Ngày 8/1, phát biểu Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác dân vận năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị Ban Dân vận Trung ương tiếp tục nghiên cứu để có nội dung, cách thức, mô hình thực hiện công tác dân vận trên không gian mạng.
Bày tỏ tán thành nhất trí cao với dự thảo báo cáo tổng kết công tác dân vận năm 2023 và nhiệm vụ công tác dân vận năm 2024, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà nêu rõ, năm 2023 mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức nhưng đất nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng toàn diện trên các lĩnh vực. Đó là thành quả chung của sự chung sức đồng lòng của toàn đảng, toàn dân và toàn quân trong đó có sự đóng góp quan trọng của công tác dân vận của cả hệ thống chính trị.
Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà, trong năm qua quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị ban hành theo Quyết định số 23-QĐ/TW của Bộ Chính trị được triển khai thực hiện ngày càng đồng bộ, toàn diện, hiệu quả và thực chất hơn. Quyền làm chủ của nhân dân được coi trọng, vai trò của nhân dân trong tham gia quyết định các chính sách được phát huy và công tác dân vận đã đi vào những vấn đề thiết thực của cuộc sống.
Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng được thực hiện tốt hơn, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện ngày càng tốt việc tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, kịp thời giải quyết những kiến nghị, bức xúc của cử tri và nhân dân. Trong năm 2023, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đã có 13.320 cuộc trực tiếp lắng nghe ý kiến của Mặt trận và do Mặt trận 3 cấp ở địa phương tổ chức.
Công tác dân vận chính quyền đi vào giải quyết những vấn đề hết sức thiết thực đối với nhân dân như vấn đề nâng cao kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, cải cách nền hành chính công vụ. Trong báo cáo của Chính phủ, trong năm Chính phủ và chính quyền các địa phương đã cắt giảm hàng nghìn thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân.
Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức bộ máy, nội dung, phương thức hoạt động nhất là trong công tác tuyên truyền vận động, tập hợp, tạo sự đồng thuận, khơi dậy tình cảm trách nhiệm, tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường của dân tộc; bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân; tăng cường giám sát phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, đối với chế độ xã hội chủ nghĩa.
Nổi bật là sự chủ động, nỗ lực trong thực hiện hiệu quả các chương trình phối hợp hành động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên. Trong năm, hệ thống Mặt trận các cấp đã thực hiện hơn 15 nghìn cuộc giám sát thông qua giám sát trực tiếp và giám sát bằng văn bản; gửi gần 12 nghìn văn bản phản biện xã hội.
Riêng đối với Luật Đất đai (sửa đổi) Trung ương MTTQ Việt Nam đã thu về 8,3 triệu lượt ý kiến của các tổ chức, cá nhân góp ý; Quỹ Vì người nghèo và an sinh xã hội huy động được 7.739 tỷ đồng và hỗ trợ giúp đỡ sửa chữa xây mới hơn 56 nghìn căn nhà. Đề án vận động hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên, kể từ khi phát động đến nay đã hoàn thành và bàn giao 4.888 ngôi nhà, chỉ còn 112 ngôi nhà đang làm và sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
“Nhân hội nghị này, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; cảm ơn các địa phương, bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mặc dù trong bối cảnh rất khó khăn sau đại dịch song đã rất trách nhiệm, nghĩa tình kịp thời đóng góp ủng hộ”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ và cho biết, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã chính thức thống nhất sẽ phát động phong trào thi đua về xóa nhà tạm, nhà dột nát trong thời gian tới và giao cho MTTQ Việt Nam chủ trì. MTTQ Việt Nam rất mong nhận được sự quan tâm chung tay của tất cả các cấp, các ngành đối với một phong trào rất nhân văn, có ý nghĩa lan tỏa sâu sắc này.
Góp ý đối với nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, các quan điểm chủ trương các văn bản để thể chế về công tác dân vận là tương đối đầy đủ, đề nghị Ban Dân vân Trung ương tiếp tục tham mưu để tổ chức thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn các cơ chế sẵn có nhất là công tác dân vận chính quyền; phát huy vai trò của hội đồng quần chúng; đảm bảo chế độ làm việc định kỳ giữa cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội theo Quyết định số 23 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị.
Nhấn mạnh cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội rất nhiều vấn đề mới đang đặt ra đối với công tác dân vận trong tình hình mới, nhất là công tác dân vận trên không gian mạng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị Ban Dân vận Trung ương tiếp tục nghiên cứu để có nội dung, cách thức mô hình thực hiện công tác dân vận trên không gian mạng, cũng như những vấn đề mới đang đặt ra đối với công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay