Gần đây, dư luận bàn tán về việc hai bức tranh tường cổ động trên phố Bạch Mai và Minh Khai của thủ đô Hà Nội sắp bị phá bỏ để làm đường. Dù đây không phải là cổ vật hay di tích lịch sử, nhưng lại hàm chứa những giá trị văn hóa của một thời kỳ. Pháp luật cũng không có quy định bắt buộc đối với những di vật chưa được xếp hạng hay công nhận di tích. Thế nên, việc gìn giữ đa phần dựa vào dư luận xã hội thúc đẩy trách nhiệm, tình yêu di sản văn hóa của nhà quản lý.
Tranh tường cổ động đang có nguy cơ bị phá bỏ.
Cùng với việc phát triển thủ đô, phố Bạch Mai được mở rộng. Phố Minh Khai nằm trên trục vành đai 2 cũng được mở rộng rất nhiều so với mấy chục năm trước. Việc mở rộng đường phố giao thông là một nhu cầu bức thiết, và đã được lên kế hoạch, quy hoạch từ nhiều năm. Thế nhưng, trong sự phát triển đó, lại gặp phải những vấn đề cần phải giải quyết. Mà việc gìn giữ hay phá bỏ hai bức tranh tường trên hai ngã tư của hai phố Bạch Mai và Minh Khai là một ví dụ.
Hai bức tranh tường này do họa sĩ Trường Sinh thực hiện vào các năm 1983 và 1984. Tức là cách nay chưa đến nửa thế kỷ. Theo Luật Di sản văn hóa, để được xác định là cổ vật thì niên đại phải có từ 100 năm trở lên. Một bức tranh là gạch men kính màu, bức còn lại là tranh khắc vữa. Ở cùng thời gian đó, họa sĩ Trường Sinh còn thực hiện một tác phẩm tranh tường khác tại Ô Chợ Dừa, nhưng bị phá bỏ cũng từ lâu.
KTS Nguyễn Trương Quý nói: “Bức tranh tường này thực tế là 2 bức ở 2 mặt phố Bạch Mai và Minh Khai. Bức thứ nhất có chất liệu gạch men kính màu với hình ảnh một phụ nữ mặc áo dài như đang bay lên cạnh Tháp Rùa - một hình ảnh mang tính thần thoại. Bức thứ hai là xi măng đắp nổi sơn màu với chủ đề xây dựng thành phố khoa học kỹ thuật. Hai bức tranh phản ánh trình độ thi công và công nghệ vật liệu giai đoạn 1980. Chúng có một phong cách gần với các tranh cổ động Xô - Viết, song cũng có những nét đặc trưng nhằm gợi ra một hình tượng Hà Nội thời hậu chiến, mang tình cảm của cư dân lúc ấy qua sáng tác của họa sĩ Trường Sinh”. Như thế, tuy hai tác phẩm tranh tường cổ động này không phải là cổ vật, nhưng vì giá trị lịch sử, văn hóa của nó thì có thể coi đây là di vật văn hóa.
Hai bức tranh tường cổ động này sẽ bị phá bỏ nếu như dư luận không bàn tán xôn xao. Quả thực, đây là hai bức tranh tường cổ động hoành tráng nhất còn sót lại của Hà Nội. Chỉ nghĩ đến điều đó thôi, cũng khiến ta phải bùi ngùi. Nếu cứ nhân danh sự phát triển, đã có quy hoạch rồi cần phải phá bỏ các di vật thì sau này lấy đâu ra di sản để xếp hạng và công nhận?.
Trong bản quy hoạch Thủ đô Hà Nội 2030 tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có nêu tiêu chí xây dựng thủ đô Hà Nội thành một thành phố: Xanh – Văn hiến – Văn minh. Tức là chú trọng môi trường cây xanh, chú trọng bảo tồn di tích lịch sử văn hóa, công trình kiến trúc, di sản văn hóa, và một đô thị hiện đại, thông minh…
Thế nhưng, quy hoạch là một chuyện. Còn thực hiện lại là một chuyện khác. Là sao để từ quy hoạch đến thực thi được nhất quán đồng bộ? Đây đó trong thành phố vẫn xuất hiện những công trình xây vượt độ cao, xây quá mật độ cho phép. Còn việc bảo vệ di tích, di sản văn hóa thì càng nan giải hơn vì nó là sở hữu của Nhà nước hoặc cộng đồng dân cư. Những tranh chấp khó được giải quyết vì thường các cộng đồng dân cư chỉ biết kiến nghị chứ không kiện ra tòa để giải quyết. Với những di tích lịch sử văn hóa thì đã có Luật Di sản văn hóa làm cơ sở để gìn giữ bảo tồn. Nhưng với những di vật văn hóa như hai bức tranh tường này thì không có quy định pháp lý để bảo vệ. Việc tồn tại của hai bức tranh tùy thuộc vào lương tri yêu văn hóa của nhà quản lý quyết định.
Về xử lý hài hòa giữa sự phát triển giao thông đô thị và gìn giữ di vật văn hóa, sao ta không quy hoạch hai bức tranh này thành ốc đảo giao thông? Hoặc giả nếu nhất thiết phải tháo dỡ thì nên chăng tháo dỡ đưa về Bảo tàng Hà Nội? Bảo tàng Hà Nội đâu chỉ lưu giữ cổ vật xưa mà cũng cần thiết phản ánh sự phát triển đô thị, sự phát triển nghệ thuật công cộng của đô thị.
Nếu yêu di vật, di sản văn hóa của thủ đô thì việc gìn giữ lại bằng cách này hay cách khác khi xung đột với sự phát triển đô thị đều có cách giải quyết.
Vấn đề là di vật, di sản văn hóa đó được nhìn nhận, đánh giá như thế nào với các nhà quản lý.