Cam kết của G7

Phan Quang Vũ 15/06/2021 07:13

Phát biểu tại cuộc họp báo nhân kết thúc 3 ngày Hội nghị thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) diễn ra tại Cornwall (Vương quốc Anh), Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: “Tất cả các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị hiểu được mức độ nghiêm trọng và những thách thức mà chúng ta phải đối mặt, cũng như trách nhiệm đối với phần còn lại của thế giới. Đó là những gì chúng tôi hướng tới”.

Các nhà lãnh đạo các nước G7 tại Hội nghị thượng đỉnh 2021. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, trước khi lên đường về nước (ngày 16/6) sau chuyến công du châu Âu 8 ngày, ông Biden sẽ vẫn còn phải đối diện với 2 vấn đề quan trọng. Đó là cuộc gặp gỡ với NATO và Tổng thống Nga Putin.

Trong 3 ngày diễn ra hội nghị thượng đỉnh G7, lãnh đạo các nước thành viên đã tập trung thảo luận về những thách thức chung và vạch ra những con đường cần hướng tới. Trong đó, chống biến đổi khí hậu, khôi phục nền kinh tế, ứng phó với đại dịch Covid-19 toàn cầu, cạnh tranh về công nghệ và địa chính trị là những chủ đề chính. Đây là hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới sau gần 2 năm.

Tuyên bố chung của G7 (tuyên bố Vịnh Carbis, nơi diễn ra hội nghị) đặc biệt nhấn mạnh tới lĩnh vực y tế, kinh tế, cũng như biến đổi khí hậu toàn cầu, nhằm tạo tiền đề ứng phó những vấn đề tương tự trong tương lai.

Với đại dịch Covid-19, các nền công nghiệp hàng đầu thế giới không chỉ cam kết quyên góp 1 tỷ liều vaccine Covid-19 để hỗ trợ tiêm chủng cho các nước có thu nhập thấp, mà còn thực hiện gói biện pháp ứng phó, bao gồm cắt giảm thời gian phê duyệt vaccine xuống dưới 100 ngày, tăng cường khả năng giám sát với những căn bệnh mới có thể xuất hiện.

Thủ tướng Anh Boris Johnson, đại diện nước chủ nhà tổ chức hội nghị, đã tuyên bố về quyết định thành lập Trung tâm Sáng chế và sản xuất vaccine để đối phó với các bệnh truyền nhiễm. Ông Johnson đồng thời nêu rõ mục tiêu của các gói tài chính trong tuyên bố chung nhằm đảm bảo thế giới không bao giờ mất cảnh giác với khủng hoảng dịch bệnh một lần nữa.

Về vấn đề môi trường và giảm lượng phát thải để chống biến đổi khí hậu, các nhà lãnh đạo G7 đã thống nhất “Hiệp ước về Thiên nhiên”, cam kết giảm gần một nửa lượng khí thải carbon vào năm 2030 so với năm 2010 và ngăn chặn tình trạng mất đa dạng sinh học. Cùng đó các quan chức G7 còn cam kết về việc chi hàng trăm tỷ USD để đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng cho các nước có thu nhập thấp và trung bình, nhằm xây dựng quan hệ đối tác tiêu chuẩn cao và minh bạch. Thủ tướng Đức Angela Merkel đánh giá đây là một “sáng kiến quan trọng” rất cần thiết, đặc biệt là với châu Phi.

Giới quan sát cho rằng, Hội nghị thượng đỉnh G7 cho thấy “sự trở lại của nước Mỹ” - như lời của ông Joe Biden, khi tham gia vào những vấn đề mang tính toàn cầu. “Toàn cầu hóa đã trở lại thay vì mục tiêu dân tộc chủ nghĩa cực đoan”- nhận xét trên CNN. Thứ hai, hội nghị lần này cũng cho thấy “cú bắt tay vượt Đại Tây dương giữa Mỹ và châu Âu” sau một thời gian “nguội lạnh”. Thứ ba là các “ông lớn” đã thống nhất chi ra những khoản tiền lớn vào mục đích chung, vấn đề không hề dễ dàng vẫn là nút thắt từ trước tới nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cam kết của G7

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO