Điện Thái Hòa được khởi công xây dựng vào tháng 2/1805, hoàn thành vào tháng 10/1805. Đây là ngôi điện quan trọng nhất trong Hoàng cung Huế, nơi đặt ngai vàng và nơi đăng quang của 13 vua triều Nguyễn, từ vua Gia Long tới vua Bảo Đại. Ảnh: N.Q. Ngoài ra, điện Thái Hòa cũng là nơi cử hành các nghi lễ quan trọng nhất của triều Nguyễn. Điện Thái Hòa và không gian là biểu tượng cao nhất về uy quyền, một công trình nằm trong Quần thể di tích Cố đô Huế (Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào ngày 11/12/1993). Ảnh: N.Q. Trải qua hàng trăm năm tồn tại, điện Thái Hòa bị xuống cấp nghiêm trọng. Đến cuối tháng 11/2021, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế tiến hành lễ khởi công bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích. Ảnh: N.Q. Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt và bố trí vốn trùng tu năm 2021 từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ, với tổng mức đầu tư trên 128 tỷ đồng. Dự án chính thức được thực hiện từ ngày 23/11/2021 và dự kiến hoàn thành vào 8/2025. Ảnh: N.Q. Dự án có tổng diện tích 7.100 m2, trong đó khuôn viên điện Thái Hòa có tổng diện tích 4.851,3 m2, điện Thái Hòa 1.440 m2, sân Đại Triều Nghi 1.640 m2. Ảnh: N.Q. Hệ khung gỗ, hệ mái, hệ vách ván, cửa bằng gỗ cũng được tu bổ, phục hồi. Ảnh: N.Q. Hiện nay, việc trùng tu điện Thái Hòa vẫn đang được triển khai, hoàn thiện. Ảnh: N.Q. Hệ mái của công trình điện Thái Hòa được lợp ngói hoàng lưu ly và ngói liệt men vàng. Ảnh: N.Q. Những họa tiết hình rồng trên mái điện được làm rất tinh xảo. Ảnh: N.Q. Điện Thái Hòa khi hoàn thành công tác trùng tu hứa hẹn sẽ là điểm đến tham quan hấp dẫn cho du khách khi đến Huế. Trước đó, vào dịp Tết Nguyên đán 2024, dù chưa hoàn thành trùng tu nhưng đơn vị quản lý di tích tiến hành mở cửa điện Thái Hòa để cho du khách tham quan. Ảnh: N.Q.