Cẩm Thanh: Xe đạp tre & Cây dừa nước

Thư Hoàng 22/07/2015 10:02

Bữa đó, đang ngồi ở đô thị cổ Hội An, ông Nguyễn Sự hỏi chúng tôi đã về Cẩm Thanh chưa. Thấy lắc đầu, ông Sự bảo thế thì nên về Cẩm Thanh, xứ đó nhiều cái để viết.

Cẩm Thanh: Xe đạp tre & Cây dừa nước

Đương nhiên là chúng tôi nghe theo lời ông, vì hơn ai hết, ở đất này, ông là một người am hiểu, lại được lòng người dân. Từ khi còn đương chức Bí thư Thành ủy TP Hội An (Quảng Nam), đến khi tôi ngồi gõ những dòng này ông đã xin nghỉ hưu trước tuổi, thì cái tên Nguyễn Sự ở Hội An, ở Cẩm Thanh, ở Cù Lao Chàm… vẫn là một sự đảm bảo, để mỗi khi nhắc đến, bà con đều kể không dứt chuyện. Chuyện về ông Nguyễn Sự xin không nhắc ở bài viết này nữa, mà xin kể những câu chuyện nhỏ ở Cẩm Thanh chúng tôi tận mắt chứng kiến…

Cẩm Thanh: Xe đạp tre & Cây dừa nước - 1

Lão nông “chế tạo” xe đạp tre

Chỉ cách Hội An khoảng 5 km thôi, nhưng đến Cẩm Thanh người ta như lạc về một vùng thôn quê hẻo lánh. Nơi ấy có những con đường nhỏ, những đầm lầy, và bạt ngàn dừa nước. Chuyện cây dừa nước làm nên hồn cốt của xứ này chúng tôi sẽ nói ở phần sau. Còn đầu tiên chúng tôi muốn kể đó là chuyện… lạc đường.

Không phải lạc đường từ Hội An về Cẩm Thanh, mà bởi đi lạc chính trong những con đường nhỏ, loanh quanh của xã Cẩm Thanh thơ mộng. Nhưng chính nhờ những con đường quê, đường tắt ấy, mà lại biết thêm được nhiều vẻ đẹp của xứ này. Chứng kiến một cuộc sống bình yên, ấm áp của người dân. Chính bởi sự hấp dẫn ấy, Cẩm Thanh được nhiều du khách nước ngoài chọn làm điểm du lịch homestay để trải nghiệm nghề làm ruộng cũng như đánh bắt cá trên cồn cùng bà con bến Hói Lăng.

Cũng chính nhờ sự… lạc đường ấy, mà tôi đã dừng chân trước một cánh cổng tre khép hờ, trên đó có đề tấm biển viết trên cái mẹt tre bằng 2 thứ tiếng: Xin mời vào nhà ông Mười - Welcome to Mr. MƯỜI’s house.

Thấy khách đến, ông Mười hồ hởi mở cánh cổng tre đơn sơ, mộc mạc. Bước chân qua cánh cửa ấy, là tràn ngập những đồ làm bằng tre: bộ bàn ghế hoàn toàn bằng tre với những gốc tre, trối tre uốn lượn như rồng bay phượng múa; hoặc các dụng cụ trang trí mỹ thuật bằng tre được chế tác rất công phu như điện thoại, giỏ đựng quả, bình hoa, vỏ đựng các chai rượu Tây, các loại đèn ngủ...

Thì ra tôi đang được trò chuyện với một lão nông nổi tiếng của Cẩm Thanh. Không chỉ người trong làng, trong xã biết đến mà ông Võ Tấn Mười còn được rất nhiều khách nước ngoài biết. Nhà ông còn là nơi lui tới của nhiều hãng lữ hành, là cơ sở sản xuất nhiều mặt hàng từ vật liệu tre truyền thống để cung cấp cho các đoàn khách.

Cẩm Thanh: Xe đạp tre & Cây dừa nước - 2

Ông Võ Tấn Mười giới thiệu chiếc xe đạp tre

Đặc biệt, nhà ông Mười cũng chính là xưởng chế tác xe đạp tre nổi tiếng.

Khi tôi còn đang thích thú với chiếc ghế được làm từ những gốc tre sần sùi thô ráp thì ông Mười đã đi vào bên trong, dắt ra chiếc xe đạp bằng tre. Ông bảo, đây là sản phẩm do xưởng của ông “cải tiến” nhưng “tốn công vô cùng”. “Mất bao nhiêu công thì ông Mười làm xong chiếc xe này?”, tôi hỏi. “Hơn 20 công mà vẫn chưa thật như ý. Đó là còn chưa kể những ngày… thất bại vì mình tự mày mò chứ đâu có ai chỉ dạy”, ông Mười nói.

Chuyện ông Mười và con trai khéo tay, làm ra những sản phẩm bằng tre được nhiều người biết đến cũng đã lâu. Nhưng cách đây mấy năm, khi một người khách Hà Lan “phượt” tới Cẩm Thanh đã bị “đứng hình” trước các sản phẩm của ông. Và ngay sau đó, vị khách này đã đặt vấn đề nhờ ông Mười “biến” chiếc xe đạp vốn toàn những kim loại là kim loại thành chiếc xe đạp tre. “Càng nhiều tre càng tốt”, người khách đặt hàng ông Mười.

Ông Mười sẽ còn tiếp tục thực hiện hàng chục chiếc nữa. Những chiếc xe hiện đại được mang tới cho ông “tháo tung ra”, và thay thế. Hỏi ông Mười bao nhiêu một chiếc xe này, ông nói “vô giá lắm”. Và ông cũng tiếc, nếu một ngày nào đó, những chiếc xe đạp tre này rời đất Cẩm Thanh, theo vị khách về xứ Hà Lan để vị khách nọ mở một “tua” đạp xe đạp tre phục vụ du lịch.

Cẩm Thanh: Xe đạp tre & Cây dừa nước - 3

Hoàng hôn ở Cẩm Thanh

Phất lên nhờ cây dừa nước

Rời nhà ông Mười, chúng tôi tiếp tục đạp xe xuyên qua những con đường nhỏ của xã Cẩm Thanh. Đến thôn Thanh Tam Đông, nơi có nghề thủ công làm tranh tre và dừa nước, xin đừng bỏ lỡ dịp ghe chơi nà bà Sáu Mót. Ngôi nhà được làm hoàn toàn bằng vật liệu tự nhiên như tre, nứa… và phương pháp thủ công truyền thống, được nhiều du khách nước ngoài thích thú. Rồi ghé xưởng mắm ngon nổi tiếng trong vùng của vợ chồng ông Tư Tài ở thôn Thanh Tam Tây. Mắm ngon, bởi được chế biến hoàn toàn thủ công, lấy từ nguồn cá cơm ở Cửa Đại. Đi thêm một đoạn là nhà vườn của anh Võ Tấn Tân được làm từ tre, nứa, lá, đặt mua từ Thới Sơn, Hiệp Đức về.

Một ấn tượng khác ở đất Cẩm Thanh là cây dừa nước. Trò chuyện với người dân bên bến Hói Lăng, ai cũng lắc đầu không biết cây dừa nước có mặt chính xác trên đất Cẩm Thanh này từ khi nào. Còn theo ông Nguyễn Thế Hùng - một người sinh ra và gắn bó với vùng đất này kể rằng, từ khi còn bé ông đã nghe các cụ trong làng kể chính những thương lái buôn ghe bầu tại địa phương mang cây dừa nước Nam Bộ về trồng ở vùng ngập mặn này từ cách đây hơn 200 năm.

Cây dừa nước đã thích nghi với môi trường nước lợ chua, mặn của vùng đất Cẩm Thanh mà phát triển tốt. Cũng theo ông Hùng, ban đầu dừa được một số người dân địa phương trồng từng cụm nhỏ dọc theo các kênh rạch. Sau này, người dân tiếp tục nhân rộng và dừa nước phát triển thành rừng dừa quanh năm xanh tốt. Hiện nay cây dừa nước được trồng phổ biến trên các con sông, lạch ở Cẩm Thanh, tập trung chủ yếu ở thôn Thanh Nhứt, Thanh Tam Đông, Thanh Tam Tây, thôn Vạn Lăng mà người dân thường gọi là rừng dừa Bảy Mẫu. Diện tích rừng dừa ở Cẩm Thanh giờ ước khoảng hơn 60 ha.

Dừa nước không chỉ là cây “phủ kín” các sình lầy, mà từ lâu đã trở thành nguồn kinh tế chính cho người dân nơi đây. Đặc biệt, khi nhu cầu làm nhà từ cây dừa để phục vụ du lịch ngày càng nhiều, một số hộ dân ở Cẩm Thanh đã “sống khỏe” với cây dừa. Làng nghề làm tranh dừa nước cũng đã hình thành ở Cẩm Thanh. Qua sự sáng tạo, khéo tay của người dân, mỗi bức tranh làm từ cây dừa nước trung bình có giá từ 100 ngàn đồng trở lên đã mang lại công việc và thu nhập ổn định cho nhiều gia đình...

Cẩm Thanh: Xe đạp tre & Cây dừa nước - 4

Du khách khám phá rừng dừa Bảy Mẫu

Trò chuyện với những người dân ở thôn Vạn Lăng thì được biết, mỗi năm cây dừa nước cho người dân ở đây khai thác lá 2 lần vào 3 tháng đầu năm và tháng 8, 9 (theo âm lịch). Khi khai thác người ta đốn hết tất cả các tàu dừa già, chỉ chừa lại các nhánh lá non để nuôi tàu dừa con phát triển. Bẹ lá và phiến lá là nguyên liệu chính để làm xóc tranh lợp nhà, làm phên, tấm mành, làm dù che mát… Bên cạnh đó, bẹ dừa còn tận dụng làm củi đốt. Quả dừa non dùng để ăn, dừa có vị ngọt nhẹ, mềm, ăn rất ngon có thể dùng chế biến món chè dừa. Ngoài ra theo Đông y, trái dừa nước có công dụng tương đương gần như dừa trồng trên cạn giúp tăng cường khí lực, tươi nhuận nhac sắc, giải nhiệt. Có thể nói rằng, loại cây này sử dụng gần như triệt để từ bẹ, thân lá, hoa, quả… Hiện trên địa bàn Cẩm Thanh có 40 cơ sở với 300 lao động làm nghề nhà tranh dừa nước, tạo thu nhập ổn định khoảng 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Ông Đỗ Hạng ở thôn Thanh Tam Đông là hộ gia đình có tới 1 ha diện tích mặt nước trồng dừa. Ông cho biết: “Với định kỳ thu hoạch 2 lần trong năm, chúng tôi sản xuất được hàng nghìn nệp tranh dừa. Nếu nguồn nguyên liệu đó được dùng hết để làm nhà tranh, tre dừa, mỗi năm, chúng tôi có thể thu được hàng trăm triệu đồng”. Ngoài ra, các hộ gia đình ông Võ Tất Thắng, Trần Đình Xê, Lê Công Thắng… cũng đã thu được hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nghề làm nhà tranh tre, dừa nước.

Chúng tôi theo thuyền thúng của chị Dương Thị Nga (thôn Vạn Lăng) khám phá rừng dừa Bảy Mẫu khi hoàng hôn đang dệt lên bức tranh thiên nhiên thật lộng lẫy.

Chị Nga cho biết, thôn Vạn Lăng nằm ở phía Đông Bắc của rừng dừa Bảy Mẫu, có khoảng 1.000 hộ dân chủ yếu sinh sống bằng nghề chài lưới, đánh bắt hải sản. Nhưng chỉ có khoảng 30 hộ được là thành viên của tổ du lịch cộng đồng để chèo thúng phục vụ khách. Có những gia đình cả nhà chèo. Thậm chí, khi chúng tôi đến, bà Trần Thị Kéo đã ngoài 70 tuổi vẫn ngày ngày đảm nhận việc chèo thúng đưa khách đi du ngoạn. Vé cho mỗi 1 giờ ngồi thúng là 100.000đ/ khách, trong đó 20% thu nhập từ các tổ chở thuyền thúng sẽ được trích vào quỹ bảo tồn và phát triển rừng dừa.

Nhoáng một cái, chiếc thúng của chị Nga đã đi ra giữa cồn. Nhìn vào bờ đã thấy rất xa. Rồi chị cho thúng đi sát vào rừng dừa, gần tới mức du khách có thể chạm tay sờ vào từng gốc dừa nước sần sùi. Vừa đi, chị vừa nói vào lúc chiều muộn như thế này, cua càng tím leo lên bám vào các gốc dừa. Nếu muốn, du khách cũng có thể bắt. Cua càng tím là một đặc sản, là một trong những món ăn mà du khách có thể thưởng thức khi đến vùng đất này.

Cẩm Thanh một xã vùng ven biển, có tổng diện tích tự nhiên 895,43ha, chia thành 8 thôn. Bốn bề là sông nước, phía Đông giáp với phường Cửa Đại bởi sông Ba Chươm, phía Tây giáp phường Cẩm Châu và phường Cẩm Nam bởi sông Cổ Cò, phía Nam giáp huyện Duy Xuyên bởi hạ lưu sông Thu Bồn, Bắc giáp phường Cẩm An. Khí hậu nơi đây mang tính đặc trưng của khí hậu ven biển, mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 12, các tháng còn lại mưa ít và khô hạn. Là vùng đất nằm giữa nơi hợp lưu của hạ nguồn sông Thu Bồn, Đế Võng, Trường Giang. Vùng nước này thường xuyên nhiễm mặn, đây là điều kiện thuận lợi cho hệ sinh thái rừng ngập mặn phát triển. Đặc biệt, một loại cây dừa nước sinh sôi nảy nở thành những rừng dừa dọc khắp các bờ kênh rạch, tạo nên màu sắc đặt trưng nơi đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cẩm Thanh: Xe đạp tre & Cây dừa nước