Nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia Chính phủ đã ban hành hai Nghị quyết 19 về thuế và hải quan để hướng tới mục tiêu Việt Nam đạt mức trung bình của nhóm các nước ASEAN -6 vào cuối năm 2015 và trung bình của nhóm các nước ASEAN - 4 vào năm 2016. Những kết quả được công bố từ Ban Chỉ đạo Chương trình phối hợp giám sát thuế - hải quan vừa qua cho thấy cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực cải cách của ngành thuế và hải quan.
Thủ tục hành chính về thuế đã giảm từ 537 giờ còn 117 giờ.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, với các giải pháp do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra, Bộ Tài chính đã xây dựng lộ trình và tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ trong toàn ngành tài chính. Trong lĩnh vực thuế, Bộ đã thực hiện cắt giảm được khoảng 420 giờ, số giờ thực hiện thủ tục hành chính về thuế giảm từ 537 giờ xuống còn 117 giờ, đồng thời giảm được 8 lần khai và nộp thuế giá trị gia tăng, giảm được 4 lần nộp tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính. Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo cơ quan thuế triển khai mạnh các dự án hiện đại hóa công tác thu nộp thuế, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp khi làm các thủ tục về thuế.
Đến nay đã có trên 98,95% số doanh nghiệp thực hiện khai thuế điện tử; đã ký kết thỏa thuận với 43 ngân hàng thương mại để triển khai nộp thuế điện tử tại 63 địa phương trong cả nước và tính đến nay đã có 90,81% doanh nghiệp đăng ký tham gia nộp thuế điện tử.
Bộ Tài chính cũng đã rà soát sửa đổi bổ sung phần lớn các quy trình nghiệp vụ, nhất là các quy trình liên quan đến người nộp thuế, đồng thời thực hiện việc rà soát và cắt giảm 63 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 50 thủ tục hành chính.
“Bộ cũng đã triển khai Cơ chế hải quan một cửa quốc gia tại 12 cảng biển với sự tham gia của 9 Bộ, Ngành, qua đó doanh nghiệp chỉ phải nộp 1 bộ hồ sơ duy nhất và giảm được 10-20% chi phí thực hiện thủ tục hành chính, cắt giảm 30% thời gian thực hiện thủ tục hành chính về xuất khẩu, nhập khẩu. Đồng thời đã kết nối kỹ thuật Cơ chế hải quan một cửa ASEAN với một số nước trong khu vực”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thông tin.
Việc triển khai hai nghị quyết 19 đã thực sự tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh. Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Bùi Văn Quân cho biết, trước đây DN ít mặn mà với việc cung cấp thông tin khảo sát, đánh giá. Tuy nhiên qua đợt giám sát lần này cộng đồng DN đánh giá Bộ Tài chính đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính rất tích cực khi đã thực hiện cắt giảm được số giờ thực hiện thủ tục hành chính về thuế từ 537 giờ xuống còn 117 giờ, đồng thời giảm được 8 lần khai và nộp thuế giá trị gia tăng, giảm được 4 lần nộp tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính. Cộng đồng DN đã và đang hưởng lợi từ cải cách hành chính của ngành Thuế và Hải quan.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, việc giám sát trong lĩnh vực thuế và hải quan sẽ là thước đo, đánh giá trung thực, khách quan nhất về những cải cách của Bộ Tài chính đã đạt được trong thời gian qua cũng như những tồn tại và hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới. Bộ Tài chính cam kết tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả hơn nữa để cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi tốt nhất cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. |
Tuy nhiên theo ông Quân trong thời gian tới vẫn còn rất nhiều việc phải làm để tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho các DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Nên để DN được tham gia vào dự thảo các nghị định, thông tư trước khi ban hành. Cùng với đó cần đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực thuế và hải quan bởi thực tế việc DN hiểu về tài chính thuế còn rất hạn chế.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng với nền kinh tế mở như Việt Nam, chỉ số cải cách trong lĩnh vực Thuế và Hải quan tác động tới hơn 333 tỷ USD. Theo ước tính của Viện nếu giảm 1 ngày về việc thực hiện thủ tục này thì hàng năm tiết kiệm được khoảng 1 tỷ USD.
“Nếu chúng ta thực hiện công tác này thuận lợi hơn thì xuất khẩu tốt hơn, giảm chi phí, tăng giá trị gia tăng, qua đó tăng công ăn việc làm, hoạt động kinh doanh của Việt Nam” - Ông Cung nhận định.
Từ kết quả giám sát, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng trong thời gian tới ngành thuế và hải quan vẫn cần phải cải cách hơn nữa. Hiện con số đáng chú ý là có 20% doanh nghiệp đánh giá cán bộ công chức tận tình với doanh nghiệp, vậy số còn lại mới chỉ hoàn thành phận sự của mình hoặc có thể còn gây khó dễ. Đây là dư địa cải cách để chúng ta còn phải triển khai để giải quyết những tồn tại này.