Văn hóa

Các điểm vui chơi ở Hà Nội dịp nghỉ Tết Dương lịch 2025 có gì?

Theo Hanoimoi 31/12/2024 16:26

Tết Dương lịch và chào đón năm mới năm nay được nghỉ 1 ngày, các gia đình sẽ có xu hướng vui chơi tại chỗ. Là trung tâm văn hóa, du lịch của cả nước, Hà Nội có nhiều điểm vui chơi phục vụ người dân để chào đón năm mới 2025.

Xem bắn pháo hoa tại 5 điểm

Chào đón năm mới 2025, thành phố Hà Nội sẽ tổ chức bắn pháo hoa tại 5 điểm (6 trận địa) ở các quận Hoàn Kiếm, Hà Đông, Nam Từ Liêm, thị xã Sơn Tây và huyện Đông Anh từ 0 - 0h15 ngày 1-1-2025. Cụ thể, trận địa số 1: Quận Hoàn Kiếm (trước Trụ sở Tòa soạn Báo Hà Nội mới); trận địa số 2: Quận Hoàn Kiếm (trước Bưu điện Hà Nội); trận địa số 3: Quận Nam Từ Liêm (tại khuôn viên đường đua F1, phường Phú Đô); trận địa số 4: Quận Hà Đông (Hồ Văn Quán, phường Văn Quán); trận địa số 5: Thị xã Sơn Tây (Thành cổ Sơn Tây); trận địa số 6: Huyện Đông Anh (Trung tâm TDTT huyện Đông Anh).

phao-hoa.jpg
Hà Nội có 5 điểm bắn pháo hoa chào năm mới 2025. Ảnh: HNM

Dự kiến, địa điểm sẽ tập trung đông người thường là hồ Hoàn Kiếm. Theo gợi ý, người dân và du khách có thể đứng quanh hồ, vỉa hè các con phố xung quanh như: Bà Triệu, Tràng Thi, Hàng Đào với hướng thẳng vào hồ. Hoặc lựa chọn ngồi tại các quán cà phê trên cao quanh khu vực này như: Highland Coffee (tòa nhà Hàm Cá Mập), HaNoiTime Coffee (Đinh Tiên Hoàng), Skyline (Gia Ngư), Rooftop (tòa Pacific Place, phố Lý Thường Kiệt)...

Còn nếu muốn ngắm pháo hoa tại trận địa ở quận Nam Từ Liêm (tại khuôn viên đường đua F1, phường Phú Đô), người dân có thể đứng ở phía khu vực quán cafe quanh sân vận động Mỹ Đình hoặc quán cafe thuộc Cung thể thao dưới nước - đối diện sân vận động cũng là nơi lý tưởng để ngắm những màn pháo hoa đặc sắc.

Đón Countdown và vui chơi tại các không gian công cộng

Hà Nội có nhiều không gian công cộng là những điểm vui chơi hợp lý cho người dân và du khách vào dịp Tết dương lịch như hồ Hoàn Kiếm, phố ẩm thực Đảo Ngọc - Ngũ Xã, phố đi bộ Trần Nhân Tông

pho-di-bo(1).jpg
Sân khấu Countdown tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Ảnh: S.T

Vào tối 31-12, ngoài việc ngắm pháo hoa, người dân và du khách còn được thưởng thức các sân khấu biểu diễn ngoài trời và chương trình Countdown đếm ngược chào đón năm mới tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, phố đi bộ Trần Nhân Tông.

Ở khu phố ẩm thực Đảo Ngọc - Ngũ Xã, du khách sẽ được trải nghiệm “đặc sản” ẩm thực với các loại phở cuốn, ngoài ra, tại đây còn có sản phẩm du lịch "Tuyến tàu điện số 6 - Toa Bao cấp: Bếp - Chạn - Mâm", đưa người dân và du khách trải nghiệm Hà Nội thời bao cấp.

tau-dien-so-6.jpg
Trải nghiệm "Tuyến tàu số 6" tại Đảo Ngọc - Ngũ Xã. Ảnh: HNM

Dự án "Tuyến tàu điện số 6" không chỉ là điểm đến du lịch hấp dẫn, mà còn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của Hà Nội. Đây là điểm đến dành cho những người yêu thích Hà Nội và muốn tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của đất nước.

Tham quan Cột cờ Hà Nội và các di tích của Thủ đô

Vào ngày 1-1-2025, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội sẽ mở cửa cho khách tham quan và chụp ảnh tại Cột cờ Hà Nội - là một trong những biểu tượng của Hà Nội. Đây là cơ hội để người dân và du khách trải nghiệm và hiểu rõ di tích lịch sử đặc biệt này. Ngoài tham quan Cột cờ Hà Nội, du khách có thể tham quan Hoàng thành Thăng Long với nhiều hiện vật quý được trưng bày, trong đó có nhiều Bảo vật Quốc gia vừa được công nhận trong năm 2024.

Cột cờ Hà Nội hay Kỳ đài Hà Nội tọa lạc tại số 28A đường Điện Biên Phủ, Quận Ba Đình. Công trình được xây dựng từ thế kỷ XIX, trên nền đất cũ của thành Tam Môn thời Lê trong Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Hoàng Quyên
Cột cờ Hà Nội hay Kỳ đài Hà Nội tọa lạc tại số 28A đường Điện Biên Phủ, Quận Ba Đình sẽ mở cửa cho du khách tham quan từ ngày 1-1-2025. Ảnh: Hoàng Quyên

Từ ngày 1-1-2025, phí tham quan tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội sẽ có sự điều chỉnh theo Nghị định mới của thành phố. Giá vé sẽ tăng từ 70.000 đồng/người/lượt lên 100.000 đồng/người/lượt, áp dụng chung cho du khách Việt Nam và quốc tế. Khu di tích vẫn dành những ưu tiên cho các đối tượng như: miễn vé vào cửa cho trẻ em dưới 16 tuổi, người khuyết tật đặc biệt nặng. Giảm 50% mức phí cho người khuyết tật nặng, người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên; học sinh, sinh viên từ 16 tuổi trở lên.

Ngoài Hoàng thành Thăng Long, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và di tích Nhà tù Hoả Lò cũng là những địa chỉ văn hoá rất đáng trải nghiệm, tham quan trong kỳ nghỉ lễ.

Trải nghiệm phố cổ Hà Nội

Phố cổ Hà Nội là địa điểm lý tưởng để vui chơi trong kỳ nghỉ Tết dương lịch. Tại đây, ngoài tham quan các di tích như: Ngôi nhà di sản (87 Mã Mây), đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào), đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc), đền Bạch Mã…, du khách có thể trải nghiệm foodtour ẩm thực với rất nhiều món ăn đường phố đặc sắc tại phố Tạ Hiện, phố chợ Đồng Xuân.

ta-hien.jpg
Trải nghiệm ẩm thực trên phố Tạ Hiện. Ảnh: S.T

Vừa qua, UBND quận Hoàn Kiếm đã công bố 46 địa chỉ ẩm thực đạt chuẩn, trong đó, có cơ sở ẩm thực tại khu phố cổ như: Bánh mứt kẹo Phương Soát (40 Hàng Ngang), chả cá Thăng Long (số 2D Đường Thành), miến lươn Đông Thịnh (87 Hàng Điếu), phở Bát Đàn (49 Bát Đàn), phở bò Phú Xuân (36 Hàng Da), mì vằn thắn Bình tây phố cổ (54 Hàng Chiếu), bánh khúc Quân (35 Cầu Gỗ)…

Đón Tết tại Làng văn hoá các dân tộc Việt Nam

Từ ngày 1 -1 đến 31-1-2025, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ diễn ra các hoạt động chủ đề “Xuân về trên bản làng”, giới thiệu các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số và những nét văn hóa, các hoạt động truyền thống đón Tết cổ truyền đặc trưng các dân tộc.

lang-vh.jpg
Hoạt động vui chơi tại Làng văn hoá du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: S.T

Hoạt động này có sự tham gia của khoảng 100 đồng bào của 16 dân tộc Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Raglay, Ê Đê, Khmer đến từ các địa phương trên cả nước. Vui chơi tại Làng dịp này, du khách sẽ được tham gia các hoạt động “Chợ phiên vùng cao - Chào năm mới 2025”; “Xuân về bản em” với các chương trình dân ca, dân vũ; tái hiện lễ tạ ơn của đồng bào dân tộc Dao và chương trình giao lưu “Xuân về trên cao nguyên” của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đón mừng năm mới 2025.

Vui chơi ngoại thành cùng các làng nghề

Ngoại thành Hà Nội có nhiều điểm đến lý tưởng cho người dân và du khách vui chơi dịp Tết dương lịch như: Lễ hội hoa Mê Linh rực rỡ sắc hoa; trải nghiệm du lịch nông thôn và mua sắm cây cảnh tại Tích Giang (huyện Phúc Thọ); trải nghiệm không gian rực rỡ sắc màu và nghề làm tăm hương tại Làng hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hoà); khám phá và trải nghiệm làm gốm tại Làng cổ Bát Tràng…

Các đơn vị lữ hành khảo sát điểm du lịch tại Ứng Hoà. Ảnh: Hoàng Lân
Làng tăm hương Quảng Phú Cầu, Ứng Hoà. Ảnh: Hoàng Lân

Ngoài việc khám phá làng nghề, các điểm vui chơi, nghỉ dưỡng ở Ba Vì, Quốc Oai, Sơn Tây… cũng là lựa chọn tốt cho du khách trong dịp nghỉ Tết dương năm nay. Với những du khách thích các hoạt động thể thao ngoài trời, có thể lựa chọn hình thức cắm trại, trekking (đi bộ địa hình) tại núi Hàm Lợn (huyện Sóc Sơn), leo núi tại Vườn quốc gia Ba Vì, núi Trầm (huyện Chương Mỹ)…

Vui chơi tại các Trung tâm thương mại

Kỳ nghỉ Tết dương lịch diễn ra trong 1 ngày nên việc lựa chọn các trung tâm thương mại để vui chơi, giải trí sẽ được nhiều gia đình ưa chuộng.

thuy-cung.jpg
Vui chơi thuỷ cung tại Times City. Ảnh: S.T

Tại các trung tâm thương mại lớn như Times City, Royal City, Tràng Tiền Plaza, Lotte Tây Hồ, Aeon Mall… đều có nhiều hoạt động cho các gia đình có thể kết hợp mua sắm, vui chơi, xem phim, ăn uống, giải trí… Những gia đình có trẻ nhỏ có thể cho khám phá, trải nghiệm thuỷ cung, trượt băng, chơi các trò chơi vận động trong nhà vui chơi và đọc sách tại các nhà sách.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Các điểm vui chơi ở Hà Nội dịp nghỉ Tết Dương lịch 2025 có gì?