Pakistan là nơi có nhiều sông băng hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới trừ các vùng cực, nhưng khi khí hậu ấm lên, quốc gia này trở nên dễ bị tổn thương hơn khi các sông băng đột ngột tan chảy.
Ông Sardar Sarfaraz từ Cục Thiên văn Pakistan cảnh báo, chỉ trong năm nay, Pakistan đã chứng kiến lượng nước hồ băng tăng gấp ba lần thông thường, có thể gây ra lũ lụt thảm khốc.
Ông Sardar Sarfaraz cho biết, đã có 16 sự cố như vậy xảy ra ở khu vực phía bắc Gilgit-Baltistan của nước này vào năm 2022, so với 5 hoặc 6 vụ xảy ra trong những năm trước đó.
“Những sự cố như vậy xảy ra sau khi các sông băng tan chảy do nhiệt độ tăng lên”, ông Sarfaraz nói.
Sông băng tan chảy là một trong những dấu hiệu rõ ràng, dễ thấy nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu và là một trong những hậu quả trực tiếp nhất của nó. Hiện vẫn chưa rõ cuộc khủng hoảng lũ lụt hiện tại của Pakistan có thể liên quan đến sự tan băng đến mức nào. Nhưng trừ khi lượng khí thải làm nóng hành tinh được hạn chế, các sông băng của Pakistan sẽ tiếp tục tan chảy với tốc độ nhanh.
Ông Sarfaraz nói: “Sự nóng lên toàn cầu sẽ không dừng lại cho đến khi chúng ta hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính và nếu sự nóng lên toàn cầu không dừng lại, những tác động của biến đổi khí hậu này sẽ ngày càng gia tăng”.
Theo Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu của Liên minh châu Âu (EU), Pakistan chịu trách nhiệm cho ít hơn 1% lượng khí thải nhà kính làm tăng nhiệt độ hành tinh, nhưng nước này là quốc gia dễ bị tổn thương thứ 8 do khủng hoảng khí hậu.
Tính dễ bị tổn thương đó đã được hiển thị trong nhiều tháng, với những trận mưa gió mùa kỷ lục và các sông băng tan chảy ở vùng núi phía bắc của đất nước, gây ra lũ lụt khiến ít nhất 1.191 người thiệt mạng - trong đó có 399 trẻ em - kể từ giữa tháng 6.