Ao làng đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành lối sống, cách ứng xử với thiên nhiên. Nhưng thay vì gìn giữ, bảo vệ, không ít người dân lại xâm hại bằng cách xả thải trực tiếp ra môi trường. Việc “giải cứu”, hồi sinh ao hồ bị ô nhiễm đang là vấn đề cấp bách được huyện Gia Lâm, Hà Nội triển khai theo hướng kêu gọi xã hội hóa đầu tư, trong đó vai trò của người dân, của cộng đồng được đặc biệt coi trọng.
Nhiều ao làng trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng của người dân. (Ảnh minh họa).
Hiện tại huyện Gia Lâm có tổng số 283 ao hồ, với tổng diện tích gần 180ha trên địa bàn thì có tới 22 ao hồ ở 10 xã bị ô nhiễm nghiêm trọng; 47 ao hồ ở 8 xã bị lấn chiếm một phần diện tích để xây dựng nhà ở, chuồng trại chăn nuôi, đổ phế thải, vật liệu xây dựng...
Hiện tại, đa số ao hồ trên địa bàn chưa được đầu tư xây dựng kè, đường dạo, tạo cảnh quan đồng bộ, việc quản lý cũng có nhiều bất cập... khiến cho công tác quy hoạch, cải tạo gặp nhiều khó khăn.
Trong số những ao hồ đang được sử dụng trên địa bàn thì chỉ có rất ít ao hồ được các xã giao thầu cho các địa phương để phục vụ mục đích chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản. Số ao hồ còn lại rơi vào tình trạng không được nạo vét, không được duy tu thường xuyên….do đó nhiều ao hồ bỗng chốc trở thành bãi tập kết rác thải, gây ra ô nhiễm môi trường ở nhiều khu dân cư.
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường tại các ao làng ngày càng trở lên nghiêm trọng, khó kiểm soát, chính quyền, MTTQ huyện Gia Lâm đã đưa ra nhiều giải pháp để nhằm “giải cứu” ao hồ, vườn hoa... trước sự “bành trướng” của rác thải.
Các buổi tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân đã được triển khai đồng bộ xuống tận cơ sở. Trong đó, những người hành nghề giết mổ gia súc, gia cầm là những đối tượng cần được tuyên truyền sâu rộng nhất.
Nói về “chiến dịch giải cứu hồ”, theo Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân: “Huyện đang xây dựng kế hoạch huy động các nguồn lực để thực hiện Đề án “Đầu tư, quản lý vườn hoa, sân chơi, ao hồ trên địa bàn giai đoạn 2017-2020”.
Để thực hiện được Đề án này, huyện Gia Lâm sẽ kêu gọi xã hội hóa để đầu tư xây dựng 19 vườn hoa, 99 sân chơi, 122 ao hồ với kinh phí dự kiến khoảng 1.585 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước khoảng 62 tỷ đồng, còn lại khoảng 1.528 tỷ đồng sẽ huy động sự đóng góp của cộng đồng.
Tuy nhiên, để Đề án này thuận tiện khi thực hiện, huyện Gia Lâm đã và đang tích cực rà soát quy hoạch chung, đề xuất những vị trí phù hợp quy hoạch vườn hoa, công viên, hồ nước quy mô lớn để kiến nghị UBND thành phố cho phép kêu gọi đầu tư.
“Khi Đề án này hoàn thành sẽ giúp địa phương giải quyết triệt để tình trạng ngập úng cục bộ trong khu dân cư, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, cảnh quan kiến trúc đô thị đồng thời góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các tổ chức, hộ dân trong việc giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường sống của người dân địa phương”- ông Quân nói.
Mô hình cải tạo ao làng của huyện Gia Lâm là mô hình hay, cần nhân rộng ở các địa phương khác, góp phần giữ gìn hình ảnh đặc trưng của làng quê Việt Nam, đồng thời cải thiện môi trường sống của người dân.