Trong thời điểm hiện nay, để phát triển công nghiệp âm nhạc nói riêng và công nghiệp văn hóa nói chung cần phải quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền tác giả.
Tranh cãi về tác quyền/độc quyền khiến nhiều cặp nhạc sĩ – ca sĩ cùng hội cùng thuyền nay ở hai “chiến tuyến”. Ồn ào nhạc sĩ Đỗ Hiếu cấm Noo Phước Thịnh diễn 8 ca khúc do anh sáng tác gây xôn xao dư luận, tương lai dễ sẽ có nhiều trường hợp tương tự nếu hai bên không rõ ràng trong khi thương thuyết hợp đồng.
Tranh chấp tác quyền dẫn đến đấu tố, cạch mặt nhau giữa nghệ sĩ biểu diễn và chủ thể sáng tác là câu chuyện muôn thuở ở làng nhạc Việt. Ồn ào giữa nhạc sĩ Đỗ Hiếu và ca sĩ Noo Phước Thịnh một lần nữa khiến câu chuyện bản quyền nóng lên.
Trong câu chuyện ồn ào, nhạc sĩ Đỗ Hiếu tuyên bố 8 ca khúc anh sáng tác và Noo Phước Thịnh thể hiện là “Mãi mãi bên nhau”, “Gạt đi nước mắt”, “Hold me tonight”... đã hết hạn độc quyền. Dù hai bên đã trao đổi về vấn đề gia hạn nhưng không thành công, nên Noo Phước Thịnh không được hát nếu chưa xin phép tác giả.
Thực tế, tranh cãi bản quyền là vấn đề đã tồn tại ở Vpop từ năm này qua năm khác. Trước Noo Phước Thịnh, Đan Trường cũng từng bị nhạc sĩ Đình Dũng tố cáo sử dụng trái phép ca khúc “Từng yêu” biểu diễn với mục đích kiếm tiền suốt 2 năm mà không một lời xin phép. Sau đó, đại diện của Đan Trường đưa những tin nhắn cho thấy phía Nam ca sĩ đã trao đổi với Đình Dũng cũng như ca sĩ thể hiện bài “Từng yêu” là Phan Duy Anh trước khi thực hiện bản cover.
Năm 2022, Ngọc Mai bị Xesi (tên thật Trần Hải Yến) tố hát ca khúc “Túy âm” ở một số sự kiện mà chưa xin phép. Sau đó, Ngọc Mai đáp trả đanh thép rằng “Xesi chưa hiểu luật”.
Theo Ngọc Mai, Xesi đã ủy quyền ca khúc cho VCPMC và Ngọc Mai luôn xin phép trung tâm trước khi biểu diễn. Ngọc Mai cũng giải thích cô nhầm lẫn Masew là tác giả nên liên hệ với Masew thay vì Xesi.
Sự việc chưa dừng ở đó khi Xesi tiếp tục có bài viết dài phản bác đàn chị. Trong đó, Xesi nói sau khi làm việc trực tiếp tại văn phòng VCPMC vào 25/12/2022 - tức khoảng hơn 1 tháng kể từ khi các buổi diễn của Ngọc Mai diễn ra - thông tin duy nhất Xesi nhận được là ngày đóng phí tác quyền của show Hozo Music Festival. Những show còn lại, cô chưa nhận được bất cứ thông tin nào.
Những tranh cãi trên một lần nữa cho thấy việc cân bằng quyền lợi giữa người sáng tác, người biểu diễn là yếu tố quan trọng để thúc đẩy nền công nghiệp âm nhạc phát triển. Điều này được quan tâm khi càng ngày tình trạng về vi phạm tác quyền diễn ra thường xuyên… đến nay, vẫn chưa có hồi kết.
Liên quan đến vấn đề này, nhạc sĩ Trần Quang Duy cho rằng, hiện nay mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả còn thấp, chưa đủ tính răn đe; thiếu hình thức xử phạt bổ sung và khắc phục hậu quả phù hợp.
Trong khi đó, các hành vi xâm phạm hiện nay xảy ra khá phổ biến, thực hiện với quy mô lớn và thường xuyên dưới hình thức kinh doanh thương mại, tuy nhiên mức phạt hiện nay không tương ứng được với mức độ vi phạm và thiệt hại mà các đơn vị này gây ra cho các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.
Nêu giải pháp ngăn chặn vấn đề trên, nhạc sĩ Trần Quang Duy cho rằng: “Để hạn chế vi phạm bản quyền, tác giả phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan; tăng cường giám sát, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền tác giả trên môi trường số”.
Luật sư tố tụng Dương Ánh Nga (Đoàn luật sư TP HCM) cũng nêu giải pháp: “Để hạn chế tình trạng vi phạm bản quyền tác phẩm âm nhạc, cơ quan chức năng có thể sửa quy định hiện hành. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức của xã hội về vấn đề bản quyền âm nhạc, bản quyền, đặc biệt các tổ chức đại diện cần phải phổ biến về mức phí tác quyền, phân tích xem mức phí đó là cao hay thấp, lắng nghe nhau để xem việc mua bản quyền như thế là hợp lý hay chưa".