Nhiều chuyên gia cho rằng, cần có chính sách khuyến khích người nghiện đi cai nghiện, đồng thời huy động xã hội hóa cùng tham gia để góp phần hạn chế những tội ác do sử dụng ma túy gây ra.
Báo động thảm án do nghiện ma túy
Ra vào trung tâm cai nghiện, bao nhiêu lần Trương Tín (Đồng Nai) hứa quyết tâm, nhưng rồi vẫn tái nghiện. Vào tối 2/5/2019, Tín gây ồn ào ở nhà, bị mẹ và dì ruột la mắng, Tín lấy ma túy ra sử dụng rồi không ngừng đập phá đồ đạc, sau đó cầm dao sát hại bà ngoại, dì ruột và mẹ. Gây án xong, Tín vứt hung khí và rủ bạn đi uống cà phê.
Cũng vì nghiện ma túy, Nguyễn Hoàng Nam (28 tuổi, sống tại TP Hồ Chí Minh) đã ra tay sát hại bà ngoại của vợ, cả bà nội và cha, mẹ ruột.
Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều vụ thảm án do sử dụng ma túy gây ra. Dù đã có nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu số người nghiện ma túy, đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, nhưng tội ác do ma túy trong những năm gần đây vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Số người nghiện ma túy vẫn có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa.
Theo thống kê của Bộ Công an, hiện nay toàn quốc có hơn 246.648 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 11.636 người nghiện (4,7%) so với cuối năm 2020. Trong khi đó, công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện, quản lý sau cai nghiện chưa thực sự có hiệu quả, gây áp lực không nhỏ đến công tác phòng, chống tội phạm ma túy.
Tình hình mua bán lẻ chất ma túy và tổ chức, chứa chấp, lôi kéo người khác sử dụng trái phép ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp. Như các đối tượng đang có xu hướng chuyển địa điểm sử dụng trái phép chất ma túy từ các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh, trật tự (do tạm ngừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19) sang thuê, sử dụng nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn, căn hộ chung cư, resort nghỉ dưỡng cao cấp... Nghiêm trọng như vụ phát hiện đối tượng tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy ngay tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, Bộ Y tế, liên quan bệnh nhân điều trị tâm thần và cán bộ của bệnh viện.
Khuyến khích người cai nghiện tự nguyện
Cai nghiện ma túy được xem là giải pháp hiệu quả nhằm giảm tội phạm từ ma túy, tuy nhiên theo đánh giá của Bộ LĐTB&XH, có nhiều quy định về cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng không còn phù hợp. Hiện nay tại các địa phương chủ yếu chỉ thực hiện hoạt động cắt cơn, giải độc, sau thời gian ngắn, người cai nghiện lại tiếp tục tái nghiện; chưa thực hiện các giai đoạn khác như tư vấn, giáo dục phục hồi hành vi nhân cách, dạy nghề, hỗ trợ tạo việc làm cho người nghiện ma túy khi tham gia cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.
Bên cạnh đó, việc giao người nghiện cho gia đình quản lý không hiệu quả, nhất là đối với người nghiện mới ra tù; có tiền án, tiền sự; người bị nhiễm HIV/AIDS... do đó gia đình không thể quản lý được, hoặc người nghiện có hành vi quậy phá, hành hung người thân trong gia đình, nên người thân trong gia đình không dám cam kết giữ; có trường hợp cả gia đình đều đi tù, ly tán hoặc làm ăn xa không có mặt ở địa phương.
Từ những vướng mắc trên, các chuyên gia cho rằng cần sớm nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy (gộp với Nghị định quy định chế độ áp dụng, thi hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc).
Trong đó, cần nghiên cứu bổ sung sửa đổi một số các điểm như: Cần miễn phí cho người tự nguyện, xác định tình trạng nghiện để khuyến khích người nghiện ma túy phát hiện tình trạng nghiện bản thân để có những phác đồ điều trị kịp thời.
Tại hội thảo trực tuyến góp ý Dự thảo Nghị định cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy; hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy do Bộ Y tế tổ chức mới đây, nhiều đại biểu cũng cho rằng, chi phí điều trị và cắt cơn nghiện là cản trở đối với người tự nguyện cai nghiện. Trong khi đó đa phần người nghiện ma túy đều là những người nghèo, không có điều kiện về kinh tế.
Do đó cần có chính sách hỗ trợ xác định tình trạng nghiện miễn phí để khuyến khích người nghiện đi sàng lọc, xét nghiệm về tình trạng nghiện để sớm có giải pháp cai nghiện. Thực tế nhiều người không biết tình trạng nghiện của mình chỉ biết khi ở giai đoạn nặng khi đó công tác cai nghiện gặp rất nhiều khó khăn.