Quốc hội

Cần chú ý đến bệnh bạch hầu và dịch bệnh mới

Việt Thắng 10/07/2024 16:39

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, qua tiếp xúc cử tri thấy Nhân dân lo lắng về bệnh bạch hầu gây chết người.

Ngày 10/7, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 5 và 6/2024.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, qua tiếp xúc cử tri thấy Nhân dân lo lắng về bệnh bạch hầu gây chết người. Qua trường hợp phát hiện tại Bắc Giang thấy rất lo lắng khi bệnh gây chết người, lây qua tiếp xúc. Do đó dư luận và Nhân dân quan tâm đến dịch bệnh mới, đề nghị báo cáo của Ban Dân nguyện cần quan tâm thêm đến vấn đề này.

202407101010197812_dsc_6035.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu.

Bà Thanh kiến nghị, trong tháng 6 vừa qua có kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam, trong xu hướng bạo lực gia đình có bạo lực trẻ em. Đó là nội dung rất cần được quan tâm và tổng hợp nêu trong tình hình chung về nỗi băn khoăn lo lắng của cử tri và Nhân dân cả nước.

Về tình hình khiếu nại tố cáo, bà Thanh đánh giá trong tháng 5, tháng 6 tình hình khiếu nại tố cáo, phản ánh có chiều hướng tăng so với tháng 4 về số lượt, số vụ. Do đó cần phân tích lý do nguyên nhân tăng, lĩnh vực tăng để giải quyết và các cấp các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.

Đối với việc tiếp nhận và xử lý đơn thư của Quốc hội, theo bà Thanh, qua phân loại có 919 đơn đủ điều kiện xử lý, 4.639 đơn không đủ điều kiện xử lý. Vì đơn không đủ điều kiện xử lý nên không xử lý nhưng cũng là con số tiềm ẩn vấn đề người dân không hiểu hết các quy trình để phản ánh. Vì vậy cần nghiên cứu để hiểu được bản chất tỷ lệ khoảng 80% đơn không đủ điều kiện xử lý là như thế nào, để hiểu thực tế cuộc sống mà người dân gửi đến Quốc hội. “Công tác dân nguyện đã đi vào nề nếp thì cần ngày càng đi vào thực chất hơn, khai căn được nhiều vấn đề, cử tri gửi đến sát thực tiễn hơn” - bà Thanh nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng kiến nghị, khi nhận được đơn trả lời của các cơ quan có thẩm quyền cần tiến tới việc đánh giá xem người nhận được đơn trả lời đồng tình với cơ quan trả lời đạt tỷ lệ bao nhiêu? Và tái khiếu nại tố cáo lại đơn đã trả lời của cơ quan có thẩm quyền là bao nhiêu? Qua đó chúng ta thấy được người dân đồng tình với đơn trả lời là bao nhiêu? Do đó cần tiếp tục nâng cao chất lượng việc tổng hợp, phân tích cũng như có cách làm từng bước nâng cao chất lượng công tác dân nguyện theo đề án của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về các kiến nghị, bà Thanh đề nghị bổ sung thêm việc trong lĩnh vực y tế ngoài đảm bảo cung cấp thuốc, BHYT cho người bệnh thì cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền và tăng cường công tác dịch tễ. Tức là khi có dấu hiệu bệnh nguy hiểm lây lan thì sớm có biện pháp dịch tễ để tuyên truyền, khống chế, tránh việc lây lan dịch bệnh.

202407101013412915_dsc_6062.jpg
Ông Y Thanh Hà NiêKđăm phát biểu.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà NiêKđăm phản ánh về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, và hoá chất xét nghiệm trong Danh mục chi trả BHYT tại một số nơi, kể cả miền núi, người dân đi khám chữa bệnh chưa đảm bảo, phải mua bên ngoài bổ sung.

“Bộ trưởng Bộ Y tế đã trả lời trước Quốc hội và khẳng định đến giờ không thiếu và cơ chế chính sách đảm bảo cho việc các bệnh viện thực hiện. Vậy tại sao các bệnh viện lại chưa giải quyết được vướng mắc trên, ảnh hưởng đến người dân hộ nghèo, hộ cận nghèo? Khám có thẻ nhưng không có thuốc phải mua thuốc bên ngoài thì ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của họ rất lớn. Cái này Chính phủ cần quan tâm và có các biện pháp rất cụ thể để xem do trách nhiệm của Bộ Y tế hay thiếu thuốc do khách quan?” - ông Y Thanh Hà NiêKđăm nói.

Ông Y Thanh Hà NiêKđăm cũng phản ánh, trong triển khai hạ tầng số cần xem xét lại đầy đủ việc triển khai. Mặc dù hướng tới Chính phủ số, xã hội số nhưng điều kiện về hạ tầng giao thông đang còn khó, hạ tầng viễn thông còn hạn chế. Thậm chí đẩy mạnh xã hội không dùng tiền mặt, khuyến khích trả lương qua thẻ dẫn đến tình trạng một số đối tượng chính sách, đối tượng người có công sống ở một số thôn, bản, buôn được trả lương qua thẻ nhưng không rút tiền được vì không có cây ATM.

“Đi rút tiền họ phải đi rất xa. Đây là cái cần quan tâm dù theo quy định cho phép trả qua thẻ hoặc thông qua bưu điện. Mong muốn là tốt nhưng trong cách thực hiện có thể chưa đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện nên dẫn đến cái hướng đến lại gây khó khăn cho một bộ phận người dân. Đây là vấn đề cần quan tâm” - ông Y Thanh Hà NiêKđăm nói và đề nghị Chính phủ, Bộ Thông tin và truyền thông cần đánh giá kỹ Dự án 10 trong Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Đến nay dự án này cơ bản chưa giải ngân được đồng nào. Nó ảnh hưởng lớn tới các địa phương và việc thực hiện các nội dung này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần chú ý đến bệnh bạch hầu và dịch bệnh mới