Không chỉ gặp khó về giải phóng mặt bằng, thời gian qua nhiều dự án thành phần thuộc “siêu dự án” cao tốc Bắc - Nam phía Đông còn gặp khó về vật liệu. Nơi thì thiếu đất đá cát sỏi, nơi thì “loạn giá”. Nhiều địa phương không chịu mở mỏ khiến các nhà thầu phải thi công cầm chừng, nếu chậm tiến độ thì từ đó sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác.
Thông tin từ Bộ Giao thông vận tải cho biết, tổng nhu cầu vật liệu của 10 dự án thành phần đoạn từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Khánh Hòa khoảng 71,35 triệu m3. Trong đó, đá khoảng 17,1 triệu m3, cát khoảng 8,95 triệu m3 và đất đắp khoảng 45,3 triệu m3.
Trong khi đó, dự kiến nguồn cung hoàn toàn có thể đáp ứng. Cụ thể qua khảo sát cho thấy 102 mỏ đá có tổng trữ lượng 189,2 triệu m3, dự kiến sử dụng đá tại 82 mỏ với trữ lượng khoảng 152,3 triệu m3. Kết quả khảo sát 114 mỏ cát có tổng trữ lượng 33,66 triệu m3, dự kiến sử dụng cát tại 104 mỏ có trữ lượng khoảng 32 triệu m3. Kết quả khảo sát 109 mỏ đất đắp có tổng trữ lượng 134,8 triệu m3, dự kiến sử dụng đất tại 90 mỏ có trữ lượng khoảng 113,8 triệu m3.
Tuy nhiên, đáng chú ý là khả năng cung ứng vật liệu của các địa phương vùng dự án đều nằm dưới nhu cầu thực tế của dự án.
Vẫn theo Bộ Giao thông vận tải, ở thời điểm này vật liệu đá còn thiếu khoảng 7,5 triệu m3. Trong đó, Hà Tĩnh thiếu 1,4 triệu m3; Quảng Bình thiếu 1,56 triệu m3; Quảng Trị thiếu 0,75 triệu m3; Quảng Ngãi thiếu 0,23 triệu m3; Bình Định thiếu 1,43 triệu m3; Phú Yên thiếu 1,64 triệu m3; Khánh Hòa thiếu 0,5 triệu m3. Vật liệu cần thiết khác là cát thiếu 1,9 triệu m3 và đất đắp thiếu khoảng 3 triệu m3.
Như vậy, cả đá, cát, đất đắp đều thiếu. Cũng chính vì thế mới dẫn tới chuyện ép giá khiến các nhà thầu rất khó khăn. Ông Nguyễn Văn Thắng - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải không ít lần cho rằng các địa phương cần trực tiếp vào cuộc khống chế giá vật liệu. Cần phải chung nhận thức rằng đây là dự án quan trọng của quốc gia, song địa phương cũng được hưởng lợi trực tiếp. Từ đó phải phối hợp, hỗ trợ cho nhau tích cực.
Ở vấn đề này, ông Thắng còn nói là phải “trong sáng”.
Thật khó hiểu khi tỉnh Bình Định công bố giá vật liệu đá 1cm x 2cm 243.000 đồng/m3, nhưng ở Phú Yên thì lại là 459.000 đồng/m3. Vật liệu đá cấp phối Bình Định công bố 127.000 đồng/m3 còn “người anh em” Phú Yên lại lên tới 299.000 đồng/m3. Các vật liệu khác như cát, đất của tỉnh Phú Yên công bố cũng cao gấp nhiều lần so với tỉnh Bình Định.
Cuối tháng 2 vừa qua, trong chuyến công tác tại tỉnh Phú Yên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng còn phát hiện giá vật liệu bị đẩy quá cao. Đó là tại gói thầu XL-01 cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong, giá khảo sát các mỏ cát dự toán 190.000 đồng/m3 nhưng thực tế giá bán cho nhà thầu lên tới gần 300.000 đồng/m3, tức là cao hơn tới hơn 50% so với giá khảo sát.
Bức xúc, ông Thắng đã phải đề nghị công an tỉnh Phú Yên vào cuộc điều tra, làm rõ bởi việc nâng giá vật liệu cao như vậy là không thể chấp nhận.
Vậy, trách nhiệm thuộc về ai?
Không khó để nhìn thấy rằng trách nhiệm lớn nhất thuộc về các địa phương vùng dự án. Các mỏ vật liệu thuộc về địa phương nào thì địa phương đó có quyền và phải chịu trách nhiệm cung cấp cho công trình lớn của quốc gia. Không thể vì lợi ích cục bộ, hoặc sợ sai, sợ trách nhiệm mà làm lỡ dở chuyện lớn. Với các mỏ đã giao cho tư nhân thì càng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, có chế tài xử lý ngay đối với chủ mỏ “găm hàng”, chờ thời cơ đẩy giá. Nói như PGS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, các địa phương có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác phải làm quyết liệt. Không thể để một công trình huyết mạch, trọng điểm của đất nước phải đi mặc cả giá tài nguyên quốc gia, làm đội vốn, chậm tiến độ.
Đại diện nhà thầu Vinaconex cũng không ít lần bày tỏ nghi ngại khi cho rằng các chủ mỏ đất thao túng giá có thể là do chính quyền địa phương lơ là quản lý.
Để “siêu dự án” cao tốc Bắc - Nam không bị chậm trễ do thiếu vật liệu, cùng với việc quy trách nhiệm người đứng đầu địa phương vùng dự án thì rất cần tăng cường cơ chế giám sát, xử lí, thu hồi giấy phép các chủ mỏ khi họ ép giá nhà thầu. Chỉ vì lợi nhuận riêng mình mà làm lỡ việc công là điều không thể chấp nhận.