Tại Nghị quyết 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế vừa được Chính phủ ban hành, quy định “3 báo giá” trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế đã được điều chỉnh. Theo lãnh đạo các bệnh viện, điều này đang được kỳ vọng sẽ dần “cởi trói” cho ngành y tế.
Bệnh viện được gỡ khó
Theo đó, Nghị quyết 30 đã gỡ vướng về chi trả bảo hiểm y tế (BHYT); cho phép các cơ sở y tế được áp dụng thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trong năm 2023; cho phép các cơ sở y tế được sử dụng các trang thiết bị y tế đã được cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ, nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân để khám, chữa bệnh.
GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, Nghị quyết đã cơ bản tháo gỡ vướng mắc về thiếu trang thiết bị, vật tư tại các cơ sở khám chữa bệnh, trong đó có Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Trước hết, Nghị quyết giải quyết được việc mua sắm hóa chất của máy đặt, máy mượn được BHYT thanh toán. Thứ hai, liên quan đến máy tặng, cho (từ các tổ chức, cá nhân, trong và nước ngoài), trước đây chúng ta không có cơ chế để sử dụng; những máy hết hạn liên doanh, liên kết thì tiếp tục được sử dụng, mặc dù chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân nhưng BHYT vẫn thanh toán. Việc này khắc phục cơ bản việc thiếu máy móc, trang thiết bị phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Thứ ba, liên quan đến xác định giá để thực hiện kế hoạch mua sắm. Trước đây quy định yêu cầu phải có “3 báo giá” nhưng theo Nghị quyết mới, chỉ cần đưa lên trang thông tin điện tử của đơn vị, nếu như có 1-2 nhà thầu, các bệnh viện vẫn có thể xác định giá mua được. Trường hợp có nhiều chủng loại khác nhau thì giao Hội đồng Khoa học xác định chất lượng phù hợp, chứ không phải chọn những loại có giá thấp.
PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng nhận định, Nghị quyết số 30 của Chính phủ vừa ban hành đã giải quyết quyết liệt và cơ bản những khó khăn về thiếu trang thiết bị, vật tư y tế tại các cơ sở y tế trong tình trạng cấp bách hiện nay. Mong Nghị quyết sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn cấp bách để các bệnh viện có thuốc, vật tư, trang thiết bị trong tình trạng khẩn cấp để phục vụ người bệnh.
Về lâu dài, Nghị quyết 30 giao Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn theo quy định về những vấn đề này.
Không phải tham khảo nhiều báo giá
Phân tích về những thuận lợi do việc từ bỏ yêu cầu tham khảo “3 báo giá từ các nhà cung cấp khác nhau”, ông Đào Xuân Cơ cho biết, với Nghị quyết 30, bệnh viện được lấy báo giá trực tiếp từ nhà phân phối khi mua máy độc quyền. Cơ chế này cũng giúp các bệnh viện đầu ngành cả nước như Bạch Mai, Việt Đức, K, Chợ Rẫy... được triển khai và nâng tầm các kỹ thuật tiên tiến do có thể mua được các thiết bị rất quan trọng, chuyên sâu, lần đầu tiên vào Việt Nam mà chỉ có một nhà cung cấp, một báo giá.
Ông Cơ cũng cho hay, trước đây máy hỏng đành “đắp chiếu”, với Nghị quyết 30, bệnh viện được mua linh kiện sửa chữa cho máy móc khi hỏng, không đợi “3 báo giá” để đấu thầu phần linh kiện này trong khi hãng độc quyền. Cơ sở y tế này sẽ nhanh chóng sửa chữa những thiết bị đang hỏng hóc, “đắp chiếu” để đưa vào phục vụ công tác khám, chữa bệnh.
Theo nhận định của nhiều giám đốc bệnh viện, Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ vừa ban hành đã cơ bản giải quyết được những vấn đề mà các bệnh viện đang gặp phải về mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế, giúp công tác này được thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số băn khoăn, đơn cử như vẫn còn những tình huống gây e ngại như một đơn vị phân phối duy nhất báo giá cao gấp hơn 2 lần so với giá nhập khẩu (của chính sản phẩm đó) thì người mua có bị quy kết chuyện gây thiệt hại, hoặc bên phân phối có bị quy kết là “thổi giá” hay không. Do đó, Bộ Y tế cần ban hành hướng dẫn rất cụ thể, công khai minh bạch về vấn đề này để các bệnh viện hoạt động trơn tru.
Chuyển dần từ tiền kiểm sang hậu kiểm
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế nhằm giải quyết các tồn tại, hạn chế bất cập phát sinh trong thời gian vừa qua, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý và yêu cầu hội nhập trong lĩnh vực này. Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ trong Nghị định xác định, từ năm 2025 sẽ chuyển từ hình thức tiền kiểm sang hậu kiểm, số lưu hành có giá trị không thời hạn gắn với trách nhiệm của doanh nghiệp về thông tin trang thiết bị y tế và trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong tổ chức thanh tra, kiểm tra. Trong thời gian từ nay đến 31/12/2024, Bộ Y tế tập trung triển khai thực hiện việc cấp giấy phép lưu hành để thay thế hoàn toàn cho các giấy phép nhập khẩu.