Với ca sĩ Tuấn Hiệp, dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng tới tất các các ngành nghề, nhưng có lẽ thiệt thòi nhất và chịu ảnh hưởng nhiều và lâu nhất chính là ngành nghề giải trí, trong đó sân khấu biểu diễn.
“Từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, không riêng gì tôi mà tất cả mọi người đều phải chịu sự thay đổi trong công việc, đời sống hàng ngày. Cá nhân tôi luôn phải cố gắng sao cho cuộc sống gia đình ổn định, đặc biệt là hai con nhỏ luôn được vui vẻ trong trạng thái lạc quan nhất, và rồi mọi thứ cũng đâu vào đấy. Nghĩ theo hướng tích cực thì dịch bệnh là lý do cho chúng ta nghỉ ngơi, nạp năng lượng sau bao năm chỉ biết lao động miệt mài không có ngày nghỉ. Khi hết dịch sẽ là một bệ phóng mới, sự tập trung mới cho những ấp ủ dự định mới, và biết đâu thành công mới sẽ ngọt ngào hơn.
Chắc cũng có nhiều người có suy nghĩ giống tôi, lâu lắm rồi mới có một quãng thời gian dài ở bên gia đình, bên các con nhiều đến thế, có nhiều thời giờ để hiểu các con hơn, chăm lo cho các con được nhiều hơn”.
“Mặc dầu thế, chúng tôi cũng không tránh được khó khăn, khi các sân khấu đóng cửa, phải trả mặt bằng vì không còn khả năng về tài chính. Các nghệ sĩ phải chịu thiệt thòi lớn khi không thể biểu diễn trên sân khấu mà các tập đoàn kinh tế, cơ quan đoàn thể, các công ty tổ chức sự kiện cũng vì dịch bệnh mà không dám tổ chức những sự kiện thường niên như mọi năm. Khi không có thu nhập thì đương nhiên mức độ tiêu tiền giảm đi, ai cũng phải cân đong đo đếm cho việc chi tiêu hàng ngày, tất nhiên việc đi xem ca nhạc, đi xem kịch, xem phim là không thể như trước. Giả sử có hết dịch thì cũng phải chờ nền kinh tế ổn định trở lại, lúc đó nhu cầu giải trí văn nghệ của người dân mới được nghĩ tới. Nói chung, nghệ sĩ mà không có tích luỹ trong thời điểm này là rất mệt”.
“Là nghệ sĩ, không tránh được nhiều lúc mong mỏi được đứng trên sân khấu hát cho khán giả nghe để thoả mãn tình yêu với nghề. Dịch bệnh thì ảnh hưởng chung, thuyền bé sóng bé, thuyền lớn sóng lớn. Thời điểm này, các nghệ sĩ biên chế trong các nhà hát, các đoàn nghệ thuật lại yên tâm nhất, vì dù không có biểu diễn được thì vẫn còn có lương hàng tháng, không bị ảnh hưởng nhiều. Là nghệ sĩ đâu phải ai cũng nổi tiếng để có mức catxe cao, có tiền tích luỹ, do vậy khi dịch bệnh tới và kéo dài, với nghệ sĩ có tên tuổi thì sẽ đỡ hơn.
Với những nghệ sĩ xưa nay chỉ trông chờ vào những show diễn nhỏ lẻ hàng đêm ở các tụ điểm, phòng trà, hội chợ để có tiền sinh hoạt, trang trải hàng ngày là khó khăn lắm. Nhưng không vì thế mà họ giảm đi tình yêu và đam mê cháy bỏng với nghề, vì thế họ vẫn hát cho khán giả nghe bằng cách hát livetream trên Facebook và post trên YouTube.
Tâm tư nhất, lãng mạn nhất là nghệ sĩ… Vô tư và tự tin nhất cũng là nghệ sĩ. Do vậy, tôi tin, mỗi nghệ sĩ luôn biết chọn cho mình một con đường, một lối đi, một tình yêu với đam mê của mình, để dù có khó khăn thế nào thì vẫn vô tư, vẫn tự tin với đam mê của mình”.
“Hơn 10 năm nay tôi chủ yếu đi hát ở nước ngoài, ở đó có nhiều khán giả thương mến giọng hát của tôi, luôn coi tôi là người trong gia đình. Ngoài thu nhập từ mỗi lần “bay show” thì tôi luôn nghĩ tới và mong tới ngày gặp lại những khán giả, gặp lại anh em, bạn bè từ khắp mọi miền trong cả nước đang sinh sống tại hải ngoại.
