Phòng Học sinh, sinh viên được Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TPHCM giao nghiên cứu phương án cấm không cho học sinh sử dụng điện thoại di động trong hoạt động giáo dục tại trường, kể cả trong giờ ra chơi (trừ một số trường hợp). Điều này đang nhận được nhiều ý kiến góp ý của phụ huynh và học sinh.
Phụ huynh, giáo viên mong sớm có quy định
Chị Tạ Phương Thanh (TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết, con trai chị sắp vào lớp 6 và xin phần thưởng tốt nghiệp tiểu học là một chiếc điện thoại vì “gần như cả lớp đều có”. Gia đình chị đã cho con dùng lại điện thoại cũ, giới hạn thời gian sử dụng 3 giờ/ngày trong hè và 1 giờ/ngày trong năm học. Chị ủng hộ chủ trương cấm điện thoại trong trường, cho rằng điều này giúp giảm áp lực giữa cha mẹ và con cái.
Thực tế, Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ GDĐT đã quy định rõ: “Học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”. Bộ cũng ban hành Công văn số 5512 ngày 18/12/2020 hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục, các giáo viên khai thác và sử dụng thiết bị dạy học (trong đó có điện thoại di động) một cách hiệu quả, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học và kinh tế xã hội của địa phương.
Như vậy, việc sử dụng điện thoại ở trường về cơ bản vẫn là hành vi bị cấm và học sinh chỉ được sử dụng khi được sự đồng ý của giáo viên và phục vụ mục đích học tập dưới sự quản lý, giám sát của giáo viên, nhà trường và gia đình học sinh.
Đến nay nhiều trường trên cả nước đã thực hiện triệt để việc cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học và cả giờ nghỉ. Ngay tại TPHCM, một số trường học cũng đã thực hiện việc này. Trường phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TPHCM) cũng thông báo không cho học sinh sử dụng điện thoại. Khi bước vào lớp, tất cả học sinh phải để điện thoại trong tủ kính và khóa lại. Chỉ khi giáo viên bộ môn yêu cầu, học sinh mới được lấy điện thoại ra để phục vụ việc học tập. Theo TS Trần Nam Dũng - Phó Hiệu trưởng nhà trường, việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học dễ dẫn đến việc các em xao lãng, làm việc riêng. Các thầy cô cũng sẽ cảm thấy không thoải mái khi thấy học sinh sử dụng điện thoại vào việc riêng khi mình đang giảng bài. Do đó trường yêu cầu học sinh ở cả hai cơ sở không được sử dụng điện thoại trong giờ học.
Trang bị kiến thức, kỹ năng an toàn trên không gian mạng
Khảo sát thực hiện năm 2022 do Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (cũ) thực hiện cho thấy có 89% trẻ em Việt truy cập và sử dụng internet, trong số này, 87% sử dụng internet hàng ngày. Ngoài thời gian dành cho việc học, trung bình trẻ em thường sử dụng từ 5 - 7 giờ/ngày vào mạng xã hội.
Việc dành quá nhiều thời gian để nhìn vào màn hình rõ ràng sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới học sinh đang chưa có nhiều nhận thức về an toàn trên không gian mạng. Đặc biệt, độ tuổi trung bình trẻ em Việt Nam sở hữu điện thoại di động ngày càng giảm, năm 2022 theo khảo sát của Google là 9 tuổi trong khi trên thế giới là 13 tuổi. Khi các em sở dụng điện thoại và mạng xã hội trước tuổi, “đắm mình trong công nghệ, ăn công nghệ, ngủ công nghệ, chơi công nghệ và sinh ra bằng công nghệ”, nhiều lo lắng đặt ra, trẻ em với sự non nớt và thiếu kinh nghiệm, rất dễ trở thành nạn nhân của các hành vi xâm hại, lừa đảo, bắt nạt, hoặc bị ảnh hưởng bởi nội dung độc hại.
Theo các chuyên gia giáo dục, không chỉ quản lý trong nhà trường mà việc này cũng cần được các bậc phụ huynh nhận diện và có phương án hạn chế trẻ lạm dụng công nghệ trong cuộc sống hàng ngày. Nhà trường cần đưa các nội dung về sức khỏe số vào chương trình giảng dạy cũng như các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm để học sinh nhận thức và chủ động xây dựng thói quen quản lý thời gian sử dụng điện thoại di động nói riêng mà các thiết bị công nghệ nói chung.