Cá tầm Trung Quốc ‘đội lốt’ cá tầm Việt tràn ngập thị trường

PVĐT 19/12/2020 13:32

Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá tầm Việt đang đứng trước nguy cơ bị “bóp chết” bởi cá tầm giá rẻ từ Trung Quốc ồ ạt vào thị trường.

Doanh nghiệp nuôi cá tầm Việt lao đao vì không cạnh tranh được giá cả với cá tầm Trung Quốc.

“Gắn mác” cá tầm Việt

Thị trấn Sa Pa, nơi khí hậu mát mẻ, đủ điều kiện để phát triển cá nước lạnh như cá tầm. Nhưng thực tế, những hộ đang triển khai mô hình nuôi cá tầm nơi đây đang lao đao khi gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ cá tầm nhập khẩu chính ngạch và cả cá tầm buôn bán qua đường tiểu ngạch từ Trung Quốc.

“Chi phí nuôi cá tầm khá tốn kém, cá nuôi trong điều kiện khắt khe từ con giống, nguồi nước sạch đầu nguồn, thức ăn nên giá thành cao. Còn cá từ Trung Quốc đổ về giá thành rẻ hơn, hầu hết các nhà hàng trên này đều lấy cá tầm Trung Quốc kinh doanh nhưng gắn mác là cá tầm Sa Pa. Chất lượng thịt cá Trung Quốc không bằng cá nuôi ở Sa Pa,gây ảnh hưởng thương hiệu cá tầm Sa Pa”, anh Doanh, một doanh nghiệp nuôi cá tầm ở Sa Pa bức xúc.

Theo anh Doanh, lượng cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc quá nhiều, giá bán thấp chỉ bằng 2/3 giá bán của cá tầm trong nước và khi vào thị trường Việt Nam thì có sự mập mờ về nguồn gốc do thương lái trộn lẫn cá tầm từ Trung Quốc vào cá tầm nuôi tại Việt Nam dẫn đến người tiêu dùng không phân biệt được cá tầm Việt và cá tầm nhập khẩu từ Trung quốc, tạo sự cạnh tranh không công bằng trên thị trường.

Tương tự, ông Dương Văn Biểng, Chi cục trưởng Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Sơn La than thở: Giống như nhiều tỉnh khu vực miền núi phía Bắc khác, Sơn La là tỉnh tiên phong nuôi cá tầm và đã từng có Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc phát triển nghề nuôi cá tầm chế biến xuất khẩu.

Tỉnh cũng đã xây dựng quy hoạch, triển khai chỉ đạo thực hiện, tuy nhiên kể từ khi cá tầm Trung Quốc đổ bộ qua các đường tiểu ngạch thì các hộ nuôi, các hợp tác xã nhỏ lẻ không trụ được, phải bỏ hồ.

Theo thống kê ở khu vực miền núi phía Bắc có khoảng hơn 165 trang trại nuôi cá nước lạnh. Phần lớn các cơ sở, trang trại nuôi có quy mô vừa và nhỏ, khi cá tầm Trung Quốc đổ bộ với giá bán tại chợ tầm 110.000 đồng/kg thì cá tầm người dân nuôi ở khu vực này không thể nào cạnh tranh nổi.

Tại tỉnh Yên Bái, với tiềm năng về diện tích mặt nước và điều kiện tự nhiên phù hợp, việc phát triển nuôi cá nước lạnh đã đạt được những kết quả nhất định, đến năm 2020 diện tích đưa vào nuôi đạt trên 32.000 m3; sản lượng đạt gần 100 tấn/năm.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh này, do có tình trạng cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc vào rất rẻ giá trong nước không cạnh tranh được, hơn nữa con giống vẫn chủ yếu là nhập từ Trung Quốc nên phần nào bị hạn chế.

Lực lượng chức năng kiểm tra một xe cá tầm Trung Quốc thông quan qua cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn). Ảnh: Q.L.

Trước tình hình cá tầm Trung Quốc đội lột cá tầm Việt, Hiệp hội phát triển cá nước lạnh nhiều tỉnh khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên đã kiến nghị Bộ NN-PTNT có giải pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc, cụ thể: Đề nghị Bộ NN-PTNT có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố, đặc biệt là TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh biên giới phía Bắc có cửa khẩu giao thương với Trung Quốc tăng cường công tác quản lý đối với sản phẩm hàng hóa cá tầm tươi sống của Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam lưu thông trên thị trường không có nguồn gốc, không qua kiểm dịch động vật.

