Trong số 6 “siêu dự án” TP HCM đang kiến nghị Trung ương tháo gỡ và bố trí vốn, hầu hết các dự án lớn gặp phải tình trạng chung về vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng, vấn đề về đội vốn chi phí đầu tư hoặc không bố trí được nguồn vốn đầu tư công cho trung hạn…
Khó quá thì… lùi tiến độ
Đối diện với một năm nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng từ đợt bùng phát thứ tư của dịch Covid-19, UBND TP HCM đánh giá kế hoạch hoàn thành thi công dự án Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đưa vào vận hành khai thác đầu năm 2022 khó có thể khả thi.
Do đó, Ban Quản lý Đường sắt đô thị với vai trò là chủ đầu tư của dự án cùng các nhà thầu đã kiến nghị lùi thời gian hoàn thành thực hiện và thi công tuyến này đến đầu năm 2024.
Ngay đầu năm nay, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM tiếp tục có kiến nghị UBND TP HCM xem xét phê duyệt dự toán phụ lục hợp đồng số 19 của hợp đồng tư vấn chung để điều chỉnh thời gian thực hiện cho tuyến Metro số 1 có lộ trình Bến Thành - Suối Tiên.
Đối với dự án tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) cũng gặp khó khăn lớn khi phải đặt ra nhiệm vụ giải quyết dứt điểm các vướng mắc về thủ tục bồi thường hỗ trợ tái định cư.
Bên cạnh đó, các vướng mắc đàm phán phụ lục hợp đồng số 13 (hợp đồng tư vấn IC) và phải triển khai quy trình về thẩm định, phê duyệt thiết kế dự toán, lựa chọn nhà thầu các hạng mục để di dời công trình hạ tầng kỹ thuật,…
Tính chung cả năm 2021, tỷ lệ giải ngân đầu tư hạ tầng giao thông, đô thị của thành phố chỉ đạt tỷ lệ 93%, thấp hơn 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Theo ông Võ Khánh Hưng - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP HCM, hầu hết các dự án triển khai thi công trong năm qua gặp khó khăn do giãn cách xã hội kéo dài. Riêng các tuyến Metro số 1 và 2 bị trì hoãn do việc nhập khẩu vật tư, thiết bị bị chậm lại kèm theo tình trạng thiếu chuyên gia nước ngoài tư vấn dự án.
Cũng theo đại diện Sở GTVT TP HCM, các vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng hay công tác chuẩn bị đầu tư các dự án giao thông trọng điểm còn rất chậm là những vướng mắc chính. Đó là chưa kể nguồn vốn đầu tư công cho trung hạn để phát triển hạ tầng giao thông của thành phố hiện cũng chỉ đáp ứng được khoảng 20% so với nhu cầu thực tế đề ra.
Trong số 6 dự án TP HCM mong muốn kiến nghị Chính phủ tháo gỡ và bố trí vốn, hầu hết các dự án lớn gặp phải tình trạng chung về vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng, vấn đề về đội vốn chi phí đầu tư hoặc không bố trí được nguồn vốn đầu tư công cho trung hạn…
Điển hình tại dự án Vành đai 3, thành phố kiến nghị Chính phủ bố trí hơn 83.200 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương để đầu tư dự án. Đây là một khoản kinh phí rất lớn nên trường hợp vốn ngân sách không đủ bố trí, TP HCM kiến nghị hỗ trợ phần vốn khoảng 46.970 tỷ để phục vụ giải phóng mặt bằng.
Đó là chưa kể các phần vốn về xây lắp, chi phí đầu tư các hạng mục hạ tầng,…chưa được tính tới. Riêng đối với dự án này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành từng nhận định, mức đầu tư cho mỗi km đường tại dự án đang cao hơn nhiều so với các tuyến cao tốc trên cả nước. Do đó, Phó Thủ tướng lưu ý: “Nếu không tính toán cẩn thận sẽ ảnh hưởng đến việc dự trù và chủ trương”.
“Liệu cơm gắp mắm”
Trong bối cảnh kinh tế TP HCM đặt mục tiêu chính cho trung hạn là hồi phục từng bước, kế hoạch về đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đô thị đặt ra là giải quyết dứt điểm các tồn đọng và tập trung đẩy tiến độ đối với các dự án đang triển khai dở dang.
Theo kế hoạch, Sở GTVT TP HCM tập trung hoàn thành xây dựng tuyến Metro số 1 và đẩy nhanh tiến độ khởi công tuyến Metro số 2 có lộ trình Bến Thành - Tham Lương. Song song đó là tháo gỡ cho các dự án giải quyết ùn tắc giao thông cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và hoàn thành dứt điểm 20 công trình trọng điểm đã được lên kế hoạch từ trước.
Năm 2022 thành phố cũng dự kiến thông qua chủ trương đầu tư cao tốc TP HCM - Mộc Bài, vành đai 2, vành đai 3 và đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư vành đai 4.
Đối với các dự án Metro số 1 và 2, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM kiến nghị UBND TP HCM chấp thuận cho phép được cân đối, sử dụng nguồn kinh phí không sử dụng hết trong số tiền tạm ứng chi phí quản lý dự án từ nguồn vốn đối ứng ngân sách thành phố đầu năm 2022 khi chưa hoàn tất thủ tục duyệt điều chỉnh dự toán chi phí quản lý dự án của 2 dự án này.
Ngoài ra, đơn vị này cũng kiến nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ để giải quyết dứt điểm các vướng mắc về thủ tục bồi thường hỗ trợ tái định cư và quá trình đàm phán phụ lục hợp đồng, thẩm định, phê duyệt thiết kế dự toán, lựa chọn nhà thầu,…để đảm bảo tiến độ.
Đầu tư cho giao thông đô thị đang là vấn đề mà người dân TP HCM đặc biệt quan tâm. Theo ông Lê Hòa Bình - Phó Chủ tịch UBND TP HCM, trải qua một năm nhiều khó khăn và trong điều kiện kinh tế, xuất nhập khẩu còn đang hồi phục từng bước, toàn ngành giao thông phải nỗ lực giải quyết dứt điểm các tồn đọng, đảm bảo sự kỳ vọng của người dân thành phố.
Trong điều kiện khó khăn, ngành Giao thông cần tập trung khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu, giảm ùn tắc, kéo giảm tai nạn giao thông.
Cũng theo ông Lê Hòa Bình, thời gian tới thành phố còn có một nhiệm vụ rất quan trọng là rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung của TP HCM và TP Thủ Đức. Đây là các nhiệm vụ hết sức quan trọng của năm 2022.