Ca trù chưa tự tin ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp

Minh Quân 22/10/2015 22:05

Trước thực trạng “ngổn ngang” bảo tồn như hiện nay, rõ ràng chưa thể tự tin để khẳng định rằng chỉ trong vòng 2 năm nữa ca trù có thể thoát khỏi tình trạng “bảo vệ khẩn cấp”, trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ca trù chưa tự tin ra khỏi tình trạng  bảo vệ khẩn cấp

Biểu diễn ca trù.

Theo lộ trình năm 2017, Việt Nam sẽ phải báo cáo với UNESCO về tình trạng bảo tồn ca trù, cũng như việc có thể đưa di sản này ra khỏi Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp hay không. Thế nhưng, tại buổi tọa đàm “Bảo tồn di sản phi vật thể ca trù Hà Nội” (diễn ra sáng 22/10) với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa và đặc biệt là đại diện các câu lạc bộ (CLB) ca trù trên địa bàn TP Hà Nội, thì câu chuyện bảo tồn ca trù vẫn là nỗi khắc khoải.

Cần đào tạo khán giả

Theo số liệu thống kê, Hà Nội hiện có 14 CLB và nhóm ca trù đang hoạt động. Trong đó, việc thực hành di sản ca trù ở Hà Nội hiện nay có 50 người có khả năng truyền dạy, 220 người thực hành, hàng trăm người theo học… Các CLB còn giữ được hơn 30 thể cách, điệu múa cổ; mới sáng tác thêm 18 làn điệu biểu diễn phục vụ nhân dân và du khách.

Đặc biệt, hiện nay tại Thủ đô có 3 địa điểm thường xuyên biểu diễn ca trù hàng tuần là Bích Câu đạo quán, Đền Quán Đế, Đình Kim Ngân thu hút đông đảo du khách. Ngoài ra sắp tới trong đợt xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, Hà Nội cũng là địa phương có nhiều nghệ nhân được xét tặng nghệ nhân nhất cả nước, trong đó có 17 nghệ nhân ca trù…

Cho dù có “bảng vàng” thành tích trên cùng với việc là địa phương đi đầu trong 14 tỉnh thành cả nước có sở hữu di sản ca Trù đã được UNESCO vinh danh, thì lộ trình đưa di sản phi vật thể ca trù Hà Nội ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp vẫn đang là bài toán khó. Cái khó ấy không chỉ riêng của Hà Nội.

Theo ca nương Phạm Thị Huệ - Chủ nhiệm Giáo phường ca trù Thăng Long, việc bảo tồn ca trù tại Thủ đô đang thiếu tới…12 yếu tố. Trong đó, Nhà nước hiện nay chưa có chính sách đãi ngộ cho các nghệ nhân truyền lửa ca trù, dẫn tới việc nhiều bạn trẻ theo loại hình âm nhạc này sau khi học xong đã chuyển sang nghề khác.

Ca nương Phạm Thị Huệ cũng cho rằng, để có được lớp khán giả trẻ yêu, hiểu biết về âm nhạc truyền thống cần đưa các thể loại âm nhạc truyền thống đặc trưng của từng địa phương dạy, giới thiệu từ mầm non đến đại học.

Dạy thế hệ trẻ âm nhạc truyền thống tại các trường phổ thông sẽ giúp các em khi trưởng thành sẽ có một nền tàng văn hóa hiểu biết về lịch sử, âm nhạc truyền thống của đất nước. Bởi họ chính là những khán giả cùng các nghệ sĩ, nghệ nhân bảo tồn âm nhạc truyền thống.

Những nghệ nhân còn gắn bó với ca trù Hà Nội cũng trăn trở: hiện nay loại hình di sản văn hóa phi vật thể này đang thiếu nhiều không gian riêng để diễn xướng.

Ngoài 3 điểm biểu diễn thường xuyên vừa kể ở trên, ca trù đang thiếu những không gian để giới thiệu về các nhạc cụ, lịch sử ca trù, các lớp nghệ nhân… Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nếu so sánh giữa Hà Nội với các tỉnh thành khác thì đời sống của di sản ca trù Thủ đô vẫn còn… “sướng chán”!

Thiếu sự kết nối

Tại sao đã 6 năm sau khi được UNESCO công nhận, đến nay lộ trình đưa di sản ca trù thoát khỏi tình trạng di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp vẫn trầy trật vậy?

Theo TS Lê Thị Minh Lý - Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia: “Việc đầu tiên để đưa ca trù ra khỏi danh sách di sản cần được bảo vệ khẩn cấp đó là xây dựng một đề án chiến lược đòi hòi cả 14 tỉnh thành phải có những kế hoạch, chương trình riêng. Trong đó, những chương trình đấy kết nối với nhau, thống nhất với nhau trong chương trình quốc gia”.

Cụ thể, trong chương trình hành động để đưa ca trù ra khỏi tình trạng cần được bảo vệ khẩn cấp có ghi rõ Viện Âm nhạc thuộc Bộ VHTT&DL phải có trách nhiệm trong việc xây dựng đề án bảo tồn ca trù.

“Tôi nghĩ rằng sự trải dài của di sản ca trù quá lớn, địa bàn quá rộng. Mà ca trù mai một quá lâu, cho nên bây giờ mức độ mai một ở các địa phương khác nhau. Cho nên sự phục hồi nó khác nhau và sự quan tâm của các tỉnh, thành phố cũng khác nhau. Do đó việc kết nối lại để cho nó đồng bộ với nhau đây là một yêu càu lớn đang đặt ra”- bà Lý nói.

Về những băn khoăn chế độ đãi ngộ nghệ nhân ca trù, theo TS Lê Thị Minh Lý: Không thể giải quyết từng trường hợp của từng CLB. Nếu làm vậy tôi e rằng đây là giải pháp không bền vững và có tình manh mún. Điều quan trọng là bây giờ chúng ta phải đánh giá lại hiện trạng của ca trù và đưa ra những giải pháp cụ thể.

Cũng theo bà Lý, để đưa ca trù ra khỏi danh sách Di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp thì việc đầu tiên là phải trao truyền ca trù từ thế hệ được cho là nòng cốt gìn giữ ca trù sang cho một thế hệ trẻ, năng động và có nhiệt huyết.

Bên cạnh đó cần phải tăng cường công tác nghiên cứu để bảo tồn những bài bản và làm rõ mỗi giáo phường họ sở hữu những bài bản nào, đâu là giá trị đặc trưng của mỗi giáo phường; để đảm bảo rằng ca trù của chúng ta không bị nhất thể hóa, có bản sắc riêng ở từng CLB khác nhau. Cùng với đó là cần phải tạo ra các cơ hội, không gian trình diễn cho ca trù. Bởi, nếu như không được thực hành thường xuyên thì dù có đào tạo thường xuyên, trao truyền thì ca trù cũng sẽ nhanh chóng bị mai một theo thời gian.

Qui định của UNESCO, đối với các di sản phi vật thể trong được xếp hạng trong tình trạng bảo vệ khẩn cấp, cứ 4 năm/lần mỗi quốc gia phải báo cáo về tình trạng bảo tồn di sản.

Được biết vào năm 2014, Việt Nam cũng đã đã báo cáo lên UNESCO nhưng đến nay tổ chức này vẫn chưa có câu trả lời là di sản này ca trù đã được ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp hay chưa. Và theo kế hoạch vào năm 2017, Việt Nam sẽ tiếp tục phải báo cáo với UNESCO về tình trạng của di sản ca trù.

Trước thực trạng “ngổn ngang” bảo tồn như hiện nay, rõ ràng chưa thể tự tin để khẳng định rằng chỉ trong vòng 2 năm nữa ca trù có thể thoát khỏi tình trạng “bảo vệ khẩn cấp”, trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ca trù chưa tự tin ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp