Cải thiện mảng xanh đô thị

LÊ ANH 23/08/2023 07:05

Dù đã nâng được diện tích cây xanh tính theo đầu người lên khoảng 0,55m2/người, thế nhưng con số này còn thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu quy hoạch của TPHCM là 7m2/người, tương đương khoảng 11.400ha cây xanh trên toàn thành phố.

Trong bối cảnh thiếu quỹ đất, Công viên Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình phải nhường một phần quỹ đất để giảm kẹt xe cho sân bay Tân Sơn Nhất.

Khảo sát của Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng TPHCM, toàn thành phố hiện có khoảng gần 509ha đất công viên, trong đó chỉ tiêu đất công viên công cộng mới chỉ đạt bình quân 0,55 m2/người. Con số này thấp hơn nhiều so với đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng của TPHCM đến năm 2025 với tổng diện tích cây xanh phải đạt khoảng 6.259ha, tương ứng với chỉ tiêu quy hoạch đất cây xanh tính theo đầu người khoảng 6-7m2/người.

Theo ông Võ Văn Chín - Phòng Quản lý công viên cây xanh thuộc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM, nếu tính theo tiêu chuẩn quốc gia (TCVN 9257:2012) về quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị thì tiêu chuẩn thiết kế, mật độ cây xanh công cộng đối với đô thị đặc biệt như TPHCM phải đạt 15m2/người. Thế nhưng, dù xét theo tiêu chuẩn, tiêu chí nào hiện nay thì mật độ cây xanh công cộng tính theo đầu người hiện tại của TPHCM vẫn rất thấp.

Trước đây, báo cáo của Viện Quy hoạch xây dựng TPHCM (đơn vị tư vấn) thì quy hoạch mạng lưới công viên cây xanh được UBND TPHCM phê duyệt từ năm 2000 thì chỉ tiêu cây xanh đô thị phải đạt bình quân từ 6-7m2/người (vào năm 2010) nhưng sau gần 15 năm TPHCM vẫn chưa đạt đến mốc 1m2/người. Nguyên nhân được chính Viện này chỉ ra, xuất phát từ tình trạng thiếu quỹ đất phát triển cây xanh, nhiều nơi còn tình trạng xâm lấn đất xây xanh khiến phá vỡ quy hoạch. Đó là chưa kể, nhiều chính sách xã hội hóa để mở rộng diện tích đất cây xanh của các quận, huyện vẫn chưa thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư.

Để cải thiện, mở rộng quỹ đất cây xanh, Sở Xây dựng TPHCM cho biết, chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2020 - 2030 tính đến thời điểm hiện tại đã hoàn thàn rà soát, đề xuất danh mục các dự án ưu tiên đầu tư xây dựng công viên công cộng cho giai đoạn trung hạn (2021-2025). Thành phố sẽ ưu tiên phát triển cây xanh tại các quận, huyện ngoại thành và các địa phương chưa có công viên công cộng có quy mô lớn. Trong đó, TPHCM đang ưu tiên đầu tư 26 công viên tại TP Thủ Đức.

Trước mắt, theo kế hoạch phát triển thêm cây xanh trên địa bàn, Sở Xây dựng TPHCM dự kiến đến cuối năm 2023 có thể mở rộng thêm được tổng diện tích công viên công cộng trên địa bàn được thêm khoảng 26,74ha.

Trong khi thiếu quỹ đất để quy hoạch mở rộng diện tích cây xanh, TPHCM hiện cũng gặp nhiều khó khăn trong việc cải tạo hệ thống cây xanh hiện hữu khi thường trực các nguy cơ gãy đổ cây xanh vào mùa mưa bão. Trước đó, có không ít vụ đổ cây gây tai nạn đối với người tham gia giao thông, thậm chí có một học sinh tại Trường THCS Bạch Đằng (quận 3) đã tử vong do cây xanh bật gốc đè lên người cách đây chưa lâu.

PGS.TS Nguyễn Lê Ninh - Ủy viên Ủy ban MTTQ TPHCM cho biết, việc khan hiếm quỹ đất phát triển cây xanh đã được cảnh báo từ 20 năm về trước khi các quận trung tâm như quận 1,3,4,5,10… gần như đã “cạn” quỹ đất cây xanh và cũng không còn quỹ đất đô thị nào nữa để bổ sung cho đất cây xanh.

“Có những quận như quận 1, quận 3 gần như chỉ trông chờ vào việc cải tạo các chung cư cũ hoặc xây mới trên nền đất các loại hình nhà ở cũ từ trước 1975 để có thể bổ sung “nhỏ giọt” thêm diện tích cây xanh mới. Tình trạng thiếu quỹ đất cũng đã được lãnh đạo các quận này đề cập trong nhiều cuộc họp với sở, ngành và UBND TPHCM trước đây nhưng cũng rất khó tiếp cận giải pháp nào tốt hơn nữa” - ông Ninh nói.

Góp ý vào quy hoạch chung của TPHCM, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, quy hoạch cây xanh đô thị sẽ là một trong các “chìa khóa” để hạn chế các tác động ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của triều cường khiến TPHCM ngày càng phát sinh thêm nhiều điểm ngập úng cục bộ, cùng với dự báo thành phố có thể chìm sâu hơn ở nhiều khu vực sau năm 2030 do ảnh hưởng của nước biển dâng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cải thiện mảng xanh đô thị

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO