Nhiều chuyên gia về lao động nhận định, hệ thống chính sách việc làm hiện nay tương đối đồng bộ nhưng còn thiếu các chính sách riêng nhằm đẩy mạnh tạo việc làm cho thanh niên, nhất là sinh viên, thanh niên nông thôn.
Tổng cục Thống kê cho biết, 6 tháng đầu năm thị trường lao động có những điểm tích cực. Theo đó, thị trường trong nước, lực lượng lao động, số người có việc làm quý II năm 2024 tăng so với quý trước và tăng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tình hình thất nghiệp thanh niên 15-24 tuổi duy trì mức cao, tỷ lệ này tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tăng so với quý trước và không thay đổi so với cùng kỳ năm trước. Trong quý II năm 2024, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên 15-24 vẫn duy trì mức cao với 8,01%, tăng 0,02 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,60 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
“So với tỷ lệ thất nghiệp chung, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên luôn cao hơn. Do thanh niên là lực lượng trẻ, nên nhu cầu có việc làm cao hơn các lực lượng khác vì vậy họ bắt buộc tìm kiếm việc làm. Bên cạnh đó, họ thường được trang bị các kiến thức tốt hơn với trình độ cao hơn nên họ có nhiều cơ hội để lựa chọn hơn nên ko tham gia thị trường lao động, họ có thể không chấp nhận làm các công việc tạm thời thu nhập thấp, họ sẽ trì hoãn để cho đến khi tìm được công việc như ý” - đại diện Tổng cục Thống kê đánh giá.
Số lao động trẻ thất nghiệp gia tăng nhưng ở góc độ doanh nghiệp (DN) có nhu cầu tuyển dụng lao động, đặc biệt là lao động trẻ, ông Trịnh Ngọc Thọ - Phó giám đốc kinh doanh, Chi nhánh Công trình Viettel Hà Nội, thuộc Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel cho biết, lao động trẻ hiện nay có xu hướng mong muốn làm việc trong môi trường được thể hiện cá tính, yêu thích sự thoải mái, sáng tạo…Nếu cảm thấy chưa phù hợp với yếu tố này, các bạn sẵn sàng nhảy việc ngay.
Liên quan đến chính sách việc làm cho lao động trẻ mới đây trả lời ý kiến cử tri TPHCM, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết, để nâng chất lượng nguồn nhân lực lao động trẻ, Bộ đã, đang tập trung thực hiện các giải pháp: Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, tập trung xây dựng dự án Luật Việc làm (sửa đổi), trong đó nghiên cứu, rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về hỗ trợ việc làm cho đối tượng người lao động nói chung, đối tượng là thanh niên nói riêng và các quy định về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề, các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động...
Đặc biệt, với chủ trương coi DN là môi trường đào tạo thứ hai ngoài nhà trường, áp dụng mô hình đào tạo “kép” kết hợp giữa nhà trường và DN, tại rất nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp, học sinh, sinh viên được đến DN để thực hành, thực tập và ký hợp đồng làm việc ngay từ khi chưa ra trường và đến khi tốt nghiệp ra trường tiếp tục làm việc tại DN.
Theo báo cáo từ các địa phương và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trên 80% học sinh, sinh viên học các trình độ giáo dục nghề nghiệp ra trường có việc làm ngay. Tuy nhiên theo Bộ LĐTBXH, để đẩy mạnh giải quyết việc làm cho thanh niên (trong đó có học sinh, sinh viên), ngoài sự năng động, chủ động của bản thân thanh niên, các cơ quan, địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ định hướng nghề nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo đến thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, khuyến khích thành lập DN, tạo mở nhiều cơ hội việc làm...