Tăng cường công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm các lô cá tầm nhập khẩu theo quy định để kiểm soát các chất cấm tồn dư trong sản phẩm cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc với mục đích bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Để nhận biết cá tầm Việt, theo tìm hiểu của các nhà chuyên môn thì cá tầm Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam mặc dù có giá rẻ nhưng chất lượng kém, thịt nhão, không thơm ngon như cá tầm nuôi tại Việt Nam và quan sát hình dạng bên ngoài khác nhiều so với các loài cá tầm đang nuôi tại Việt Nam.

Hàng thẩm lậu vào nội địa

Theo tìm hiểu của PV, sau khi việc buôn lậu, vận chuyển cá tầm Trung Quốc qua đường tiểu ngạch phần nào bị siết chặt, nhiều doanh nghiệp trong nước đã chuyển đổi hình thức bằng việc nhập khẩu chính ngạch cá tầm Trung Quốc với nhiều ưu đãi về thuế, thủ tục thông quan.

Thế nhưng, kể cả khi được tạo điều kiện như vậy thì cũng có không ít doanh nghiệp sử dụng các thủ đoạn để qua mặt cơ quan chức năng.

Người dân Sơn La nuôi cá tầm giữa lòng hồ thủy điện. Ảnh: Gia Chính.

Sáng 15/12, trao đổi với PV Đại Đoàn kết, ông Nguyễn Hữu Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị (Cục Hải quan Lạng Sơn) cho biết, đơn vị này vừa phát hiện và bắt giữ lô cá tầm Trung Quốc do Công ty TNHH Đầu tư và XNK An Hưng (Hà Nội) nhập về Việt Nam. Mặc dù hình thức nhập chính ngạch tuy nhiên doanh nghiệp này đã “biến tấu” không khác gì buôn lậu.

Cụ thể, quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện trị giá khai báo trên tờ hải quan nhập khẩu không đúng với số lượng cá nhập về. Tang vật vi phạm được định giá lên đến 4.000 kg cá tầm Trung Quốc trị giá 413.947.200 đồng. Ông Minh cũng cho biết, sau khi củng cố các chứng cứ, các cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt công ty An Hưng 140 triệu đồng.

Trước đó, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Lào Cai cũng phát hiện lô hàng 400 kg cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc về Việt Nam. Đội QLTT số 7, Cục QLTT Lào Cai đã tiến hành lập hồ sơ trình Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Lào Cai ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông Trần Văn Giang số tiền 30 triệu đồng và tịch thu tiêu hủy hàng hóa trị giá 48 triệu đồng.

Theo số liệu Tổng cục Hải quan cung cấp, số lượng cá tầm Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam trong các năm 2018 là 1.164 tấn, 2019 là 1.849 tấn, tạm tính trong năm 2020 nhập khẩu khoảng 1.000 tấn, chủ yếu đi qua Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn). Có 6 DN hoạt động trong lĩnh vực này, tất cả đều có trụ sở tại Hà Nội.

Về giá, theo tờ khai hải quan, các doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm Trung Quốc mua với giá 103.486 đồng/kg. Sau đó vận chuyển về bán cho các tiểu thương ở miền Bắc với giá 115.000 - 120.000 đồng/kg còn trong thị trường miền Nam sẽ bán với giá 130.000 - 140.000 đồng/kg do phải thêm phí vận chuyển.

Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng vừa có Công văn gửi tới Bộ NNPTNT kiến nghị phối hợp giám sát chặt chẽ việc nhập khẩu cá tầm Trung Quốc. Công văn nêu rõ, việc cá tầm từ Trung Quốc ào ạt vào Việt Nam với giá thấp, dẫn đến cá tầm nuôi tại các trang trại Việt Nam không tiêu thụ được. Hiện Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng đang họp bàn với các địa phương cùng giới chuyên gia để gửi công văn đến Quốc hội, Chính phủ và các Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính về vấn đề nhập khẩu cá tầm Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cá tầm Trung Quốc ‘đội lốt’ cá tầm Việt tràn ngập thị trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO