Chính trị

Cán bộ đảng viên và nhân dân đồng tình xử lý trách nhiệm chính trị người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực

Việt Thắng 09/07/2024 12:28

Ngày 9/7, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới: Chỉ thị số 35-CT/TW về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 15.644 điểm cầu trên toàn quốc với trên 1.280.404 cán bộ đảng viên tham dự.

Tới dự hội nghị tại điểm cầu chính tại Nhà Quốc hội có: Chủ tịch nước Tô Lâm; Thủ tướng Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến.

quy-dinh144-9724b.jpg
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa quán triệt Quy định 144 tại hội nghị.

Tại hội nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã quán triệt về Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

“Ngay sau khi có Quy định 144 các chuyên gia, nhà khoa học, dư luận nhân dân đã có nhiều bài viết bày tỏ sự đồng tình ủng hộ lan toả mạnh mẽ tinh thần Quy định 144 đối với đời sống xã hội”-ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa tập trung vào 3 vấn đề lớn: Vì sao Bộ Chính trị ban hành Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; những điểm mới nội dung cốt lõi của Quy định 144; những vấn đề cần lưu ý để triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả quy định này.

Đề cập đến việc vì sao Bộ Chính trị ban hành Quy định 144?, theo ông Nghĩa, đạo đức có vai trò vô cùng quan trọng cấu thành nền tảng tinh thần xã hội. Bác Hồ đã nói “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc lại: “Văn hoá là hồn cốt của dân tộc”. Đạo đức là một trong những yếu tố hình thành, cấu thành lên văn hoá của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, mỗi con người.

Đối với Việt Nam, đạo đức Việt Nam trở thành bản sắc văn hoá độc đáo của Việt Nam, là quý giá của Việt Nam để hình thành lịch sử hàng nghìn năm trường tồn của dân tộc chúng ta. Đại hội XIII của Đảng xác định phát huy sức mạnh văn hoá con người Việt Nam, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam để đẩy mạnh đồng bộ toàn diện. Văn hoá con người Việt Nam có pháp luật, đường lối chủ trương, nhưng vấn đề đạo đức để khơi dậy sự tự giác để phù hợp với lịch sử, truyền thống, yêu cầu xây dựng phát triển đất nước trong từng thời kỳ.

Đối với cán bộ đảng viên, thì Đảng và Bác Hồ đã nói: “Đạo đức là gốc và là nền tảng của người cách mạng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng nền đạo đức mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH ở Việt Nam và phù hợp với xu thế của nhân loại. Đó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng của cá nhân mà vì lợi ích chung của toàn Đảng, của dân tộc của loài người. Đạo đức mới chính là định hướng cho con người, mỗi cán bộ đảng viên tự giác điều chỉnh hành vi của mình, chiến thắng lợi chủ nghĩa cá nhân, biết đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc và Nhân dân lao động lên trên hết, trước hết, đặc trước lợi ích của cá nhân mình, cao nhất chính là chí công vô tư.

Lý do thứ hai, theo ông Nghĩa: Trải qua lịch sử 94 năm Đảng ra đời, phát triển lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đảng luôn quan tâm đề cao giáo dục rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ đảng viên, chú trọng nâng cao vai trò, vị trí bản lĩnh, trí tuệ. Đặc biệt là sự nêu gương về đạo đức cách mạng, sự phấn đấu không ngừng, không nghỉ của cán bộ đảng viên. Coi đây là nền tảng sức mạnh to lớn để đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong toàn dân tộc để giành nhiều thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.

Bên cạnh tích cực, ông Nghĩa cũng chỉ ra còn nhiều hạn chế như công tác quản lý giáo dục rèn luyện cán bộ đảng viên tại một số nơi chưa được coi trọng. Một bộ phận cán bộ đảng viên chưa thực sự mẫu mực trong học tập, sản xuất, thực hiện thi hành công vụ và chưa nêu gương về tu dưỡng rèn luyện đạo đức cách mạng, cá biệt có một bộ phận cán bộ đảng viên phai nhạt lý tưởng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến tự chuyển hoá, thậm chí có cán bộ đảng viên vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật, xử lý hình sự, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao do Trung ương quản lý.

“Có thể nói nhiều lần Tổng Bí thư, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực đã nhắc lại nhiều lần đây là vấn đề đau xót trong Đảng”-ông Nghĩa nói và cho rằng nguyên nhân căn bản là do sự thiếu tu dưỡng đạo đức cách mạng của cán bộ đảng viên, từ đó đòi hỏi phải có chế tài hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ sức răn đe, cảnh tỉnh song song với các biện pháp bồi dưỡng rèn luyện mang tính phòng ngừa tích cực.

Đại hội XIII đã bước sang năm thứ 3, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh quyết liệt không có vùng cấm, không có ngoại lệ, kết hợp ngày càng chặt chẽ hiệu quả giữa công tác phòng chống tham nhũng với phòng chống tiêu cực, giữa phòng chống tham nhũng tiêu cực với công tác cán bộ, xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị vừa nghiêm minh xử lý các hành vi tham nhũng vừa kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm và trách nhiệm nêu gương của cán bộ chủ trì, lãnh đạo các cấp.

“Khi Ban Tuyên giáo Trung ương nghiên cứu, điều tra dư luận xã hội thấy trên 83% cán bộ đảng viên và nhân dân khi được hỏi đều đồng tình kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm chính trị của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực, địa bàn được phân công quản lý phụ trách phải kịp thời cho từ chức, miễn nhiệm thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút thể hiện sự nghiêm minh cũng như rất nhân văn, đưa việc “có lên có xuống”, “có vào có ra” dần trở thành văn hoá và việc làm bình thường trong công tác cán bộ”-ông Nghĩa nêu rõ.

Đề cập đến lý do thứ 3, ông Nghĩa nêu rằng, tình hình mới đang đặt ra những thời cơ rất lớn, thời cơ mới. Như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay. Một năm đã có 3 nguyên thủ quốc gia đến Việt Nam, dành tình cảm đặc biệt cho Việt Nam như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc, Tổng thống Mỹ, Tổng thống Nga. Các nước lớn đến với tư cách lãnh tụ của Đảng mời. Điều đó khẳng định thành tựu của chúng ta đã được các nước đánh giá cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cán bộ đảng viên và nhân dân đồng tình xử lý trách nhiệm chính trị người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực