Theo con số công bố mới nhất của S&P Global về chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam, chỉ số này đã tăng mạnh, từ 50,3 điểm phần trăm trong tháng 5, vọt lên 54,7 điểm trong tháng 6 vừa qua. Điều này cho thấy, sức khỏe các ngành sản xuất đã và đang được cải thiện rõ nét.
Giới chuyên gia nhận định, kết quả nói trên không chỉ cho thấy sức khỏe ngành sản xuất cải thiện tháng thứ 3 liên tiếp, mà còn cho thấy các điều kiện kinh doanh đã mạnh lên đáng kể, đáng chú ý, sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh.
Theo khảo sát của S&P Global, số lượng đơn đặt hàng của tháng 6 chỉ đứng sau mức kỷ lục được ghi nhận vào tháng 3/2011. Cụ thể, các báo cáo cho thấy nhu cầu đã cải thiện khi một số khách hàng quay trở lại yêu cầu có thêm đơn đặt hàng trong tháng. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 2/2022. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng nhanh tương xứng với mức tăng của sản lượng sản xuất, với mức tăng mạnh nhất về sản lượng trong hơn 5,5 năm qua.
Đây là dấu hiệu đáng phấn khởi, cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp (DN) đã và đang phục hồi và có sự khởi sắc nét hơn. Điểm đáng chú ý, các đơn đặt hàng mới dày lên đã tạo áp lực lên công suất hoạt động, đặt ra yêu cầu đối với các DN, công ty cần phải tuyển thêm nhân viên, công nhân.
Từ đó, người lao động cũng có thêm việc làm, tăng ca, tăng kíp. Không khí này rõ ràng khác hẳn với cùng kỳ năm trước, khi mà nhiều tháng trời các DN lâm tình cảnh “khát” đơn hàng, người lao động bị cắt, giảm giờ làm, thậm chí phải thôi việc.
Dù vậy, theo nhận định của các chuyên gia thuộc S&P Global, sự cải thiện hiệu suất hoạt động của người bán hàng chỉ ở mức nhỏ khi vẫn có những khó khăn trong khâu vận tải biển quốc tế.
Quả thực, vấn đề về vận tải biển quốc tế vẫn đang khá nặng gánh trên vai cộng đồng DN. Theo chia sẻ của một DN chuyên xuất khẩu cà phê, hồ tiêu có thị trường tiêu thụ ở nhiều quốc gia như châu Âu, Mỹ, Trung Đông..., thời gian qua, DN gặp nhiều khó khăn vì cước phí vận chuyển. Theo vị chủ DN, chỉ trong vòng 2 tháng (từ tháng 4 đến tháng 6/2024), cước vận tải biển từ cảng ở TPHCM đi Mỹ, châu Âu đã tăng tới 300%, từ 2.950 USD lên 7.350 USD đối với mỗi container loại 40 feet.
“Nguyên nhân tăng giá cước do chiến tranh, căng thẳng ở Biển Đỏ, thời gian vận chuyển dài ngày, các hãng tàu vận chuyển rút tàu, tạo ra khan hiếm giả…” - vị chủ DN chia sẻ, đồng thời cho biết thêm, DN này bán hàng theo hình thức CIF (bên bán chịu chi phí vận chuyển).
Cứ mỗi container DN phải bù thêm 5.000 USD, có tháng xuất đi 100 container đồng nghĩa phải bù thêm 500.000 USD (gần 13 tỷ đồng). Trước tình hình nan giải đó, DN chỉ có cách thương lượng với khách hàng chia sẻ chi phí.
Tuy nhiên, bản thân khách hàng cũng đang gặp khó khăn. Không phải chỉ ở Việt Nam mà cả ở Mỹ, châu Âu… tất cả đều kiệt sức, trong khi các hãng tàu vẫn tiếp tục tăng phí. Nhiều DN xuất khẩu chia sẻ rằng, giải pháp tình thế hiện nay là nỗ lực tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước để bán thêm hàng, có thêm đối tác; đàm phán với khách hàng theo giá mới.
Còn trong nước cũng buộc phải tăng giá, nhiều mặt hàng tăng giá 40%. Đầu vào đã tăng 300% nên dù không muốn cũng phải tăng giá sản phẩm, họ hoàn toàn không còn cách khác.
Chuyên xuất khẩu các mặt hàng trái cây tươi sang nhiều thị trường trên thế giới, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Thanh Tươi (huyện Bình Chánh) Võ Thanh Châu bày tỏ lo lắng: Nhiều lô hàng xuất đi châu Âu, đến phút cuối lại bị hoãn vì không có tàu. Các công ty dịch vụ logistics báo giá cước tăng liên tục trong khi giá đơn hàng đã hợp đồng từ trước. Thực tế này khiến DN không kịp xoay xở.
Với các DN xuất khẩu trái cây tươi, việc giá cước thay đổi, leo thang liên tục đẩy DN rơi vào thế khó khăn bởi nếu trì hoãn việc xuất khẩu, thì nông sản trái cây sẽ hư hỏng, gây ra thiệt hại rất lớn. Còn nếu thuận theo giá cước điều chỉnh tăng, thì DN cũng cầm chắc lỗ, bởi vậy, họ bị rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, cước phí vận tải biển luôn neo ở mức cao khiến các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản, lúa gạo và hàng điện tử…bị tác động mạnh.
Nguyên nhân chính khiến cước tàu biển tăng, theo các DN trong lĩnh vực dịch vụ logistics, là do chiến tranh đang làm ảnh hưởng giá cước tàu biển trên toàn cầu. Một nguyên nhân khác là do vào mùa cao điểm và ở các DN đang tranh thủ nhập hàng tích trữ để bán dịp lễ Noel, dẫn tới giá cước tăng, khan hiếm container rỗng.
Trong bối cảnh đó, một số khuyến nghị được ngành công thương đưa ra, theo đó, các DN xuất, nhập khẩu tiếp tục theo dõi sát tình hình, diễn biến trên Biển Đỏ, từ đó, chủ động lên phương án thích hợp, trao đổi với đối tác mua hàng; trong trường hợp cần thiết có thể kéo dài thời gian đóng và giao nhận hàng hóa.
Đây là giải pháp tình thế nhằm thích ứng nhanh chóng với tình hình khủng hoảng đang xảy ra. Cùng với đó, DN cần nỗ lực tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới.
Việc này nhằm giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định; đồng thời, tăng cường hợp tác với các DN nội ngành để chia sẻ chi phí vận tải, đàm phán giá cước vận tải tốt hơn với các hãng tàu; tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là nâng cao chất lượng sản phẩm.
DN cũng cần đẩy mạnh áp dụng khoa học - công nghệ để giảm giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thương trường; đẩy mạnh áp dụng các giải pháp logistics hiệu quả để giảm thiểu gánh nặng chi phí cước vận tải.
Theo chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), không phủ nhận thời gian qua, nhà quản lý đã hết sức nỗ lực tháo gỡ các rào cản thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho hoạt động của cộng đồng DN, song vẫn cần tiếp tục và đẩy nhanh việc gỡ những điểm nghẽn, bất cập về chính sách phát triển kinh tế tư nhân, giảm thời gian cũng như những chi phí tạo thêm gánh nặng cho cộng đồng DN.
Giới chuyên gia kinh tế nhận định, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, các DN Việt Nam phải không ngừng đầu tư công nghệ, quy mô, đổi mới phương thức kinh doanh để có đủ năng lực cạnh tranh với các DN, tập đoàn kinh tế nước ngoài. Cần đẩy mạnh khai thác hoàn thiện các dịch vụ gia tăng của chuỗi cung ứng và đặc biệt, chú trọng đầu tư đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng với nhu cầu ngày càng cao của giao dịch thương mại quốc tế.