Cách nào ngăn ‘làn sóng’ giáo viên nghỉ việc?

HOÀI VŨ (thực hiện) 05/11/2023 06:47

Khi Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu đã đề xuất quy định lương giáo viên cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp theo tính chất công việc, vùng miền. Trao đổi với Báo Đại Đoàn Kết, bà Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, cần sớm có biện pháp ngăn chặn “làn sóng” giáo viên nghỉ việc trong lúc chúng ta đang thiếu giáo viên.

PV: Thưa bà, đã có nhiều đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp tăng lương, phụ cấp cho nhân viên trường học để họ yên tâm công tác, cống hiến với nghề, đáp ứng yêu cầu dạy và học giai đoạn hiện nay. Lương giáo viên phải cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp. Quan điểm của bà trước đề xuất này?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga.

Bà NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: Lương của giáo viên đang thấp so với tính chất công việc khá vất vả, và thấp so với mặt bằng thu nhập chung của xã hội. Đây là vấn đề không mới, và đã có nhiều ý kiến. Tôi cho rằng không chỉ mỗi giáo viên mà cách xếp lương của chúng ta đối với khu vực cán bộ, công chức, viên chức đang rất lạc hậu. Thu nhập thực tế từ lương của cán bộ, công chức, viên chức so với mặt bằng cuộc sống có độ vênh nhất định.

Chúng ta nói nhiều đến 2 đội ngũ là nhân viên y tế và giáo viên. Bởi do tính chất công việc của 2 ngành này vất vả. Ngành nghề nào cũng quan trọng, song với y tế và giáo dục nếu thiếu đội ngũ thì hậu quả sẽ đến ngay lập tức. Lần này chúng ta đang chuẩn bị thực hiện cải cách tiền lương. Kế hoạch cải cách tiền lương đã được xây dựng từ năm 2020 nhưng chưa thực hiện được theo lộ trình. Cải cách tiền lương không đơn thuần ở việc tăng lương như cũ mà chúng ta thay đổi hoàn toàn cách tính lương và xếp thang bảng lương. Trong đó có một số lưu ý. Như tách bạch đội ngũ nhân viên theo kiểu ký hợp đồng ra khỏi hệ thống lương của cán bộ, công chức, viên chức là hợp lý. Nghĩa là trả lương theo hợp đồng công việc. Rồi xếp lương không xếp theo hệ số như trước mà lần này xếp theo số tiền cụ thể đối với vị trí việc làm cụ thể.

Lương giáo viên thấp thì phải có hình thức tăng thêm thu nhập cho giáo viên. Nhưng bảng lương cao nhất đã hợp lý chưa thì phải căn cứ vào vị trí việc làm, bởi giáo viên là viên chức. Chúng ta không thể nói viên chức ngành này quan trọng hơn viên chức ngành kia bởi cùng là ngạch viên chức thì khó để nhìn nhận khu vực này cao hơn khu vực kia. Về cơ bản sau khi cải cách tiền lương thì lương được tăng ở tất cả các bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. Và tăng dần theo từng năm, mỗi năm tăng dao động từ 5-7%. Hiện Chính phủ cũng đang gấp rút xây dựng Luật Nhà giáo để trình Quốc hội vào năm 2024. Trong đó có quy định chế độ chính sách đặc thù cho giáo viên. Sau cải cách tiền lương, nếu thấy lương giáo viên vẫn quá thấp so với mặt bằng chung thì chúng ta có thể tính toán đến những phụ cấp và ưu đãi đặc thù cho ngành giáo dục để làm sao tổng thu nhập của giáo viên không quá thấp. Đó mới là hợp lý.

Hiện cả nước đang thiếu 127.583 giáo viên và con số đang tiếp tục tăng. Làm sao để hạn chế thực trạng này?

- Đây là vấn đề cần giải quyết ở tầm vĩ mô. Tổng giáo viên trên cả nước là thiếu nhưng giáo viên cục bộ cũng có khi thừa. Ví dụ một trường có thể thừa giáo viên dạy ngoại ngữ nhưng thiếu giáo viên dạy mỹ thuật. Tổng biên chế của trường là vẫn đủ nhưng có thể thừa môn này và thiếu môn kia. Đó chính là thừa thiếu cục bộ. Các thành phố lớn có thể thừa, ví như hàng năm các kỳ thi tuyển viên chức ngành giáo dục số lượng các em sinh viên mới ra trường nộp đơn dự thi nhiều hơn số được tuyển rất nhiều, trong số đó có các em không được tuyển. Các em đó không phải là không xuất sắc mà phải lấy điểm từ cao xuống thấp, có chọn lọc. Cho nên tại các thành phố lớn thì thừa giáo viên. Còn ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa thì lại thiếu giáo viên. Thừa thiếu cục bộ giáo viên do không điều tiết tốt nên chỗ thiếu vẫn thiếu, và chỗ thừa thì vẫn thừa.

Bây giờ để giải quyết vấn đề tổng thể giáo viên còn đang thiếu là nhiệm vụ của ngành sư phạm. Trong quá trình đào tạo sinh viên sư phạm như thế nào đó để chúng ta có ưu đãi, thu hút sinh viên, học sinh giỏi vào ngành sư phạm. Hiện vấn đề này đã làm nhưng còn đang vướng ở chỗ những chế độ thu hút đã có nhưng đi vào thực hiện trong cuộc sống thì vướng. Như việc ưu đãi cho sinh viên học các ngành sư phạm, chế độ “đào tạo đặt hàng” hiện đang được thực hiện song đang vướng. Do đó hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang rà soát để trình Chính phủ sửa đổi. Tức là có chế độ thu hút nhưng thực hiện vướng nên chưa được bao nhiêu. Do đó phải đào tạo đủ giáo viên và giáo viên chất lượng tốt. Đây là việc Bộ chủ quản phải tham mưu chính sách, và phải chỉ đạo các trường sư phạm đào tạo đủ giáo viên.

Nghề giáo đang đối mặt nhiều áp lực. Ảnh: K.Giang.

Thưa bà, tính đến tháng 9, toàn quốc có 17.278 giáo viên nghỉ, chuyển việc. Tình trạng giáo viên xin nghỉ việc cũng một phần do lương thấp. Đây là vấn đề cấp bách cần giải quyết, nếu không “chảy máu” trong ngành giáo dục sẽ trầm trọng hơn?

- Phải ngăn chặn “làn sóng” giáo viên nghỉ việc trong lúc chúng ta đang thiếu giáo viên. Phải truy đến tận căn nguyên vấn đề gốc rễ lương thấp hay do đâu. Tại sao trước kia lương giáo viên thấp mà họ không bỏ nghề nhiều như thời điểm hiện nay. Giáo viên bỏ việc nhiều hơn phải chăng có thêm nguyên nhân khác.

Phải ngăn chặn “làn sóng” giáo viên nghỉ việc trong lúc chúng ta đang thiếu giáo viên. Phải truy đến tận căn nguyên vấn đề gốc rễ lương thấp hay do đâu. Tại sao trước kia lương giáo viên thấp mà họ không bỏ nghề nhiều như thời điểm hiện nay. Giáo viên bỏ việc nhiều hơn phải chăng có thêm nguyên nhân khác.

Tôi thấy bây giờ áp lực nghề giáo nhiều hơn trước rất nhiều. Ví dụ bạo lực học đường không chỉ đơn thuần là học sinh bạo lực với nhau, giáo viên bạo lực với học sinh, mà còn có “bạo lực ngược”. Tức là học sinh và phụ huynh học sinh hành hung giáo viên. Thế hệ học trò cũng khác xưa nhiều, các em mạnh mẽ, sống khẳng định cái tôi ở lứa tuổi THCS, THPT tính cách “bùng nổ” khiến cả gia đình và nhà trường quản lý các em rất khó khăn. Điều này dồn áp lực lên giáo viên.

Có một vấn đề nữa mà ít người đề cập song cần phải thẳng thắn nhìn nhận. Đó là chúng ta đang thực hiện đổi mới chương trình giáo dục. Chương trình mới đòi hỏi giáo viên phải có nhiều năng lực, kỹ năng hơn rất nhiều. Ví dụ chọn sách giáo khoa để dạy cho học sinh thì giáo viên cũng phải chứng tỏ bản lĩnh và năng lực của mình. Trước đây có 1 cuốn sách giáo khoa, giáo viên không cần phải nghĩ nhiều, cứ thế mà soạn bài để dạy. Nhưng bây giờ phải đọc tất cả các sách giáo khoa có mặt trên thị trường, sau đó đề xuất chọn một bộ để dạy. Đọc xong phải so sánh, đối chiếu cuốn nào hay, cuốn nào dở để đề xuất dạy cuốn nào cho học sinh. Chỉ riêng chọn sách để dạy đã áp lực, chưa kể lương 3 năm tăng một lần, mỗi lần tăng không đáng kể mà giá cả cứ leo thang, tạo thành áp lực cho giáo viên. Cho nên khi có cơ hội chuyển đổi sang công việc ít áp lực hơn, có thu nhập cao hơn thì giáo viên sẽ chuyển nghề.

Vì vậy ở tầm vĩ mô chúng ta cần có chính sách đãi ngộ để thu hút nhiều sinh viên giỏi vào khối ngành sư phạm. Có chế độ chính sách để điều tiết giáo viên ở những nơi thừa đến nơi thiếu. Đây không chỉ là nhiệm vụ của mỗi ngành giáo dục mà còn rất nhiều ngành khác nữa. Phải có giải pháp, nỗ lực trong thời gian tới để thực hiện tốt đổi mới chương trình, sách giáo khoa để không quá áp lực và bỡ ngỡ với giáo viên và học sinh.

Luật Nhà giáo ra đời cần quy định thêm một số chính sách chế độ đặc thù cho ngành giáo dục. Cho nên cần tổng thể các giải pháp chứ không chỉ xếp lương giáo viên ở bảng lương cao nhất, bởi cùng viên chức với nhau khó có thể xếp lương ngành này cao hơn ngành khác.

Khi lương giáo viên được cải thiện, bà có nghĩ sẽ tránh được tình trạng giáo viên chuyển việc, bỏ nghề?

- Chúng ta đang đối diện với việc thiếu hụt giáo viên ngày càng trầm trọng, trong khi số lượng học sinh tăng qua từng năm. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ trong những tháng đầu năm thấy rằng số lượng giáo viên nghỉ việc là nhiều nhất trong tổng số viên chức các ngành khác. Đây là điều đáng phải suy nghĩ.

Là người học sư phạm nên tôi biết rõ khi quyết định chọn ngành nghề để thi đại học thì đa số các bạn chọn sư phạm đều là người rất yêu nghề giáo. Khi đã trở thành giáo viên thì rất tâm huyết và mang tình yêu với nghề. Nhưng đến lúc giáo viên phải bỏ nghề, có nghĩa là họ đã phải từ bỏ ước mơ, ngành nghề mà mình gắn bó với nhiều tâm huyết và tình cảm. Đây là điều chúng ta cần khắc phục bằng các giải pháp tổng thể ở tầm vĩ mô để giải quyết dứt điểm. Không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai nhưng tôi hy vọng chúng ta nỗ lực, xem xét nhiều chiều để có thể sớm giải quyết thực trạng trên.

Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cách nào ngăn ‘làn sóng’ giáo viên nghỉ việc?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO