Theo lộ trình, năm 2025 sẽ có kỳ thi THPT quốc gia đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Các nhà trường và cả phụ huynh, thí sinh đều mong sớm có hướng dẫn từ Bộ GDĐT về kỳ thi này để học sinh chủ động chọn tổ hợp môn học lớp 10 từ năm nay.
Băn khoăn chọn tổ hợp
Những thí sinh vừa trúng tuyển vào lớp 10 THPT công lập của Hà Nội nói riêng và trên cả nước đang đứng trước một lựa chọn chưa từng có tiền lệ đó là sẽ chọn học ban Khoa học tự nhiên hay Khoa học xã hội? Sau khi chọn ban, các em cần tiếp tục cân nhắc chọn chuyên đề nào để học?
Bà Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho biết, từ nay đến tháng 8, phụ huynh và học sinh vẫn có quyền thay đổi môn lựa chọn bởi có những em vào trường đã xác định được khối thi đại học (ĐH) sau này của mình nhưng có em vẫn chưa xác định được. Vào trong năm học, theo quy định của Bộ GDĐT thì học sinh sẽ không được thay đổi môn học mà mình đã chọn.
Như vậy, với những học sinh vẫn còn mông lung về hướng đi sau tốt nghiệp THPT thì việc lựa chọn học ban nào, chuyên đề nào thực sự là một bài toán khó. Ngay cả với những học sinh đã có định hướng học tập, mục tiêu rõ ràng thì băn khoăn về phương án thi tốt nghiệp THPT của Bộ sẽ ra sao vì với chương trình GDPT mới, chắc chắn sẽ có những thay đổi về cách ra đề thi, tổ chức thi dẫn tới những thay đổi trong xét tuyển vào các trường ĐH khiến phụ huynh, học sinh không khỏi băn khoăn.
Chị Trần Phương Nga (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, con chị vừa trúng tuyển vào Trường THPT Trương Định và đã xác nhận nhập học tại trường. Sau nhiều lần trao đổi và phân tích, cả gia đình đi đến thống nhất con sẽ đăng ký học ban Khoa học tự nhiên gồm 7 môn và môn lựa chọn là tự nhiên 1 gồm 5 môn. “Từ trước đến nay con tôi vẫn học đều các môn nên khi bắt buộc phải lựa chọn theo ban Khoa học tự nhiên hay ban Khoa học xã hội đối với cháu đã là một khó khăn. Còn 3 năm nữa cháu mới thi tốt nghiệp, xét tuyển ĐH trong khi mọi thay đổi còn chưa định hình, chưa rõ ràng nên đành lựa chọn có phần “mù mờ”. Giá như biết được kỳ thi sẽ thay đổi theo hướng nào thì việc lựa chọn cũng có cơ sở hơn” - chị Nga bày tỏ.
Mong sớm công bố lộ trình thi
Theo các chuyên gia, kỳ thi THPT ở Việt Nam đến nay đã trải qua 7 lần cải tiến, trong đó những năm gần đây đã có những điều chỉnh theo hướng giao chủ động cho các địa phương tổ chức và chịu trách nhiệm ở tất cả các khâu. Tuy nhiên, Bộ GDĐT vẫn đảm nhiệm việc ra đề chung cho toàn quốc. Điều này phần nào gây ra những áp lực lớn, chi phí cao và chi phí lớn của các gia đình có con em dự thi. Đó là chưa kể hàng loạt những sai phạm trong quá trình tổ chức ra đề thi, chấm thi đã bị phát hiện và xử lý khiến cho yêu cầu đổi mới kỳ thi tiếp tục được đặt ra, đặc biệt là khi chương trình GDPT mới được triển khai thì việc cải tiến kỳ thi là bắt buộc. Tuy nhiên, cải tiến theo hướng nào thì đến thời điểm này vẫn chưa hề có một công bố cụ thể từ phía Bộ GDĐT.
Phân tích của GS. TS Phạm Tất Dong - Nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, ở chương trình hiện hành, các em học tất cả các môn nhưng giờ chỉ chọn một số môn để học. Nếu kỳ thi tốt nghiệp sắp tới, tổ hợp của nhà trường đưa ra để học sinh chọn lại không phù hợp với phạm vi kiến thức các em đã học thì sẽ khó làm bài. Mặc dù đây là chuyện tương lai nhưng với tâm lý học để thi cử còn nặng nề ở nhiều bậc phụ huynh thì rõ ràng, cần có sự đồng bộ giữa chương trình và thi cử để học sinh yên tâm lựa chọn tổ hợp.
Một vấn đề được nhiều giáo viên chỉ ra, đó là hiện nay các trường ĐH đang tuyển theo các khối thi truyền thống, nhưng sau này với tổ hợp môn học sinh lựa chọn khác với tổ hợp truyền thống thì cách xét tuyển của các trường cũng phải thay đổi. Nhưng không phải học sinh nào khi vào lớp 10 cũng đã xác định được định hướng nghề nghiệp, trường ĐH sẽ đăng ký nên nếu chọn sai tổ hợp, muốn thay đổi thì sẽ ra sao?
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho hay Bộ sẽ thông báo sớm về công tác thi với chương trình GDPT mới. Cụ thể, năm 2025 khi học sinh lớp 12 học chương trình GDPT mới sẽ có phương thức thi mới. Bộ sẽ tổ chức kỳ thi để làm sao ngày càng tinh gọn hơn và bảo đảm được mục tiêu kỳ thi.
Tuy nhiên, dư luận và người học vẫn mong mỏi những hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn về một kỳ thi quan trọng để ngay khi bắt đầu triển khai chương trình GDPT mới ở cấp THPT, thầy và trò có sự chuẩn bị sẵn sàng về tâm lý cũng như kiến thức để dạy và học hiệu quả thay vì vừa học vừa “ngóng” phương án thi.
Trước đó, đại diện Bộ GDĐT cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình GDPT mới sẽ thay đổi theo hướng tiếp cận năng lực, ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thi, tiệm cận cách thức thi của quốc tế.