Sức khỏe

Cách nhận biết cúm A để điều trị kịp thời

Thanh Mai 14/01/2024 11:19

Tại Hà Nội, số ca mắc cúm A tăng vọt trong vài tuần gần đây. Nhiều trẻ em và người cao tuổi nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, viêm phổi, phải thở máy. Theo các chuyên gia y tế, cúm A là một loại cúm mùa có biểu hiện giống với các loại cúm thông thường nhưng có biến chứng nguy hiểm hơn nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách.

sk.jpg
Trẻ mắc cúm mùa được điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: H.A.

Gia tăng bệnh nhân mắc cúm A

Thông tin từ Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, vài tuần trở lại đây trong số các trẻ đến thăm khám có chỉ định làm xét nghiệm mỗi ngày tại bệnh viện, khoảng 100 - 150 trường hợp có kết quả mắc cúm, chủ yếu là cúm A. Trong đó, 15% ca nặng phải nhập viện điều trị. Riêng tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới của bệnh viện đang điều trị hơn 70 ca mắc cúm, phần lớn bị biến chứng viêm phổi, phải thở oxy.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương đang điều trị hơn 15 bệnh nhân cúm A nặng, trong số đó có 8 ca mắc bệnh lý nền. Tại Khoa Hồi sức tích cực có 2 trường hợp nhiễm cúm A nguy kịch đang phải lọc máu, thở máy. Trường hợp nữ bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường, thừa cân, béo phì, được chuyển vào viện trong tình trạng biến chứng khi nhiễm cúm như suy hô hấp, viêm phổi, suy tim.

Theo bác sĩ Phạm Văn Phúc - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, với nữ bệnh nhân 59 tuổi, những triệu chứng đầu tiên của bệnh nhân là sốt, hắt hơi, sổ mũi; một ngày sau bắt đầu tức ngực, khó thở. Vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ở ngày thứ ba khởi phát triệu chứng cúm, bệnh nhân đã suy hô hấp phải thở oxy. Người phụ nữ có bệnh nền béo phì, tiểu đường và tăng huyết áp, đây là yếu tố nguy cơ khiến cúm A tiến triển rất nhanh, đặc biệt là tổn thương phổi. Kết quả chụp X-quang cho thấy phổi trắng xóa, tổn thương phổi lan tỏa hai bên. Sau điều trị, tình trạng phổi vẫn rất kém, bệnh nhân phải phụ thuộc hoàn toàn vào thở máy.

Trường hợp diễn biến nặng khác là bệnh nhân nam khoảng 60 tuổi, phải thở máy do suy hô hấp diễn biến nặng. Người này có rất nhiều bệnh nền như: suy thận mạn tính, cao huyết áp, tiểu đường, biến chứng tai biến mạch máu não. Phim chụp X-quang cho thấy phổi trắng, tổn thương phổi 50 - 60% và lan tỏa hai bên. Bác sĩ đánh giá tổn thương phổi là tình trạng nặng nhất của bệnh nhân này. Sau hơn 10 ngày điều trị tích cực, các chức năng về hô hấp của bệnh nhân được hỗ trợ bằng máy thở tạm thời ổn định nhưng tiên lượng vẫn rất nặng nề.

Theo bác sĩ Phúc, bệnh cúm A ở người có triệu chứng từ nhẹ đến nặng, khác nhau tùy theo tình trạng sức khỏe của từng người. Các triệu chứng khi nhiễm virus cúm A có một số điểm tương đồng với khi nhiễm chủng virus cúm thường. Nếu không được điều trị đúng cách, một số đối tượng như người già, trẻ em, người có hệ miễn dịch suy yếu sẽ dễ dàng mắc thêm các bệnh khác hoặc gặp các biến chứng nặng dẫn đến nguy cơ đe dọa tính mạng. Biến chứng nặng nhất khi mắc bệnh cúm A là suy hô hấp, với triệu chứng khó thở, thở gấp, đờm có lẫn máu… dẫn đến viêm phổi, thiếu oxy và thậm chí là tử vong.

Cúm A dễ lây lan

Theo Tiến sĩ Vũ Ngọc Long - Phó Trưởng Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cúm A là căn bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường lưu hành khi thời tiết chuyển mùa, do các chủng virus cúm phổ biến như: A/H1N1, A/H3N2, A/H5N1, A/H7N9 gây nên.

Kết quả giám sát các trường hợp cúm cho thấy, các chủng virus cúm hiện đang lưu hành ở nước ta vẫn là các chủng virus gây bệnh cúm mùa, trong đó chủ yếu là các chủng cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B. Hiện chưa ghi nhận các chủng virus cúm có độc lực cao lây truyền từ gia cầm sang người như: cúm A/H5N1, A/H5N6 hoặc A/H7N9. Các chủng virus cúm mùa lưu hành ở Việt Nam hiện nay cũng tương tự như các nước trên thế giới, chưa phát hiện có sự đột biến gen ở các chủng này tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia y tế, cúm A là căn bệnh phổ biến, nguy hiểm đối với người lớn và trẻ em, đặc biệt dễ lây lan. Các chủng virus cúm A có khả năng tồn tại lâu trong môi trường bên ngoài, có thể sống lên đến 48 giờ trên các bề mặt như tay nắm cửa, bản, ghế, tủ… Virus có khả năng tồn tại trong quần áo lên đến 12 giờ, duy trì 5 phút trong lòng bàn tay.

Còn theo TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cúm là một dạng bệnh nhiễm virus cấp tính. Bệnh phát triển khi virus cúm lây nhiễm và tấn công vào hệ hô hấp đường mũi, cổ họng, các ống phế quản và có thể bao gồm cả phổi. Cúm phần lớn diễn biến nhẹ và người bệnh có thể tự hồi phục trong khoảng 2-7 ngày. Tuy nhiên, ở một số trường hợp đặc biệt như người bị suy giảm miễn dịch, người mắc các bệnh mạn tính,… cúm có thể trở nên nguy hiểm và gây ra các biến chứng nặng có thể dẫn tới tử vong. Cúm có thể tấn công mọi đối tượng, ở người lớn tỷ lệ là 5-10%, trẻ em là 20-30%. Điểm nguy hiểm của cúm là khả năng lây nhiễm cao dẫn đến nguy cơ bùng dịch.

Cúm có 3 loại khác nhau ảnh hưởng tới người, bao gồm: Cúm A: Còn được gọi là cúm mùa, được tìm thấy ở nhiều loài động vật. Virus cúm A thường xuyên thay đổi tạo nên nhiều biến chủng mới; được biết đến như là nguyên nhân gây ra đại dịch cúm có khả năng cao lây nhiễm cao. Các phân nhóm cúm A đang được lưu hành hiện nay bao gồm A (H1N1) và A (H3N2), cúm A (H5N1).

Cúm B: Giống như cúm A, virus cúm B cũng có thể bùng phát gây bệnh theo mùa. Về khác biệt, virus cúm B nói chung thay đổi chậm hơn về đặc tính di truyền và kháng nguyên so với cúm A. Virus cúm B chỉ gây bệnh ở người và không được phân chia theo loại như cúm A; cũng không gây ra những đợt lây nhiễm lớn. Cúm C: Virus cúm C cũng được tìm thấy ở người nhưng gây bệnh với các triệu chứng hô hấp nhẹ hơn so với cúm A và B và ít hình thành biến chứng nguy hiểm.

Do đó TS Trần Đắc Phu khuyến cáo, khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời, nhất là khi triệu chứng nặng (sốt quá cao trên 39 độ C, xung quanh có người bị sốt, đau mỏi người quá mức, vật vã kích thích, không ăn uống được, trẻ có thể sốt li bì, ngủ gà...) để xét nghiệm và chẩn đoán xác định mắc chủng virus cúm nào để có cách điều trị phù hợp.

Theo bác sĩ Phạm Văn Phúc, để nhận biết cúm A, người bệnh căn cứ vào các biểu hiện như: sốt, nhức đầu, đau mình, hắt hơi, chảy mũi. Nếu sốt cao hoặc không được xử trí đúng cách, người bệnh sẽ bị mất nước, li bì, rối loạn điện giải, một số trẻ thậm chí có dấu hiệu co giật. Ngoài ra, một số triệu chứng đi kèm với sốt do cúm A như viêm họng, hắt hơi, ho.

Đa phần các bệnh nhân mắc cúm A có thể khỏi sau khoảng 7-10 ngày nếu điều trị đúng cách. Với những bệnh nhân mắc cúm A, các triệu chứng ở mức độ nhẹ, không biến chứng có thể được chăm sóc và điều trị tại nhà: Nghỉ ngơi kết hợp cùng ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, dễ tiêu hóa. Uống nhiều nước và hạn chế ăn uống các thực phẩm lạnh. Uống thuốc theo đơn của bác sĩ điều trị, không tự ý sử dụng thuốc. Trong trường hợp, sau khoảng 7 ngày các triệu chứng không thuyên giảm mà tiến triển nặng hơn, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cách nhận biết cúm A để điều trị kịp thời

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO