Trong số hơn 470 chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1975, TP HCM đang chủ trương tháo dỡ khẩn cấp hàng chục chung cư cũ do bị xuống cấp, hư hỏng. Một số chung cư cũ nằm trong kế hoạch cải tạo, sửa chữa lại để kéo dài thêm thời gian sử dụng nhưng lại vướng mắc ở thủ tục, cũng khiến quá trình thi công ì ạch, kéo dài.
Gian nan chờ di dời
Tọa lạc ngay trung tâm quận 5, chung cư 440 Trần Hưng Đạo được Sở Xây dựng TP HCM xếp vào chung cư cũ xuống cấp ở mức độ “nhà nguy hiểm cấp D” và thuộc diện cần được di dời và tháo dỡ khẩn cấp. Theo đại diện hộ dân sống tại căn 15/440 thuộc chung cư này, công trình nhà ở này được xây từ trước những năm 1975, đến nay tường đã nứt vỡ, bong tróc và nhiều nơi đã hở cả lõi cốt thép. Người dân đã tự tìm xi măng và các vật liệu xây dựng để chám vào các phần xuống cấp nhưng chỉ để là tạm thời để sinh hoạt.
“Chính quyền phường 11 và cả quận 5 đã nhiều lần mời các hộ dân tại chung cư họp để phổ biến về kế hoạch tháo dỡ, tuy nhiên đến nay vẫn còn một số hộ chưa giải quyết xong đền bù” - đại diện hộ dân cho biết. Về phía đại diện UBND quận 5, cũng chủ động tổ chức vận động, thuyết phục người dân, hai lần tổ chức hội nghị nhà chung cư và 3 lần có công văn đề nghị Sở Xây dựng TP HCM hướng dẫn lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Tuy nhiên, địa phương cho biết đến nay các cơ quan liên quan vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.
Qua giám sát, bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TPHCM đề nghị các quận có chung cư, cư xá cũ xây dựng trước năm 1975 đã xuống cấp ở mức độ D cần sớm có đề xuất cụ thể, phối hợp cùng Sở Xây dựng và các cơ quan tham mưu UBND TPHCM chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cải tạo, sửa chữa hoặc xây dựng mới thay thế chung cư cũ. Trong đó, phải làm rõ trách nhiệm của người liên quan trong việc chậm trễ giải quyết việc bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước và có cam kết cụ thể về tiến độ sửa chữa, cải tạo chung cư, cư xá cũ.
Không chỉ trường hợp chung cư 440 Trần Hưng Đạo (phường 11, quận 5), các quận trung tâm TP HCM có khoảng 14 chung cư cũ được xếp vào diện xuống cấp trầm trọng (cấp D) đã có chủ trương cải tạo, sửa chữa hoặc xây mới từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn còn vướng mắc liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Điển hình như tại các chung cư 155-157 Bùi Viện (quận 1), chung cư Trúc Giang (quận 4), chung cư 149-151 Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình),…
Trên toàn địa bàn TP HCM, quận Tân Bình đang là nơi có nhiều chung cư ở tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, với 5 chung cư cấp D, trong khi quận 1 có 3 chung cư, các quận 4 và quận 6 có 4 chung cư cấp D.
Đối với các quận trung tâm khác dù có ít chung cư phải di dời khẩn cấp, nhưng cũng do vướng mắc ở nhiều khâu thủ tục mà quá trình cải tạo hoặc xây mới cũng gặp nhiều gian nan. Theo đại diện UBND quận 10, trên địa bàn còn 23 chung cư cũ và 2 cư xá cũ xây dựng từ trước năm 1975 đã xuống cấp ở mức nguy hiểm cấp C. Qua khảo sát, quận 10 có chủ trương điều chỉnh quy hoạch cục bộ, lấy ý kiến người dân để tiến hành giải tỏa, xây dựng mới các chung cư cũ.
Thế nhưng, đại diện UBND quận 10 cũng thừa nhận, cho đến nay nhiều hộ dân còn chưa đồng thuận vì nhiều lý do nên chưa thể thực hiện việc xây mới. Cuối cùng, quận này đành chuyển qua phương án cải tạo hoặc sửa chữa để đảm bảo an toàn cho các chung cư, cư xá cũ trên địa bàn.
Chồng chéo thủ tục
Sở Xây dựng TP HCM thừa nhận, chủ trương cải tạo chung cư cũ, nhất là các công trình đang xuống cấp trầm trọng ở cấp D là hoàn toàn đúng đắn nhưng ngoài câu chuyện bồi thường, tổ chức tái định cư cho hộ dân thì chính thủ tục hành chính cũng đang là vướng mắc rất lớn. Do đó, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện cải tạo hoặc xây dựng chung cư mới thay thế, Sở Xây dựng nhiều lần tham mưu UBND TP HCM chỉ đạo kế hoạch cụ thể để khởi công 14 chung cư cấp D trong năm 2022. Sở Xây dựng cũng kiến nghị đơn giản hóa thủ tục, nhất là trình tự thủ tục dự án đầu tư xây dựng lại nhà chung cư cũ cấp D và thủ tục về thẩm quyền phê duyệt phương án tháo dỡ nhà chung cư để đẩy nhanh công tác này.
Về phía các quận cũng kiến nghị đối với các chung cư có niên hạn sử dụng trên 50 năm đã xuống cấp nghiêm trọng cần được xây mới hoàn toàn để thay thế. Trong đó, UBND quận 10 kiến nghị bổ sung, sửa đổi quy định tại Điều 110, Luật Nhà ở (năm 2014) để tháo gỡ những vướng mắc về quy trình, thủ tục đảm bảo đẩy nhanh công tác xây dựng lại chung cư thay thế chung cư cũ trên địa bàn cho phù hợp với thực tiễn. Trong khi đó, đại diện UBND quận 1 cho biết, quận đã chủ động công bố các các dự án kêu gọi đầu tư tại quận 1 về xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ trước năm 1975. Đồng thời, thừa nhận một số chung cư đã tháo dỡ, có chủ đầu tư, nhưng chưa khởi công được và kéo dài quá lâu.
Đại diện lãnh đạo UBND quận 1 lý giải nguyên nhân đến từ thực tế đa số các chung cư cũ xuống cấp có đặc điểm nằm trên những khu đất có diện tích khá nhỏ, không bảo đảm các quy định theo quy chuẩn xây dựng và quy hoạch kiến trúc hiện hành, dẫn đến quá trình khởi công chậm. Tình trạng tương tự cũng được đại diện UBND quận 3 phản ánh, quận này không còn quỹ nhà tái định cư, cũng không có quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội nên hiện nay cũng đang rất khó khăn để mời gọi chủ đầu tư tham gia cải tạo hoặc xây mới, chỉnh trang các chung cư cũ.