Cách nào để nghề ship hàng ít chịu thiệt thòi?

Linh Trang 21/02/2023 12:05

Hiện nay, công nghệ ngày càng phát triển, nhu cầu mua bán hàng lớn khiến lượng người tham gia nghề shipper ngày càng đông. Vậy nhưng vẫn có những câu chuyện "tai nạn lao động" khiến cho nghề này được đánh giá có mức độ nguy hiểm cao.

Nỗi lòng người shipper

Những ngày qua, nhiều người tỏ ra phẫn nộ trước thông tin một anh chàng làm nghề giao hàng (shipper) tại Quảng Ngãi bị khách hàng hành hung không thương tiếc chỉ vì không muốn nhận đơn hàng.

Sự việc tai bay vạ gió ập đến khiến anh L.A.Đ - nạn nhân của vụ việc bị gãy đầu dưới thân xương trụ phải; gãy lồi cầu xương cánh tay trái và mỏm khủy xương trụ trái. Do cả 2 tay bị chấn thương nặng nên bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật. Ngoài ra, anh Đ. còn bị bầm tím nhiều vị trí khác trên cơ thể.

Hiện nay, người làm nghề shipper rất đông,nnhất là sau khi đại dịch Covid-19 hoành hành một thời gian dài, mọi người đã dần quen hơn với việc đặt hàng trên mạng. Nhiều người cũng coi công việc chạy ship là một trong những nghề lao động chính nuôi gia đình.

Anh Thái Nam (28 tuổi, quê Hải Phòng) hiện đang sinh sống tại Hà Nội với nghề nghiệp chính là giao hàng tại khu vực Mễ Trì, Nam Từ Liêm cho biết: "Trước đây mình từng làm việc tại nhà máy sản xuất bánh kẹo, tuy nhiên đợt vừa rồi cắt giảm nhân sự nên mất việc, hiện không có việc gì làm nên đành phải chạy ship hàng".

Anh Nam cho biết, kể từ khi bắt đầu với công việc hiện tại, anh đã gặp nhiều trường hợp "dở khóc dở cười" khi giao hàng, nhiều khi cũng phải ngậm ngùi chấp nhận. "Có lần giao đơn hàng là hai thỏi son ứng trước 1 triệu nhưng đến nơi khách không nhận hàng, có gọi điện thế nào cũng từ chối ra nhận. Mình có yêu cầu không nhận hàng thì trả phí ship, lúc đấy khách còn gọi điện quát mắng lại, coi mình là người lao động thấp kém. Những lúc như thế chỉ biết ngậm ngùi chứ không làm được gì, mất công trả lại hàng lại còn mất cả điểm thưởng tính trên hệ thống (app)".

Anh Thái Nam - 28 tuổi, quê Hải Phòng cho biết, đã gặp nhiều trường hợp "dở khóc dở cười" khi giao hàng.

Chia sẻ cảm nhận về câu chuyện anh Đ. bị hành hung khi giao hàng, anh Ngô Văn Vĩnh (31 tuổi, Hà Nội) cũng là một shipper cho biết, chuyện bị nhiều khách hàng hay thậm chí là người bán hàng chửi bới, lăng mạ hay đánh đập đã xảy ra không ít, tuy nhiên nhiều sự việc không quá nghiêm trọng hay nhiều người không muốn làm lớn chuyện nên thường bỏ qua.

"Chuyện xích mích với khách hàng là điều mà các shipper không muốn gặp phải. Khách hàng có quyền đánh giá shipper trên hệ thống nên chỉ cần họ để 1-2 sao là ảnh hưởng tới công việc. Các app chỉ cập nhật đánh giá của khách hàng mà shipper thì không thể giải thích được nên tránh xung đột được thì cứ tránh, vừa không mất thưởng lại đỡ tốn thời gian đôi co. Mình cứ làm đúng trách nhiệm của mình là được", anh Vĩnh chia sẻ.

Cần có cách quản lý và bảo vệ cho nghề shipper

Trao đổi với báo chí, CEO FastShip Phạm Văn Hoàng cho biết, nghề shipper rủi ro luôn chầu chực khi phải đối diện nắng mưa, khi trúng phải shop lừa đảo hay khách hàng không chịu nhận đơn.

Với kinh nghiệm vận hàng FastShip, ông Hoàng cho rằng shipper giao hàng có hai dạng như giao hàng cho sàn thương mại và giao hàng cho các shop. Các gian hàng trên sàn thương mại quy định khá chặt chẽ. Hàng của sàn khi giao gặp vấn đề, khách không cự cãi với nhân viên mà có thể bấm nút hoàn trả hàng, phản ánh là sẽ có bộ phận xử lý.

Còn với các cửa hàng nhỏ, khách hàng và chủ shop thỏa thuận mua bán, shipper giao hàng nhưng chi phí ship là câu chuyện mỗi nơi mỗi khác. Có thể shop thỏa thuận với khách trả phí ship khi nhận hàng, nhưng khi hoàn trả hàng lại không nói xử lý như thế nào, từ đó gây khó cho shipper.

Thực tế, khi cửa hàng lên đơn, đơn vị chuyển phát thường thu tiền ship của chủ shop. Trường hợp khách từ chối nhận hàng và shipper không đòi được tiền ship thì nên báo lại chủ shop để hoàn đơn, chính chủ shop phải trả thêm tiền ship cho đơn vị giao hàng, điều này sẽ không gây bất lợi lên người thứ 3 chỉ có nhiệm vụ vận chuyển giữa hai bên.

Nghề ship hàng gặp nhiều nguy hiểm. Ảnh minh hoạ.

Không chỉ gặp những khó khăn trong việc đối diện với nhiều khách hàng khó tính, nhiều shipper khi được hỏi còn cho biết họ từng gặp tai nạn nghiêm trọng tới mức cần sự trợ giúp của y tế. Qua đó, áp lực công việc và nguy cơ mất an toàn giao thông cũng là những nỗi lo mà các shipper đang phải gánh chịu.

Một nghiên cứu mới đây của Viện Khoa học Lao động Xã hội chỉ ra rằng, hiện Việt Nam đang có 20,6% lao động trình độ cao tham gia lái xe công nghệ, 36,7% tham gia làm shipper công nghệ. Nguyên nhân người lao động chọn những công việc này là do tính linh hoạt, chủ động về thời gian làm việc và thu nhập tạm ổn. Ngoài ra, những công việc này còn ít chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh và dễ dàng chuyển đổi.

Tuy nhiên, Viện Khoa học Lao động Xã hội cũng chỉ ra những bất cập khi hầu hết lao động chỉ có giao kết hợp đồng công việc hoặc hợp đồng đối tác mà không có hợp đồng lao động theo quy định của Nhà nước, do đó họ không được bảo đảm quyền lợi lao động và an sinh xã hội khi gặp rủi ro.

Điều này cũng chỉ ra rằng, chúng ta cần có những chính sách, quy định quản lý chặt chẽ để tránh việc người lao động không nhận được những quyền lợi xứng đáng với công sức mà họ đã bỏ ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cách nào để nghề ship hàng ít chịu thiệt thòi?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO