Chỉ tiêu tiếp cận điện năng đã được cải thiện 12 bậc, việc nộp thuế và bảo hiểm xã hội cải thiện 27 bậc, nhưng vẫn chưa đạt mức trung bình của ASEAN 6. Môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia vẫn cần thêm những bước tiến dài.
Thời gian qua, ngành điện có nhiều nỗ lực đảm bảo phục vụ sản xuất
và sinh hoạt của người dân
Đó là một số thông tin đưa ra tại hội thảo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 19/2014 ngày 18-3-2014 và Nghị quyết 19/2015 ngày 12-3-2015 của Chính phủ (NQ19) về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam. Hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Dự án Quản trị nhà nước tổ chức, tại Hà Nội, ngày 18-6.
Thông tin cho thấy, khoảng cách tiếp cận điện năng vẫn còn cách xa tới 15 ngày so với yêu cầu của NQ19. Khoảng cách giờ đối với nộp thuế so với chỉ tiêu của NQ19 là 35,5 giờ và khoảng cách đối với giờ nộp BHXH so với chỉ tiêu NQ19 cũng là 185,5 giờ. Ở mặt tích cực hơn, cũng có những chỉ tiêu được thực hiện khá tốt, với Luật Doanh nghiệp 2014, thời gian đăng ký kinh doanh chỉ còn 3 ngày trong khi mục tiêu của NQ 19 là 6 ngày.
Nghị quyết 19/2014 và Nghị quyết 19/2015 được các chuyên gia nhìn nhận là sức ép các ban bộ ngành cùng nhau đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh.Cụ thể, trong năm 2015, môi trường kinh doanh của Việt Nam phải đạt và vượt mức trung bình của 6 nước tốt nhất ASEAN (ASEAN-6). Mục tiêu cho năm 2016 môi trường kinh doanh mức trung bình của nhóm nước ASEAN-4 trên một số chỉ tiêu chủ yếu theo thông lệ quốc tế; trong khi sự quyết tâm của Chính phủ là rất lớn. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư trong một lần đối thoại với doanh nghiệp cũng đã khẳng định: Chưa bao giờ thấy quyết tâm của Chính phủ cao như vậy. Nhưng đến khi Nghị quyết được triển khai, chưa như mong muốn. Theo chỉ đạo đến trước ngày 30-4-2015, các Bộ, cơ quan, địa phương phải ban hành được kế hoạch hành động và kiểm tra kết quả đạt được.
Tính đến ngày 17-6, Bộ KHĐT mới nhận được kế hoạch hành động của 11/25 bộ và cơ quan; 11/63 tỉnh, thành phố. Chính xác còn 14 Bộ, cơ quan được giao nhiệm vụ và 52 tỉnh, thành phố chưa có kế hoạch hành động. Đặc biệt, TP.HCM là địa phương được Ngân hàng Thế giới (WB) lựa chọn để điều tra, đánh giá xếp hạng về môi trường kinh doanh cho cả nước, nhưng cũng chưa có kế hoạch triển khai Nghị quyết. Trong khi đó với các Bộ, ngành, địa phương đã có kế hoạch hành động thì chất lượng bản kế hoạch cũng chưa đạt yêu cầu.
Bà Nguyễn Minh Thảo - Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) dẫn chứng: “Bộ Xây dựng có kế hoạch hành động, nhưng copy nguyên xi kế hoạch của bộ này, nên bản kế hoạch còn gồm cả 12 Nghị định, 13 đề án, nhiều thông tư cả nội dung thi đua khen thưởng… không gắn với yêu cầu Nghị quyết 19 đặt ra. Một số bộ, ngành, địa phương lại chỉ lập kế hoạch chung chung, không có lộ trình, thời gian thực hiện cụ thể”.
Nhiều doanh nghiệp tham gia tại hội nghị cũng cho biết, doanh nghiệp vẫn gặp khốn khó về vấn đề phí. Ma trận thuế, phí vẫn đang hành doanh nghiệp và kiến nghị các cơ quan chức năng tập hợp ý kiến để từ đó đưa ra quyết sách thay đổi.
Chính vì thế, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho rằng, cần một cơ chế để việc thực hiện Nghị quyết 19 được “chạy tốt”, không bị chìm.