Phương án trước mắt cho những rắc rối liên quan có thể được giải quyết bằng cách đổi tên các trường trung cấp thành trường cao đẳng, đồng thời nâng cấp các ngành học cho phù hợp vì thực tế hiện nay, nhiều ngành trung cấp y nhưng cũng được đào tạo tương đương như cao đẳng, kéo dài 3 năm.
Ảnh minh họa.
Với mục đích chuẩn hóa nguồn nhân lực ngành y tế trước những quy định mới của khu vực về hội nhập, Bộ Y tế đã có thông tư quy định, sẽ ngưng tuyển dụng trong lĩnh vực y tế các lao động có bằng trung cấp từ năm 2021.
Theo giải thích, khi chất lượng cuộc sống thay đổi, nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia hoạt động ở nước ta thì nguồn nhân lực phục vụ chăm sóc y tế cũng phải nâng cao tương xứng. Nghĩa là, muốn làm việc trong ngành y, bắt buộc phải có trình độ từ cao đẳng trở lên.
Cụ thể hơn, theo thông tư này thì từ năm 2018, các trường trung cấp y sẽ ngưng đào tạo các ngành điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y học. Tiến tới, sẽ xóa bỏ hoàn toàn hệ trung cấp y và chỉ đào tạo từ hệ cao đẳng trở lên.
Quy định này hiện đang vấp phải sự phản đối của nhiều trường đang đào tạo hệ trung cấp ngành y với lo ngại, sẽ không có sinh viên theo học nữa vì trong tương lai không xa sẽ không được làm việc.
Ông Nguyễn Khắc Thương- Hiệu trưởng Trường Trung cấp Tây Sài Gòn cho biết, hiện nay nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành y hệ trung cấp đang rất nhiều.
Đặc biệt là các vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn với các chuyên môn như công tác phòng dịch, tiêm chủng, sơ cứu ban đầu các bệnh nguy hiểm…
Ngoài ra, các công việc như chăm sóc y tế học đường, y tế các doanh nghiệp, nhà máy… cũng cần một lượng lớn nhân lực ở hệ trung cấp. Vì vậy, quyết định ngưng sử dụng các lao động có bằng trung cấp y là khá bất cập.
Tương tự, đại diện các trường đang đào tạo hệ trung cấp y ở khu vực TP HCM như Trung cấp Ánh Sáng, Trung cấp Đại Việt, Trung cấp Bến Thành… cũng cho rằng, nhu cầu thực tế của nguồn nhân lực hệ trung cấp vẫn đang rất nhiều.
Trong khi đó, đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng, hiện nay cả nước có hơn 100 đơn vị là các trường trung cấp, cao đẳng đang đào tạo hệ trung cấp y. Nếu bị bắt buộc phải dừng lại, hoặc nâng cấp tất cả thành trường cao đẳng để “đạt chuẩn” như yêu cầu của Bộ Y tế thì sẽ rất khó khăn.
Đây là vấn đề nan giải bởi thực tế, việc chuẩn hóa các quy định nguồn nhân lực ngành y với quy định tất cả đều được đào tạo từ bậc cao đẳng trở lên cũng hoàn toàn đúng đắn. Ở các nước trong khu vực, nhân lực ngành y tế đều được đào tạo 3 năm với bậc thấp nhất là cao đẳng. Nếu khi hội nhập, nguồn nhân lực ngành y không có sự thay đổi để đáp ứng các yêu cầu trong khu vực cũng rất khó khăn.
Được biết, phương án trước mắt cho những rắc rối liên quan có thể được giải quyết bằng cách đổi tên các trường trung cấp thành trường cao đẳng, đồng thời nâng cấp các ngành học cho phù hợp vì thực tế hiện nay, nhiều ngành trung cấp y nhưng cũng được đào tạo tương đương như cao đẳng, kéo dài 3 năm.