Mặt trận

Các tổ chức tôn giáo chung nhịp đập trong thời khắc lịch sử

Phương Nguyên 07/07/2025 07:46

Trong thời khắc chuyển mình của dân tộc, các tổ chức tôn giáo đã đồng loạt thể hiện tinh thần đồng hành, trách nhiệm công dân bằng những hoạt động cầu nguyện trang nghiêm, lan tỏa tinh thần đoàn kết, góp phần cổ vũ cho sự kiện chính trị hành chính đặc biệt của đất nước. Đó là minh chứng sinh động cho mối quan hệ gắn bó khăng khít giữa đạo và đời, giữa niềm tin tôn giáo với lý tưởng phụng sự Tổ quốc.

tren.jpg
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh tổ chức Lễ cầu nguyện quốc thái dân an khi cả nước bắt đầu thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Ảnh: Đoàn Chi.

Tôn giáo, sức mạnh thiêng liêng đồng hành cùng dân tộc

Ngay từ những ngày đầu tháng 7/2025, hàng vạn ngôi chùa, nhà thờ, thánh đường, cơ sở tín ngưỡng trên khắp mọi miền đất nước đã đồng loạt cử hành các nghi lễ cầu quốc thái dân an, cầu nguyện cho sự thành công của mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Dù hình thức hành lễ khác nhau nhưng tất cả đều chung một tấm lòng hướng về Tổ quốc.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tổ chức tôn giáo có số lượng phật tử lớn nhất cả nước đã phát đi lời kêu gọi từ Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương GHPG Việt Nam. Theo đó, trong thời khắc lịch sử của dân tộc để vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, tất cả các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước cùng đồng loạt cử ba hồi chuông, trống Bát Nhã, tụng kinh và cử hành các nghi lễ cầu an, khơi dậy sức mạnh dân tộc. Đây là hành động không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn là biểu hiện cho tinh thần Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc trong từng giai đoạn chuyển mình của đất nước. Nghi lễ mang đến thông điệp cầu bình an, khơi dậy tình đoàn kết dân tộc trước khoảnh khắc lịch sử của cả nước khi chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Trong khi đó, Giáo hội Báp-tít Việt Nam cũng tổ chức các buổi cầu nguyện tại các điểm nhóm tập trung, mỗi cơ sở Hội Thánh vào lúc 5h00 sáng ngày 1/7. Lời kêu gọi của Mục sư Hội trưởng Nguyễn Võ Khánh Giám không chỉ nhấn mạnh sự hiệp nguyện trong tình yêu thương của Thiên Chúa, mà còn dẫn lời Kinh thánh để khích lệ tín hữu sống nhân đức, gắn bó với dân tộc, thể hiện tinh thần “Sống Phúc âm, phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc”.

Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam cũng đã tổ chức Thánh lễ đồng loạt tại các giáo xứ, giáo họ trên toàn quốc. Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh - Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam nhấn mạnh, đây là một sự kiện trọng đại, đánh dấu bước tiến lịch sử trong tiến trình phát triển đất nước, hướng tới một kỷ nguyên mới của hòa bình, thịnh vượng và hội nhập. “Chúng ta là Linh mục, tu sĩ, giáo dân tiêu biểu tham gia Ủy viên Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam các cấp đồng loạt tổ chức nghi thức cầu nguyện tại các giáo xứ, giáo họ trên toàn quốc không chỉ thể hiện tinh thần hiệp thông sâu sắc, mà còn là biểu hiện sống động của lòng yêu nước, trách nhiệm công dân và khát vọng góp phần xây dựng một Việt Nam giàu mạnh, nhân ái và công bằng, thể hiện sâu sắc tinh thần yêu nước trong đồng bào Công giáo sống “tốt đời, đẹp đạo”; sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” - Linh Mục Trần Xuân Mạnh nói.

Tiếp tục lan tỏa tinh thần trách nhiệm

Không chỉ các tôn giáo lớn mà các tổ chức tôn giáo khác cũng có những hoạt động hưởng ứng tích cực và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Hội thánh Minh Lý Đạo - Tam Tông Miếu, với tinh thần “hợp quần, yêu nước” đã kêu gọi các đạo hữu trên toàn quốc đồng loạt cầu nguyện vào lúc 6h00 sáng ngày 1/7. Lời kêu gọi nhấn mạnh: “Lời cầu nguyện nhiệt thành của quý đạo hữu sẽ tạo thành sức mạnh thiêng liêng phò trợ cho đất nước Việt Nam được vững bền, giàu mạnh”.

Còn Hội thánh Cao Đài Tiên Thiên, một trong những hệ phái Cao Đài lớn tại Việt Nam đã long trọng tổ chức Lễ Thượng quốc kỳ, đổ ba hồi chuông, trống và cầu nguyện Đức Chí Tôn cùng các Đấng Thiêng Liêng ban ân lành cho đất nước. Việc làm trên thể hiện người đạo Cao Đài Tiên Thiên đồng hành, đồng thuận cùng các sự kiện lịch sử của đất nước trong giai đoạn bước vào kỷ nguyên vươn mình cùng dân tộc, kỷ nguyên của sự phát triển.

Với tinh thần cầu nguyện và phục vụ vì một thế giới hòa bình, Hội đồng Tinh thần Tôn giáo Baha’i Việt Nam cũng đã gửi lời hiệu triệu tới toàn thể đạo hữu trên cả nước. Trong lời kêu gọi, Tổng Thư ký Hội đồng Tinh thần Tôn giáo Baha’i Việt Nam Trương Quốc Thái nhấn mạnh: “Là người Baha’i, chúng ta không chỉ cầu nguyện cho bản thân, mà còn có nghĩa vụ thiêng liêng trong việc phụng sự Tổ quốc nơi mình sinh sống”.

Việt Nam hiện có trên 26 triệu tín đồ tôn giáo, chiếm gần 28% dân số, hơn 54 nghìn chức sắc, hơn 135 nghìn chức việc và gần 30 nghìn cơ sở thờ tự, 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động. Đây là lực lượng quan trọng góp phần giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Việc các tổ chức tôn giáo đồng loạt tổ chức cầu nguyện cho sự kiện vận hành chính quyền địa phương hai cấp là minh chứng cho việc các tôn giáo luôn hướng thiện, đồng hành và sẵn sàng phụng sự đất nước trên tinh thần “tốt đời, đẹp đạo”.

Sự đồng thuận và hưởng ứng này không chỉ xuất phát từ lòng tin tôn giáo mà còn phản ánh tinh thần yêu nước sâu sắc, khát vọng về một Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Các tôn giáo ở Việt Nam là một bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Những năm qua các tổ chức tôn giáo đã có nhiều đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam luôn nhất quán chủ trương phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đặc biệt từ năm 2024, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát động phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong năm 2025 trên phạm vi cả nước. Đây không chỉ là một phong trào hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, người có công với cách mạng, mà còn là một hành trình kết nối, lan tỏa tình yêu thương, khơi dậy truyền thống “tương thân, tương ái” của Dân tộc và phát huy tinh thần từ bi, bác ái, phụng sự nhân sinh cao đẹp trong các tôn giáo, qua đó tăng cường đồng thuận xã hội, đoàn kết đồng bào dân tộc, tôn giáo trong sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo, hướng tới một xã hội phồn vinh, văn minh, hạnh phúc. Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát đã và đang ghi nhận sự đóng góp tích cực của các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, các chức sắc, chức việc, nhà tu hành và đồng bào các tôn giáo, qua đó góp phần quan trọng để chương trình sẽ về đích trước ngày 31/8/2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Các tổ chức tôn giáo chung nhịp đập trong thời khắc lịch sử