Sáng ngày 12/3, phóng viên Đại Đoàn Kết Online đã đến xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam chứng kiến và ghi lại hình ảnh rừng ngập mặn ở đây bị chết hàng loạt.
Rừng chết không chỉ làm ảnh hưởng việc ngăn chặn sóng, gió bão vào mùa mưa mà còn ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của thủy sản và sự mưu sinh của người dân địa phương.
Người dân địa phương cho biết, sau những cơn bão liên tiếp cuối năm 2020 hàng chục ha rừng ngập mặn ở địa phương bắt đầu rụng lá rồi chết khô dần dần cho đến nay. Đặc biệt, vào mùa nắng nóng, khiến diện tích cây trồng rừng ngập mặn chết nhanh và lan ra diện rộng.
Bà Trần Thị Cúc ở thôn Đông Xuân, xã Tam Giang cho biết: “Việc rừng ngập mặn chết đã làm ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của các loại thuỷ sản như: tôm, cua, ốc và cá. Cho dù xã đã tổ chức, vận động người dân trồng lại rừng, nhưng diện tích rừng vẫn tiếp tục bị chết”.
Còn ông Phạm Văn Vương, ở thôn Đông Bình, xã Tam Giang cho biết, số lượng cây mắm, cây đước của rừng ngập mặn và nhiều loại cây khác bị chết trên diện rộng, người dân rất đau đớn chứng kiến tình cảnh này nhưng đành bất lực.
“Cánh rừng ngập mặn này vốn được xem là lá chắn sóng gió vào mùa mưa bão và nhiệm vụ chống xói lở dọc bờ sông Trường Giang. Thế nhưng chúng tôi chứng kiến cảnh rừng ngập mặn ngày càng chết dần thật là đau xót. Nguyên nhân vì đâu chúng tôi không biết được, chỉ thấy cuối năm 2020 đến nay số lượng cây bắt đầu khô héo rồi chết dần, đau đớn lắm”, ông Dương chia sẻ.
Ngoài việc rừng chết, rác thải còn bủa vây dọc bìa rừng, bốc mùi hôi thối khiến người dân địa phương rất lo lắng. Không có rừng sóng biển đánh mạnh gây sạt lở dọc tuyến bờ kè ở sông Trường Giang. Rác thải bủa vây ảnh hưởng về môi trường sống.
Theo ông Ngô Đức An, Phó chủ tịch UBND huyện Núi Thành, đến thời điểm này có gần 7 ha rừng bị chết. Chính quyền đã kiến nghị với lãnh đạo tỉnh cũng như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) xin kinh phí để trồng mới lại diện tích rừng bị chết này.
Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết Online, ông Trần Út, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam cho biết: “Trước thực trạng rừng ngập mặn ở xã Tam Giang bị chết, đơn vị đã giao Chi cục Kiểm lâm đã đến hiện trường kiểm tra và báo cáo cụ thể về sự việc này, đồng thời mời Viện TNMT, thuộc Đại học Huế kiểm tra, phân tích, đánh giá rừng ngập mặn bị chết trên góc độ khoa học để xác định nguyên nhân và đưa ra phương án để khắc phục sự cố này”.