Ngày 21/8, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đề xuất nhiều nội dung quan trọng tại Đại hội MTTQ tỉnh Hà Tĩnh để đại biểu nghiên cứu, thống nhất thực hiện cho nhiệm kỳ mới.
Khẳng định vị thế Mặt trận
Phiên thứ hai Đại hội MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2024-2029 đã thông qua Báo cáo chính trị và nhận được nhiều ý kiến tham luận đặc sắc của các đại biểu.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đánh giá cao kết quả hoạt động của MTTQ Hà Tĩnh trong nhiệm kỳ qua.
Theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng, hiện nay, công tác Mặt trận đang ngày càng nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cấp ủy chính quyền địa phương mà nhất là các tầng lớp nhân dân.
Thời gian tới, đòi hỏi công tác Mặt trận tiếp tục thực hiện đầy đủ, toàn diện theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”; Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư “về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”;
Quy định số 97-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ công tác của Đảng đoàn, Ban cán sự đảng ở Trung ương (theo đó cùng với Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Bộ Chính trị thành lập và thành phần tham gia Đảng đoàn được mở rộng);
Quy định số 146-QĐ/TW ngày 14/5/2024 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ công tác của đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh và nhất là Kết luận số 35-KL/TW của Bộ Chính trị “về các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị” (theo đó, MTTQ Việt Nam các cấp được nâng lên 1 bậc trong hệ thống các chức danh lãnh đạo của Đảng và Nhà nước).
Những nghị quyết, chỉ thị nêu trên tiếp tục ghi nhận, khẳng định, cụ thể hóa vị thế của MTTQ Việt Nam và vị trí, vai trò quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhưng đây cũng là yêu cầu, thách thức đặt ra ngày càng cao hơn đối với công tác Mặt trận trong nhiệm kỳ mới để góp phần cùng với cả hệ thống chính trị của tỉnh thực hiện khát vọng xây dựng Hà Tĩnh phát triển toàn diện, bền vững theo Quyết định số 1363/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tận tâm với nhiệm vụ được giao
Tại Đại hội, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh một số vấn đề để Đại hội quan tâm, nhất là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khóa XV tiếp tục nghiên cứu, thống nhất thực hiện với một số nội dung sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”. Triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp đã đề cập trong Nghị quyết, phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh. Thực hiện tốt nhiệm vụ tham gia góp ý văn kiện Đại hội Đảng các cấp và tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.
Thứ hai, chủ động phối hợp với chính quyền giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân với quan điểm “dân là gốc”, “dân là trung tâm”. Thực hiện tốt yêu cầu “Cán bộ Mặt trận phải gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến nhân dân”; làm tốt hơn nữa vai trò tập hợp, lắng nghe ý kiến của nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân để góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Thứ ba, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội; lựa chọn nội dung giám sát, phản biện xã hội có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Làm tốt việc góp ý xây dựng Đảng và Nhà nước; tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và vai trò chủ trì hiệp thương, phối hợp giữa các tổ chức thành viên trong việc thực hiện giám sát và phản biện xã hội.
Việc Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh lựa chọn, chú trọng giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên theo Quy định số 124-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá cao. “Tôi đề nghị Mặt trận tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục cụ thể hóa giải pháp này để thực hiện thực sự có hiệu quả trong nhiệm kỳ tới”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.
Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thích ứng với xã hội số để tuyên truyền, vận động nhân dân theo hướng toàn dân, toàn diện; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực chất các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, trong đó thực hiện tốt 2 nội dung mới trong nhiệm kỳ này là: Phong trào thi đua “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” hoàn thành trong năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động và Chương trình số 6 về xây dựng khu dân cư “Tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc”.
Hiện nay Hà Tĩnh có nhiều lợi thế vì đã có 73,9% khu dân cư được công nhận là kiểu mẫu, vì vậy việc đề ra chương trình hành động “Xây dựng khu dân cư tự quản đoàn kết, ấm no, hạnh phúc gắn với phát huy giá trị văn hóa, con người Hà Tĩnh” là rất phù hợp với thực tiễn của tỉnh. Tôi tin tưởng Hà Tĩnh sẽ là một trong những địa phương đi đầu thực hiện tốt nhiệm vụ này trong nhiệm kỳ tới.
Thứ năm, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ công tác Mặt trận với phương châm: Tận tụy để dân mến/Trách nhiệm để dân thương/Kỷ cương để dân trọng/Năng động để dân được nhờ (từ thực tiễn của cuộc sống chúng tôi có tâm niệm rằng: Khi được phân công làm công tác Mặt trận, trước hết phải tạo cho mình tình yêu với công việc, tận tâm với nhiệm vụ được giao vì thực tế cho thấy, MTTQ Việt Nam không trực tiếp làm ra giá trị vật chất nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, MTTQ Việt Nam là nòng cốt chính trị để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vì khi lòng dân tin tưởng thì muôn việc đều thành công) vì như Nguyễn Trãi trong câu mở đầu của Bình Ngô đại cáo đã ghi: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”.
Từ thực tiễn hoạt động cho thấy, đội ngũ cán bộ Mặt trận phải có đủ phẩm chất, năng lực, bản lĩnh và uy tín, có tinh thần đoàn kết, đồng lòng, trách nhiệm, có như vậy mới triển khai thực hiện hiệu quả trong nhiệm kỳ 2024 - 2029: 3 đề án do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị và đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất cho xây dựng triển khai là: (1) Đề án bồi dưỡng cán bộ Mặt trận các cấp giai đoạn 2024-2029; (2) Đề án chuyển đổi số của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giai đoạn 2024 - 2029; (3) Đề án nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội.
“Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân, Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”. Tôi xin chúc mừng 85 vị đại diện cho các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, các cá nhân tiêu biểu, người có uy tín đã được Đại hội thống nhất cao, hiệp thương tham gia vào Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh khóa XV (nhiệm kỳ 2024 – 2029), đây thực sự là những người có trí tuệ, uy tín, có đủ tâm và tầm để tiếp tục đưa công tác Mặt trận của tỉnh Hà Tĩnh lên một tầm cao mới, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, phấn đấu vì cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc của Nhân dân tỉnh nhà” - Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.
Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh đã hiệp thương cử
85 vị vào Ủy ban MTTQ tỉnh khóa XV nhiệm kỳ 2024 - 2029; hiệp thương cử 7 đại biểu chính thức, 1 đại biểu dự khuyết, ngoài ra có 2 đại biểu đương nhiên là Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam dự Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X. Trước đó, tại phiên thứ nhất, ông Trần Nhật Tân được hiệp thương tái cử Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh khóa XV, nhiệm kỳ 2024-2029.