận lợi, song nhiều DN, chuyên gia vẫn đưa ra cảnh báo, bà con nông dân cân nhắc chọn thời điểm thích hợp để bán hàng, bởi dự báo diễn biến giá trong bối cảnh hiện nay rất khó khăn. Theo các DN, đơn hàng xuất khẩu không thiếu nhưng thực tế, DN không dám nhận thêm đơn phát sinh cho quý II, bởi nguồn cung hàng trong dân không còn nhiều. Vì vậy, đơn hàng thế giới có thể được các nhà rang xay dịch chuyển sang nhập từ các quốc gia khác như Indonesia, Brazil khi họ sắp vào vụ thu hoạch.

Dự báo năm 2024, xuất khẩu cà phê có thể đạt đến 5 tỷ USD nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ, trong đó có sự bứt phá về giá. Cùng với nhu cầu thế giới tăng cao, một số sản phẩm cà phê nhân được sử dụng rang xay làm cà phê hòa tan, nên nhu cầu nội địa cũng tăng. Việt Nam hiện là nước sản xuất và cung cấp cà phê Robusta đứng đầu thế giới. Tuy nhiên, cơ hội luôn đi kèm với thách thức, đòi hỏi các DN, hợp tác xã cần xây dựng một chiến lược xuất khẩu bài bản để tận dụng tối đa những lợi thế hiện có. Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, ngành cà phê cần chú trọng nhiều giải pháp cho việc phát triển bền vững, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là việc đáp ứng quy định chống mất rừng của châu Âu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cà phê xuất khẩu khẳng định vị thế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO