Như Báo Đại Đoàn Kết đã phản ánh, thời gian gần đây rất nhiều hội nhóm kín trên facebook thường xuyên chia sẻ thông tin tiêu cực, muốn tự tử, thậm chí rủ nhau cùng tìm cách kết liễu đời mình sao cho nhẹ nhàng.
Dấu hiệu vi phạm Luật hình sự
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội cho biết, mạng xã hội giờ đây không chỉ là nơi giải trí mà còn là nơi để mọi người chia sẻ, giãi bày stress hay các vấn đề khó khăn mà họ gặp phải trong đời sống thực.
Tuy nhiên, đáng lo ngại ở chỗ gần đây rất nhiều các hội nhóm những người muốn tự tử xuất hiện trên mạng xã hội và thu hút hàng nghìn, chục nghìn thành viên tham gia.
Qua những nội dung đăng tải trên các hội nhóm cho thấy, do lối sống và đặc điểm xã hội thay đổi đã tạo ra nhiều áp lực vô hình cho nhiều người, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Với tâm lý non trẻ, bản lĩnh yếu kém, khó đứng vững trước những biến cố cuộc đời, cho nên những bất ổn trong tâm lý của họ ngày càng trầm trọng, và họ lựa chọn cách tự tử để giải quyết bế tắc và trốn tránh cuộc đời.
Tuy nhiên, thay vì động viên, đồng cảm và cùng giúp đỡ nhau tháo gỡ khó khăn, đa số các thành viên trong hội nhóm này lại chia sẻ cho nhau những câu chuyện tiêu cực, thậm chí cả những cách thức để tự tử nhẹ nhàng, thoải mái.
Đây là những hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm gián tiếp đến quyền được sống của con người, bởi bản thân một người rất khó ra quyết định tự kết thúc cuộc đời mình, trừ các trường hợp quá quẫn bách, nhưng trong hoàn cảnh được những người khác kích động, lôi kéo thì mọi sự trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Các hành vi thường xuyên đăng tải các bài viết liên quan đến những câu chuyện tiêu cực, bày cách để chết sao cho nhẹ nhàng hay rủ nhau tự tử có dấu hiệu hình sự của tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 131 Bộ luật hình sự hiện hành, các hành vi đăng tải, chia sẻ các phương pháp tự tử mà làm người khác tự tước đoạt tính mạng của mình chính là việc kích động, thúc đẩy hoặc tạo điều kiện tinh thần cho người khác tự sát.
Trong các trường hợp này, người đăng các thông tin có thể phải đối diện với các hình phạt như: Phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trong trường hợp các thông tin đăng tải mà làm 2 người trở lên tự sát, thì người vi phạm có thể bị phạt tù từ 2 đến 7 năm theo Khoản 2 Điều 131 Bộ luật hình sự.
Xử lý còn gặp nhiều khó khăn
Tuy nhiên, công tác phát hiện và xử lý đối với các hành vi này là khá khó khăn, đặc biệt trong việc chứng minh yếu tố cấu thành tội phạm. Cụ thể, khó có thể chứng minh rằng, nội dung các bài viết chia sẻ về cách thức tự tử trên mạng xã hội là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của nạn nhân. Bởi lẽ, các nội dung được thể hiện dưới hình thức công khai, không ám chỉ, vận động trực tiếp cá nhân nào thực hiện hành vi tự tử.
Ngoài ra, các bài đăng thường được đăng tải bởi các tài khoản không chính chủ, không rõ thông tin cá nhân nên gây khó khăn trong quá trình xác minh, điều tra về đối tượng vi phạm.
Luật sư Trần Xuân Tiền chia sẻ thêm, nhằm hạn chế tối đa tình trạng nêu trên, trước hết cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần nâng cao công tác kiểm tra, giám sát nội dung đăng tải trên mạng xã hội, đồng thời có phương án xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên nhằm tạo tính răn đe, góp phần đẩy lùi hiện trạng tiêu cực này.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao kiến thức, thay đổi nhận thức và hành vi của mỗi người. Trong đó, thay vì chia sẻ tâm lý tiêu cực của bản thân lên các trang mạng cũng như tham gia vào các hội nhóm có nội dung cổ súy cho tâm trạng tiêu cực, cần thẳng thắn chia sẻ với người thân, bạn bè để tìm cách giải quyết và xoá bỏ tâm lý bế tắc, tiêu cực.
Qua đây, chúng ta cũng cần quan tâm đến người thân, bạn bè nhiều hơn nữa, nhất là đối với những người có dấu hiệu tiêu cực để kịp thời có những biện pháp ngăn chặn hiệu quả, tránh để xảy ra những hậu quả đáng tiếc.