Các 'nhà mạng' chưa cương quyết

H.Vũ 25/09/2023 06:54

Theo ĐBQH Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương), Thành viên Hội đồng tư vấn Khoa học-Giáo dục-Môi trường, UBTƯ MTTQ Việt Nam: Tình trạng sim rác là do các nhà mạng chưa cương quyết.

Ông Nguyễn Quang Huân.

Đến hết tháng 5/2023, theo quy định tất cả các thuê bao di động đang hoạt động phải được chuẩn hóa thông tin trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đảm bảo an toàn và bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Nếu người dùng không thực hiện theo yêu cầu sẽ bị chặn liên lạc 1 chiều hoặc 2 chiều, hoặc bị gián đoạn các dịch vụ của nhà mạng. Thế nhưng tình trạng dùng sim rác để thực hiện tin nhắn rác, cuộc gọi rác để lừa đảo vẫn diễn ra.

Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai gửi tới trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV về thủ đoạn hoạt động của các đối tượng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, đa dạng về phương thức, thủ đoạn; Cử tri kiến nghị Bộ TTTT phối hợp với Bộ Công an có giải pháp quản lý chặt chẽ và biện pháp xử lý nghiêm đối với những đối tượng lừa đảo trên.

Trả lời, Bộ TTTT cho biết: Đúng là trong thời gian vừa qua tình trạng cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo đã diễn ra gây bức xúc cho xã hội, dư luận. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng đài 5656/156 của Bộ TTTT đã tiếp nhận hơn 570 nghìn phản ánh trong đó có hơn 104 nghìn phản ánh về các cuộc gọi, tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo (chiếm 18% tổng số phản ánh).

Theo Bộ TTTT, trung bình mỗi tháng các doanh nghiệp viễn thông chặn, khóa 31 nghìn thuê bao có dấu hiệu phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo. Các đơn vị của Bộ (Cục Viễn thông, Cục An toàn thông tin), các doanh nghiệp viễn thông đã tổ chức sàng lọc, xác thực, chuyển hơn 30 nghìn phản ánh về các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo đến các đơn vị của Bộ Công an để phối hợp, điều tra xử lý.

Tình trạng sim không chính chủ là một trong những nguyên nhân dẫn đến các cuộc gọi quảng cáo, lừa đảo. Thời gian vừa qua hoạt động mua bán sim rác vẫn diễn ra, thuê bao điện thoại có đầy đủ thông tin cá nhân nhưng không do chính chủ sử dụng. Theo ĐBQH Nguyễn Quang Huân, dùng sim rác để thực hiện tin nhắn rác, cuộc gọi rác để lừa đảo không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà đã từng xảy ra ở nước ngoài. “Lúc tôi ở Phần Lan, khi điện thoại di động còn chưa phổ biến thì đã xuất hiện tình trạng lừa đảo qua điện thoại. Bao giờ cũng vậy, tội phạm luôn đi cùng với sự phát triển của xã hội, càng phát triển thì trình độ của tội phạm càng cao” - ông Huân nói đồng thời cho rằng, tình trạng sim rác là do các nhà mạng chưa cương quyết. Nếu cương quyết làm thì không còn tình trạng sim rác. Vì các sim đều là do các nhà mạng cung cấp, chứ không phải “trên trời rơi xuống”.

“Nếu các nhà mạng phát hành sim và kiểm soát theo đúng chuẩn hóa thông tin trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như số căn cước công dân, định danh cá nhân thì những thông tin không đúng phải dừng hoạt động”-ông Huân nói.

Theo ông Huân, trước tình trạng “nhà mạng không nghiêm”, với chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, Bộ TTTT phối hợp với Bộ Công an cần tăng cường quản lý. Không làm nghiêm sẽ không xử lý được tình trạng dùng sim rác để lừa đảo.

“Các đối tượng dùng dịch vụ mà anh cung cấp, gọi điện để lừa đảo, trong khi đó anh kiểm soát không chặt thì anh phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp này cứ phạt nặng các nhà mạng. Siết chặt từ nơi phát hành sim, cung cấp dịch vụ. Có như vậy mới dẹp được nạn sim rác” - ông Huân nói.

Ông Huân cũng cho rằng, về thể chế pháp luật, các quy định đã có. Như Quốc hội ban hành luật; Chính phủ ban hành Nghị định. Song có điều có thực hiện các quy định đó hay không?. Đó là do quá trình tổ chức thực hiện, quản lý yếu kém, chưa nghiêm. Cho nên đây là vấn đề cần phải kiểm soát. Bên cạnh đó, cần tăng cường phát huy các đường dây nóng phản ánh về việc dùng sim rác để thực hiện tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Từ đó có các biện pháp để xử lý.

Cũng theo ông Huân, MTTQ Việt Nam với chức năng giám sát và phản biện xã hội cần vào cuộc để giám sát làm rõ vấn đề trên. “Hệ thống của Mặt trận xuống tận tới từng tổ dân phố, lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân. Qua giám sát, Mặt trận sẽ kiến nghị Chính phủ yêu cầu Bộ TTTT giải trình và có biện pháp xử lý. Phải mạnh mẽ, quyết tâm làm tới cùng để dẹp tình trạng sim rác”-ông Huân nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Các 'nhà mạng' chưa cương quyết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO