Việc sử dụng logo cam Vinh và hệ thống nhận diện thương hiệu đã được bảo hộ độc quyền sẽ giúp người tiêu dùng nhận biết, phân biệt cam Vinh với các sản phẩm khác. Đây cũng là cơ sở để xử lý các hành vi buôn bán cam giả, nhái nhãn hiệu cam Vinh.
Cam Vinh được thị trường trong nước ưa chuộng,
có giá cao gấp đôi so với cam ở các tỉnh khác. (Ảnh: Báo Nghệ An).
Mạnh ai nấy làm
Báo cáo của Sở KH&CN tỉnh Nghệ An cho biết, từ năm 2007, chỉ dẫn địa lý cam Vinh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận với gần 1.700 ha, nhưng trên thực tế, hiện có hơn 6.400 ha với nhiều địa bàn, giống cam. Đến nay, tỉnh quy hoạch vùng cam đến năm 2020 là 8.270 ha. Việc quản lý quy hoạch và nâng cao chuỗi giá trị chưa có sự phối hợp đồng bộ.
Tại cuộc họp mới đây của UBND tỉnh Nghệ An với lãnh đạo các sở, ngành và lãnh đạo các huyện, thị có vùng trồng cam như: Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông, Yên Thành, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Thanh Chương, Thái Hòa…, các đại biểu tham dự cuộc họp cho biết, mặc dù Hiệp hội Sản xuất và kinh doanh cam Vinh được thành lập từ năm 2010, nhưng chưa có quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, cũng như cơ chế hoạt động và không được kiện toàn hằng năm.
Quy mô các hộ trồng cam ở các địa phương còn nhỏ, chưa hình thành được nhiều doanh nghiệp, HTX trồng và kinh doanh cam. Mạng lưới tiêu thụ, kinh doanh cam hoàn toàn tự phát, chủ yếu do thương lái trực tiếp thương thảo và thu mua của người dân.
Cùng đó, việc dán tem nhãn mác hàng hóa chưa được người dân quan tâm. Điều này gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong đấu tranh xử lý việc lạm dụng thương hiệu cam Vinh.
Ở Nghệ An vẫn chưa hình thành thói quen của người tiêu dùng trong việc sử dụng hàng hóa có dán tem nhãn, đặc biệt đối với mặt hàng nông sản, hoa quả như cam quả.
Thực trạng trên là do từ trước tới nay, sản phẩm cam quả trên địa bàn có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, thậm chí có những thời điểm cháy hàng. Điển hình như năm trước, thời điểm gần Tết Nguyên đán, cam Vinh bán tại vườn với giá từ 100.000-120.000 đồng/kg mà không đủ hàng để bán.
Dán nhãn để nâng cao chuỗi giá trị
Để nâng cao chuỗi giá trị của cam Vinh trong sự cạnh tranh gay gắt của nhiều sản phẩm cam hiện nay, theo ý kiến của các doanh nghiệp cũng như các sở, ngành, thì tỉnh Nghệ An cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong sản xuất và tiêu thụ mặt hàng nông sản nức tiếng này.
Ngoài quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cam Vinh, xây dựng mô hình sản xuất cam VietGAP, hỗ trợ về công nghệ bảo quản, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, nâng cao giá trị và tiêu thụ cam… các địa phương, sở, ngành cần có các giải pháp kiểm soát chất lượng sản phẩm cam để bảo đảm sự bền vững. Cùng đó, cần quản lý chặt và có những khuyến cáo thường xuyên đối với các hộ trồng cam trong sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng theo hướng sản phẩm an toàn.
Ông Nguyễn Giang Hoài, Giám đốc Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Phủ Quỳ cho rằng, cùng với dán tem, nhãn cho cam, tỉnh cần tổ chức cho các hộ đăng ký và dán tem theo công nghệ truy xuất nguồn gốc sản xuất đến từng vườn bằng điện thoại di động. Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Lập, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đề nghị tỉnh cần chỉ đạo chặt chẽ trong triển khai quản lý chất lượng, có thể thành lập tổ tư vấn về cấp tem, nhãn mác sản phẩm, quản lý bộ giống...
Một vấn đề đáng quan tâm là hiện nay, nhiều hộ đầu tư trồng cam ngoài quy hoạch, chồng lấn với quy hoạch cây trồng khác, nhưng địa phương chưa thể quản lý, điều chỉnh. Vì vậy, cùng với xây dựng nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm thì việc quản lý chặt chẽ quy hoạch cây cam cũng góp phần bảo vệ, nâng cao giá trị thương hiệu.
Ông Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, khẳng định các Sở KH&CN, NN&PTNT, Công Thương và các huyện cần vào cuộc tích cực với doanh nghiệp, HTX, người trồng cam để tiếp tục ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, tưới, quy trình kỹ thuật chăm, bón, áp dụng mô hình VietGAP để bảo đảm và nâng cao năng suất, chất lượng, chuỗi giá trị gia tăng của quả cam.
Việc in mẫu mã tem, nhãn hàng hóa cho cam theo hướng dễ hiểu, dễ truy xuất nguồn gốc sản xuất. Tỉnh sẽ hỗ trợ một phần kinh phí trong việc in tem nhãn, logo cam Vinh. Tỉnh cũng khuyến khích và có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất và kinh doanh cam sử dụng logo, tem nhãn. Đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng khi mua sản phẩm cam Vinh nên mua các sản phẩm đã được gắn logo và được bán tại các địa điểm uy tín.
Thời gian tới, tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá và phát triển thương hiệu cam Vinh; chú trọng hình thành mạng lưới tiêu thụ; khuyến khích hình thành các doanh nghiệp lớn để làm đầu mối bao tiêu sản phẩm; thành lập website cho cam Vinh; mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và kể cả thị trường nước ngoài.
Tới đây, UBND tỉnh Nghệ An sẽ thành lập Ban Chỉ đạo phát triển thương hiệu cam Vinh, từ đó tích cực triển khai các giải pháp về nâng cao năng suất, chất lượng cam cũng như các giải pháp xây dựng, quảng bá, phát triển và quản lý thương hiệu.