Nhiều tín hiệu tích cực cho thấy các ngành kinh tế mũi nhọn như dệt may, thủy sản, gỗ... đã vượt qua được những rào cản và đang dần hồi phục. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động nắm bắt thông tin, đa dạng hóa thị trường, đặc biệt tận dụng cơ hội đến từ các FTA để đẩy mạnh tăng trường xuất khẩu.
Dấu hiệu khởi sắc
Dệt may là một trong những ngành đối diện nhiều khó khăn từ đầu năm, tuy nhiên theo ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ cải thiện và kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sẽ đạt 8 tỷ USD trong năm 2023. Trong đó, để chinh phục các thị trường, ngành dệt may cũng đang nỗ lực đáp ứng tiêu chuẩn xanh hoá. Việc đạt được các tiêu chuẩn này sẽ nâng cao hình ảnh thương hiệu Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, nâng cao đời sống người lao động, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp (DN).
Với ngành gỗ cũng có những dấu hiệu phục hồi khá rõ nét. Cụ thể, đơn hàng xuất khẩu gỗ nội thất đang bắt đầu trở lại từ cuối quý II/2023, mặc dù chưa phục hồi mạnh. Thị trường chính của Việt Nam là Mỹ bắt đầu nhập số lượng các sản phẩm từ gỗ, thị trường Úc, Hàn Quốc, Ấn Độ cũng đang phát triển ổn định và có nhu cầu nhập thêm các sản phẩm nội thất…
Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu lâm sản 6 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam ước đạt 6,42 tỷ USD, giảm gần 29% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, ngành gỗ vẫn lạc quan có thể cán mốc xuất khẩu 14 tỷ USD vào cuối năm khi các DN bắt đầu đón thêm một số đơn hàng mới.
Là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, theo ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), ghi nhận từ các DN trong ngành ở thời điểm này đều đang rất khó khăn, đơn hàng sụt giảm do sức cầu từ các thị trường lớn, truyền thống đều đang bị ảnh hưởng bởi lạm phát. Tuy nhiên, những tháng cuối năm, nhu cầu xuất khẩu thuỷ sản dự báo sẽ phục hồi tốt hơn. Cụ thể, nhu cầu thủy sản của Mỹ nhiều khả năng sẽ phục hồi từ nửa cuối năm 2023 do lạm phát hạ nhiệt, mức tồn kho giảm và nhu cầu cao để phục vụ dịp lễ cuối năm. Điều này sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ tăng 40-50% trong nửa cuối năm.
Những dữ liệu nói trên của các ngành hàng xuất khẩu chủ lực cho thấy, sản xuất và xuất khẩu đã có dấu hiệu cải thiện rõ nét.
Tăng tốc
Nhằm tiếp tục gỡ khó cho hoạt động xuất nhập khẩu, thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công thương đã, đang và sẽ tập trung đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu… và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (ASEAN).
Đặc biệt, quyết liệt đột phá vào các thị trường mới, nơi có tầng lớp trung lưu gia tăng như các thị trường mới nổi E7 (Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Mexico và Indonesia; thị trường Halal (Trung Đông, Malaysia, Brunei)...
Có thể thấy, cùng với sự nỗ lực của cộng đồng DN, nhà quản lý cũng đang tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích xuất khẩu nhằm thúc đẩy sự phục hồi của ngành xuất khẩu, trong đó chú trọng giải ngân các gói tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận nguồn vốn, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế...
Đưa ra lời khuyên với các DN trong mục tiêu tăng tốc xuất khẩu thời gian tới, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) khuyến cáo, trong bối cảnh hiện nay, để tận dụng tốt các lợi thế từ những Hiệp định thương mại tự do (FTA) đă ký kết, DN xuất khẩu cần tiếp tục tìm hiểu kỹ các ưu đãi về thuế quan để có sự chọn lựa tối ưu. Cùng với đó, DN cũng cần có phản ứng linh hoạt, nhạy bén với thị trường trong việc tìm kiếm các đối tác và thúc đẩy giao dịch, điều chỉnh quy trình sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ; thực hiện các yêu cầu khác về thủ tục giấy tờ, hồ sơ vận chuyển... để được hưởng ưu đãi.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công thương đã, đang và sẽ tập trung đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu… và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (ASEAN).