Chùa Bà Nành (còn có tên là Tiên Phúc Tự, tọa lạc ở số 27 phố Văn Miếu, quận Đống Đa, TP Hà Nội) được coi là một di tích nằm trong quần thể di tích lịch sử Văn Miếu- Quốc Tử Giám. Chùa được Bộ Văn hóa-Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật vào tháng 12/1986. Tuy nhiên, di tích lịch sử này bị các hộ dân xâm lấn, dẫn đến cảnh quan và sự tôn nghiêm của di tích bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hàng quán ăn uống, bãi gửi xe bủa vây cổng chùa Bà Nành.
Theo sư thầy Thích Đàm Mai- Trụ trì chùa Bà Nành, chùa Bà Nành là ngôi chùa được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia. Tuy nhiên, trong thời gian dài, chùa bị xâm hại nghiêm trọng. Theo sơ đồ đo đạc mặt bằng do Sở Văn hóa-Thông tin Hà Nội thiết lập vào tháng 9/1991 đã được các cơ quan quản lý nhà đất có thẩm quyền xác nhận thì hiện nay có 10 hộ dân đang chiếm dụng đất của nhà chùa.
Các hộ dân này lại được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà và tài sản khác gắn liền với đất mà không thông qua sư trụ trì chùa. Không chỉ dừng lại ở việc chiếm dụng đất nhà chùa mà có hộ gia đình càng lấn tới tiếp tục chiếm dụng đất nhà chùa nhiều hơn. Năm 1992, UBND phường Văn Miếu xác nhận hộ ông Phạm Văn Quỳnh ở trong đất nhà chùa với diện tích chỉ có 20 m2, nhưng năm 2011 ông Quỳnh lại UBND quận Đống Đa cấp “sổ đỏ” với diện tích lên tới 29,9 m2.
Hay như hộ ông Nguyễn Tiến Quang được chính quyền phường xác nhận là 14 m2 ở trong đất chùa, sau đó lại được cấp “sổ đỏ” có diện tích 25 m2. “Nghiêm trọng hơn, trong lúc nhà chùa đã có đơn gửi UBND phường Văn Miếu vào tháng 1/2015 mong được giải quyết tranh chấp với hộ ông Nguyễn Tiến Quang thì ngày 4/8/2015 gia đình ông Quang tiếp tục cơi nới xây lên tầng nữa, đổ trần, lấn chiếm khá nhiều ra khoảng không và lối đi vào sân bể nước của nhà chùa, khiến việc đi lại sinh hoạt của nhà chùa gặp nhiều khó khăn…”- sư trụ trì Thích Đàm Mai bày tỏ.
Theo quan sát, ngay sát cổng chùa Bà Nành có nhiều hàng quán ăn uống, nhiều bãi trông xe gây ra cảnh nhếch nhác. Phía sau chùa Bà Nành có một lối đi rất hẹp chỉ đủ một người “lách” qua tiếp giáp với nhiều hộ dân xung quanh. Đây là lối đi dẫn ra bể nước đằng sau của nhà chùa lại bị án ngữ bởi khu nhà vệ sinh, nhà tắm của hộ gia đình ông Nguyễn Tiến Quang...
Trao đổi về vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch UBND phường Văn Miếu cho biết, việc các hộ dân ở trong đất chùa, là vấn đề quá khứ, hiện tại phường không đủ thẩm quyền để giải quyết. Về phần bể nước của chùa Bà Nành và lối đi xuống bể nước, bà Vũ Mai Khanh- Chủ tịch UBND phường Văn Miếu cho hay: Ngày 17/7/2015, UBND phường đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể họp và xuống thực địa để xác định hiện trạng phần bể nước của nhà chùa và lối đi xuống bể nước tại địa chỉ số 27 Văn Miếu.
Ngày 20/7, gia đình ông Phùng Văn Quỳnh đã dọn dẹp toàn bộ lối đi và chấp thuận bịt cửa... Phần lối xuống bể nước của nhà chùa đi qua thửa đất số 18; nhà bê tông 1 tầng, theo hiện trạng, bố mẹ ông Nguyễn Tiến Quang đã sử dụng từ những năm 1980 làm bếp và nhà tắm. Sư thầy Thích Đàm Mai đề nghị ông Quang trả lại phần diện tích này cho nhà chùa để cải tạo lối đi thông thoáng cho chùa xuống bể nước. Đại diện gia đình ông Quang đã chấp thuận.
Ngày 20/7, gia đình ông Quang có đơn xin sửa chữa nhà với nội dung gia đình sẽ bàn giao phần nhà bếp và nhà tắm để trả lại cảnh quan cho nhà chùa theo đúng tiến độ cuộc họp ngày 17-7-2015 đã thống nhất…
Ngày 5/8/2015 gia đình ông Quang đã dỡ bỏ toàn bộ phần bếp và dọn dẹp nhà tắm để bàn giao mặt bằng, nhà chùa đã dỡ tạm phần trần nhà tắm lấy ngày. Theo hiện trạng, công trình ô-văng của nhà ông Quang (khoảng 1 mét) nối liền với nhà tắm. Để việc phá dỡ đảm bảo an toàn cho người và tài sản, UBND phường, chùa Bà Nành và cán bộ khu dân cư phải mời đơn vị lập dự án phá dỡ. Nhưng đến nay, theo phản ánh của cán bộ khu dân cư, nhà chùa lại yêu cầu hộ gia đình ông Quang phá dỡ toàn bộ ô- văng đó và bịt toàn bộ lối đi mà gia đình ông Quang đi xuống nhà tắm trước đây… UBND phường cũng chưa có sự trao đổi, vận động đối với hộ ông Nguyễn Tiến Quang...
Thiết nghĩ, các cấp chính quyền về lâu dài cần có kế hoạch trả lại khuôn viên và trước mắt cần sớm giải quyết dứt điểm việc tranh chấp để bảo vệ sự tôn nghiêm, những giá trị văn hóa, lịch sử, của một di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia này.