Ngày 12/1, các đồng phạm trong vụ án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam – VNCB) gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng đã đồng loạt xin được giảm nhẹ hình phạt.
Luật sư Lê Thị Nhân bào chữa cho bị cáo Doãn Quốc Long (nguyên cán bộ tín dụng VNCB – CN Sài Gòn) đã trình bày các tình tiết mới bảo vệ thân chủ của mình. Trước đó, bị cáo Long có đơn kháng cáo kêu oan liên quan đến hình phạt của cấp sơ thẩm (4 năm tù) về tội danh “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Luật sư Nhân cho rằng, bản án sơ thẩm tuyên 4 năm tù với bị cáo Long là có dấu hiệu oan sai, bởi vì cả bản cáo trạng và kết luận điều tra đều cáo buộc bị cáo Long “Vi phạm quy chế” của VNCB nhưng bản án sơ thẩm lại xác định bị cáo Long “Vi phạm quy định về cho vay…” của Ngân hàng Nhà nước.
Luật sư nhìn nhận, đây là một động thái cáo buộc vượt quá phạm vi truy tố, gây bất lợi cho bị cáo nên kháng cáo kêu oan của thân chủ mình là hoàn toàn có cơ sở. Dù vậy, đại diện VKSND lại bác kháng cáo của bị cáo Long khi trình bày đề nghị án tại phiên tòa phúc thẩm lần này.
Luật sư Nhân cũng phủ nhận cáo buộc bị cáo Long giúp sức, thông đồng với bị cáo Phạm Công Danh để cho vay trái pháp luật, bởi vì khi bị cáo Long cho vay thì Ngân hàng Đại Tín vẫn còn tồn tại và bị cáo Danh chưa tham gia điều hành ngân hàng này.
Tại phiên tòa, luật sư Đào Thị Bích Liên, bào chữa cho bị cáo Phan Minh Tùng (nguyên Phụ trách tổ tài chính của Tập đoàn Thiên Thanh do Phạm Công Danh làm chủ) bị cấp sơ thẩm tuyên phạt 7 năm tù về các tội “Cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Bị cáo Tùng kháng cáo kêu oan và luật sư bào chữa trình bày bằng chứng án sơ thẩm quy kết bị cáo Tùng đã nhập số tiền 27 tỷ đồng vào tài khoản của bị cáo Danh theo kế hoạch nâng khống hệ thống Corebanking. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm thì chính bị cáo Danh đã khai nhận không có chỉ đạo ai trong vụ việc Corebanking.
Ngoài ra, luật sư Liên cũng bào chữa: bị cáo Tùng không tham gia họp bàn việc nâng khống hệ thống Corebanking cũng như tham gia vào quá trình mở tài khoản chung với Mai Hữu Khương (nguyên giám đốc chi nhánh VNCB Sài Gòn).
Bản thân bị cáo Tùng không được bàn bạc hay biết việc làm của bị cáo Danh, nhưng bản án sơ thẩm đã suy diễn buộc tội bị cáo Tùng là đồng phạm với bị cáo Danh. Do đó, luật sư Liên cho rằng bị cáo Tùng kêu oan về tội “Vi phạm quy định cho vay trong tổ chức tín dụng” là hoàn toàn có cơ sở.
Về phần mình, bị cáo Phạm Công Danh cũng đã xin HĐXX trong quá trình xử án xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo là cán bộ, nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh do Danh làm chủ, bởi vì họ chỉ làm theo trách nhiệm công việc và không hưởng lợi. Bị cáo Danh chấp nhận bỏ hết tài sản riêng vào quá trình khắc phục hậu quả của vụ án.