Tôi vốn người nhà quê, lại từng khoác áo lính đến hơn 10 năm, do vậy cũng tạo cho tôi một tính cách lo xa và tính ổn định lâu dài. Ngay từ mùng 6 Tết, lúc đó mới chớm dịch thì tôi đã mua đủ khẩu trang cho cả gia đình dùng đến giờ chưa hết, lúc mua về, vợ con cứ cười và tỏ thái độ rất chi là “ối giời ôi” (cười).
Và rồi khi mọi người chen nhau đi mua khẩu trang trong đại dịch thì tôi vẫn bình thường nhẹ bước mà đi “ship” trà sữa cho khách.
Nói vậy để mọi người thấy, xưa nay ngoài công việc chính là ca hát thì tôi vẫn luôn phải căng mình ra làm đủ công việc khác để có thủ nhập ngoài như: kinh doanh nhà hàng, quán phở, quán trà sữa, cafe,… Trước đây mỗi lần “bay show” là tôi vẫn xách đủ các loại đồ bên nước ngoài về bán như túi da, kính thời trang, nồi xoong chảo, bếp từ...
Nhưng quả thật, đại dịch cũng làm cho mọi thứ đảo lộn, cực kỳ lo lắng, đã có lúc tôi nghĩ đến việc phải bán nhà vì dịch bệnh Covid này”.
“Bóng đá là môn thể thao tôi yêu thích nhất, nghệ sĩ đá bóng bị dập vẹo cả mũi chắc cũng chỉ có tôi, đó là tuổi trẻ. Còn bây giờ với độ tuổi ngoài 40, tôi vẫn đá bóng, vẫn đá ít nhất 2 trận trong tuần, có tuần đá nhiều hơn, nhưng với tinh thần ra sân bóng vì sức khoẻ chứ không ăn thua như trước nữa, có con rồi thì tôi làm tất cả những gì tốt nhất gia đình và các con. Thời gian này, được ra sân gặp bạn bè hay trêi nhau trên Facebook trước và sau mỗi trận đấu là vui thích nhất.
Trong thời gian dịch bệnh vừa rồi, tôi cũng có ra mắt 2 tác phẩm âm nhạc
“Quên nhớ một người” của nhạc sĩ Quang Long và “Yêu lắm Trường Sa” của nhạc sĩ Trần Trọng Vượng. Cả 2 bài hát này tôi đều chuẩn bị và dự tính phát hành từ trước khi có dịch bệnh nên không thể dừng lại được nữa. Biết trước là sẽ không thể hiệu quả về mặt hiệu ứng với khán giả nhưng tôi quyết tâm mắt tác phẩm đúng như dự định từ ban đầu, nghệ sĩ độc lập mà, chẳng phụ thuộc ai, và thiết nghĩ cũng cần có những tác phẩm âm nhạc cho khán giả của mình giải trí miễn phí trong thời gian dịch bệnh chỉ ngồi nhà không thôi.
Nhiều lúc rảnh ngồi nghĩ, nhờ có dịch bệnh này, không riêng gì tôi mà nhiều người khác nữa cũng sẽ có suy nghĩ: cần sắp xếp và điều chỉnh lại cách chơi, cách sống, cách kiếm tiền sao tốt cho bản thân và gia đình mỗi khi gặp khó khăn do hoàn cảnh khách quan đưa lại. Bản thân tôi, nếu không có tích luỹ, không có những người bạn tốt chia sẻ với nhau thì tôi chắc chắn sẽ phải bán nhà đi chỉ để có tiền sinh hoạt hàng ngày trong thời gian đại dịch này.
Hiện tôi vẫn lạc quan cùng với năng lượng tích cực nhờ có âm nhạc. Không có show đi hát thì tôi tập đánh đàn guitar và piano ở nhà, có khi ôm đàn cả ngày. Đại dịch khiến tôi lại có thời gian khám phá giới hạn khả năng và tài năng của mình trong âm nhạc.
Nếu vẫn đại dịch tiếp tục thì khả năng cao là tôi bán nhà để chống đói và có tiền cho con đi học một cách tử tế (cười). Nhưng tôi tin vào Chính phủ Việt Nam, luôn tự hào về nhân dân Việt Nam. Trong suốt thời gian qua, Chính phủ và nhân dân cả nước đã cùng nhau phối hợp, ngăn chặn, đầy lùi hiểm hoạ đại dịch Covid trong sự ngưỡng mộ và tôn trọng của toàn thế giới”.