Đó là phát biểu chỉ đạo của Ủy viên TƯ Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà tại Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2024-2029.
Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2024-2029 với chủ đề "Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Phát triển" diễn ra trong 2 ngày 30 - 31/7.
Dự Đại hội có Ủy viên TƯ Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà; Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký và lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cùng 296 đại biểu chính thức.
Theo báo cáo tại Đại hội, nhiệm kỳ 2019-2024, MTTQ các cấp trong tỉnh Quảng Ninh đã không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp; thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Từ thực tiễn công tác đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, có sức lan tỏa lớn trong nhân dân. MTTQ tỉnh Quảng Ninh luôn là đơn vị đi đầu trong cụm thi đua các tỉnh Đồng bằng sông Hồng nói riêng và cả nước nói chung.
Với sự đóng góp của MTTQ các cấp trong tỉnh, Quảng Ninh luôn nằm trong nhóm các tỉnh có tỉ lệ cử tri đi bầu cao nhất cả nước; là một trong số ít các tỉnh tổ chức đồng loạt Ngày hội Đại đoàn kết trong 1 ngày tại 100% khu dân cư, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Quảng Ninh cũng hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới và về đích trước 2 năm so với kế hoạch nhờ làm tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”...
Trong nhiệm kỳ qua, với hơn 220 tỷ đồng hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; gần 3.000 căn nhà “Đại đoàn kết” (gấp đôi số nhà so với nhiệm kỳ trước) được xây dựng đã góp phần quan trọng đưa Quảng Ninh đã trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Quảng Ninh đã động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia giám sát và phản biện xã hội, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân, trở thành cầu nối quan trọng giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Đặc biệt, MTTQ của tỉnh đã lựa chọn giám sát lãnh đạo các Sở, ban ngành và đại biểu HĐND các cấp.
MTTQ tỉnh Quảng Ninh đã sáng tạo triển khai các hoạt động nhằm hướng về cơ sở, như: Tổ chức Liên hoan tiếng hát khu dân cư ở cả 3 cấp, thu hút gần 69.000 lượt diễn viên quần chúng và hàng trăm nghìn lượt khán giả tham dự, cổ vũ, động viên; thành lập được 1.500 tổ công nghệ số cộng đồng với sự tham gia của hơn 11.000 thành viên.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Đại hội cũng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế và thảo luận, chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong quá trình thực tiễn triển khai các công tác Mặt trận. Từ đó, Đại hội đã đề ra 8 chỉ tiêu, 3 khâu đột phá và 6 chương trình hành động trong nhiệm kỳ 2024-2029.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà ghi nhận những kết quả mà MTTQ tỉnh Quảng Ninh đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua. Đặc biệt là hoạt động giám sát, phản biện và tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua với nhiều cách làm hay, sáng tạo.
Thời gian tới, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị MTTQ các cấp tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thực hiện đầy đủ, toàn diện tinh thần của Nghị quyết số 43-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”; Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; Quy định số 146-QĐ/TW ngày 14/5/2024 (quy định rất mới) của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ công tác của đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh.
Các ban, ngành, địa phương cần xác định rõ và thực hiện đúng việc tiếp thu, giải trình và phản hồi đầy đủ ý kiến phản biện xã hội của MTTQ đối với dự thảo văn bản, đưa báo cáo phản biện và báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến phản biện vào hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản; gắn việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, phản biện của Mặt trận với đánh giá kết quả công tác, hiệu quả hoạt động của cơ quan, tổ chức và đánh giá cán bộ, công chức, trách nhiệm của người đứng đầu.
Ông Bùi Đức Đoàn
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hạ Long
Để thực hiện tốt vai trò của Mặt trận trong tình hình mới, đặc biệt hoàn thành được hệ thống mục tiêu, chỉ tiêu, những khâu đột phá của nhiệm kỳ tới, trong đó có những chỉ tiêu cao hơn so với chỉ tiêu của Trung ương đề ra; nhiều chỉ tiêu hướng về cơ sở của Quảng Ninh, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà gợi mở 5 vấn đề để Đại hội cùng trao đổi, thảo luận. Trong đó, MTTQ tỉnh Quảng Ninh luôn phải xác định trách nhiệm đồng hành cùng hệ thống chính trị để vượt qua khó khăn, thách thức; luôn biết cổ vũ, động viên mọi tầng lớp nhân dân càng khó khăn, càng phải đoàn kết. Trước hết là phải khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, niềm tin, khát vọng xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Với quan điểm “dân là gốc”, “dân là trung tâm”, MTTQ tỉnh Quảng Ninh cần thực hiện tốt yêu cầu “Cán bộ Mặt trận phải gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến nhân dân” để làm tốt hơn nữa vai trò tập hợp, lắng nghe ý kiến nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Cùng với đó, định kỳ tổ chức các hoạt động đối thoại, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, phối hợp chính quyền giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của nhân dân..
Đối với việc nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, MTTQ tỉnh Quảng Ninh cần lựa chọn nội dung góp ý, giám sát, phản biện xã hội có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Đồng thời, theo sát các kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội; làm tốt việc góp ý xây dựng Đảng và Nhà nước; tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
MTTQ cần phối hợp xây dựng xã, thị trấn, khu dân cư lành mạnh không có tệ nạn ma túy, tệ nạn xã hội; xây dựng các mô hình "Tổ tự quản", "Dòng họ tự quản", "Gia đình tự quản" làm nòng cốt trong xây dựng địa bàn sạch ma túy, không tệ nạn xã hội, hướng đến xây dựng huyện sạch ma túy kiểu mẫu. Cùng với đó, thường xuyên nắm tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết kịp thời; phát huy vai trò của tổ hòa giải ở cơ sở; giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, bất hòa trong nội bộ Nhân dân, về cơ bản không để xảy ra điểm nóng, phức tạp, khiếu kiện đông người, tạo không khí hòa thuận, đoàn kết ở khu dân cư.
Ông Nềnh Quốc Sinh
Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đầm Hà
Phát biểu tại Đại hội, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký đề nghị MTTQ tỉnh và tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, linh hoạt thích ứng với sự thay đổi trong các tầng lớp nhân dân trong bối cảnh chuyển đổi số toàn diện trước tác động cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Đứng trước đòi hỏi cao hơn của người dân về dân sinh, dân trí, dân chủ, MTTQ tỉnh đẩy mạnh hơn nữa các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Ngoài đẩy mạnh giám sát, phản biện xã hội, MTTQ các cấp trong tỉnh cũng tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trước hết cán bộ chủ chốt, chuyên trách làm công tác Mặt trận ở các cấp…
Đại hội đã hiệp thương dân chủ cử 82 người tham gia Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh khóa XII, nhiệm kỳ 2024-2029; thống nhất hiệp thương cử Đoàn đại biểu MTTQ tỉnh Quảng Ninh dự Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 gồm 8 đại biểu chính thức và 1 đại biểu dự khuyết.
Ông Nguyễn Văn Hồi, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh khóa XI, nhiệm kỳ 2019-2024 tái cử chức Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh khóa XII, nhiệm kỳ 2024-2029.