Cải cách thủ tục hành chính: Hướng tới sự hài lòng của người dân

Duy Khang (thực hiện) 09/10/2016 08:25

Nói về vấn đề cải cách thủ tục hành chính ngành công thương, cải thiện môi trường kinh doanh để giúp cộng đồng doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh, nâng sức cạnh tranh- Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng, quan trọng là năm nào cũng phải có cải thiện và lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh.

PV: Thưa Thứ trưởng, thời gian qua, có nhiều ý kiến cho rằng, các thủ tục hành chính, văn bản, thông tư được nhà quản lý ban hành đang gây khó cho hoạt động của DN. Nhiều DN cho hay, đến xin giấy phép, hoặc làm một thủ tục gì đều phải qua rất nhiều “cửa”, mất thời gian và công sức. Ông đánh giá ra sao về thực tế này?

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Một DN khi đến Bộ Công thương thực hiện một thủ tục hành chính nào đó thì anh ta phải biết mình sẽ đến Vụ nào phụ trách mảng, lĩnh vực của DN đó và anh ta chỉ làm việc với Vụ đó thôi.

Còn nếu nhiều Vụ, Cục của Bộ Công thương cùng tham gia vào một việc là khi các bộ ngành khác hỏi ý kiến về một vấn đề nào đó, chúng tôi không hề có thủ tục nào yêu cầu DN phải tiếp xúc với hai Vụ chứ đừng nói đến ba Vụ. DN chỉ phải làm việc với một đầu mối thôi.

Thứ hai, trong quản lý kinh tế chúng ta có rất nhiều mục tiêu quản lý khác nhau nên không thể không có thủ tục hành chính. Song có một điều chắc chắn rằng, thủ tục hành chính của chúng ta không phức tạp hơn nhiều nước đâu.

Tôi lấy ví dụ, một nhà đầu tư Việt Nam mua lại một thị trấn ở Hoa Kỳ, anh ta muốn mở một quán cà phê và đã phải mất 9 tháng mới có thể xin được giấy phép để mở quán cà phê đó với rất nhiều thủ tục khác nhau.

Thế nhưng tại sao người ta lại không kêu, trong khi ở Việt Nam, chỉ mất khoảng hai ngày thôi, là đã xin được giấy phép để mở quán cà phê rồi. Vậy nhưng DN vẫn kêu về thủ tục hành chính.

Tôi cho là bản thân thủ tục hành chính không có lỗi, lỗi ở cách áp dụng thủ tục đó như thế nào, anh áp dụng thủ tục đó có minh bạch hay không, công khai và đơn giản không, có dễ làm hay không và quan trọng là có chuẩn hóa không?

Đó là yếu tố mà chúng ta cần nhắm đến, chứ không phải là vì chúng ta cảm thấy thủ tục đó mất thời gian mà chúng ta bãi bỏ một thủ tục hành chính nào đó. Chúng tôi muốn lắng nghe ý kiến người dân, DN nhiều hơn để làm sao vẫn duy trì thủ tục nhưng đảm bảo thuận tiện, dễ dàng, dễ thực thi, chuẩn hóa. Nhưng tôi xin nhắc lại rằng, quản lý kinh tế không thể không có thủ tục hành chính.

Có những thủ tục vừa mới ban hành đã nhận được quá nhiều ý kiến bất đồng, gây bức xúc trong DN, người dân . Ví dụ như Nghị định 19 về kinh doanh gas, Thông tư 37 về lĩnh vực dệt may..., hay có thủ tục bất hợp lý nhưng vẫn duy trì năm này qua năm khác, như Thông tư 20 về nhập xe ô tô. Khó khăn vướng mắc đó sẽ được Bộ Công thương tháo gỡ thế nào, thưa Thứ trưởng?

Chúng tôi sẽ tiếp tục tháo gỡ trong thời gian tới. Các bạn biết đó, có một số văn bản quy phạm pháp luật khi thực thi mới xảy ra những bất cập. Nghị định 19 về kinh doanh khí gas không phải là trường hợp duy nhất. Những trường hợp văn bản “có sạn” chủ yếu xảy ra bởi quá trình xây dựng văn bản pháp luật đó chưa có sự tham gia đầy đủ của các đối tượng bị ảnh hưởng.

Có nhiều lý do, có thể vì chưa lấy hết được các ý kiến, hoặc cũng có thể bản thân các đối tượng bị ảnh hưởng chưa quan tâm đầy đủ đến môi trường pháp lý để có thể lên tiếng kịp thời trước khi văn bản quy phạm pháp luật được ban hành.

Cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân.

Trong những trường hợp đó, không còn cách nào khác chúng ta phải cầu thị, lắng nghe các DN, sau đó là có kế hoạch để sửa đổi văn bản đó cho phù hợp hơn. Trường hợp thứ hai phức tạp hơn, đó là văn bản đó được xây dựng ngày hôm qua, theo những triết lý của ngày hôm qua, nhưng ngày hôm nay không còn phù hợp nữa, thì những văn bản đó cũng phải được rà soát sửa đổi để xây dựng đúng với thời điểm mới, phù hợp hơn với yêu cầu triết lý của tự do kinh doanh trong Luật DN 2014.

Thưa Thứ trưởng, tháng 8 vừa qua, Bộ Nội vụ có công bố cải cách thủ tục hành chính năm 2015, theo đó Bộ Công thương đứng thứ 18/19, ông nghĩ sao về kết quả này?

Tôi cho là bộ máy của chúng ta có 19 Bộ, ngành thì tất yếu sẽ phải có người đứng thứ 18, 19. và có những Bộ, ngành xếp thứ nhất, nhì, ba… Tuy nhiên thực tế chênh lệch giữa các thứ hạng không quá lớn.

Kết quả đó, theo tôi cũng quan trọng, song chúng tôi quan tâm hơn đến vấn đề là, điểm của Bộ Công thương năm sau vẫn tăng so với năm trước, có nghĩa rằng, các vấn đề về cải cách thủ tục hành chính vẫn được cải thiện theo chiều hướng tốt lên. Mục đích cuối cùng của chúng tôi là: Năm nào cũng phải có sự cải thiện và lấy sự hài lòng của người dân là thước đo để đánh giá.

Thời gian qua, Bộ Công thương đã thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ DN để lắng nghe, ghi nhận các ý kiến của họ và có nói sẽ sớm sửa đổi. Câu hỏi nhiều DN quan tâm hiện nay là bao giờ những sửa đổi sẽ được thực hiện, thưa ông?

Đây là câu hỏi không dễ trả lời, bởi tất cả các vấn đề thắc mắc của DN trong thời gian qua đều là các văn bản quy phạm pháp luật. Đã là văn bản quy phạm pháp luật, cần phải xem xét rất kỹ. Nếu văn bản nào thuộc Bộ Công thương ban hành như Thông tư 37 (quy định về kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm trong sản phẩm dệt may) chẳng hạn, chúng tôi sẽ sửa đổi rất nhanh, thậm chí là bãi bỏ nhanh, các bạn đã chứng kiến rồi đó.

Tuy nhiên, có những văn bản đã ở tầm Nghị định, sẽ phải đi theo quy trình sửa đổi văn bản pháp luật, do đó cần phải có thời gian. Chính vì vậy chúng tôi muốn công bố sớm cho người dân, DN hướng sửa đổi của chúng tôi như thế nào, để người dân, DN thấy Bộ Công thương đã lắng nghe, tiếp thu và biết tất cả những bất cập đó, nhưng hiện nay vẫn phải đi theo quy trình sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật, cho nên người dân phải chờ thêm thời gian để hoàn tất quy trình đó.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cải cách thủ tục hành chính: Hướng tới sự hài lòng của người dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO