Điện ảnh Việt từ đầu năm đến nay bên cạnh số ít phim có doanh thu phòng vé ấn tượng cũng ghi nhận rất nhiều bộ phim thảm bại về doanh số. Cuộc đua doanh số phòng vé luôn khắc nghiệt, sau đại dịch Covid-19 lại có thêm nhiều thách thức, đòi hỏi nhà làm phim phải tìm ra giải pháp mới để giúp điện ảnh nước nhà vươn xa.
Thất bại thảm hại
2022 là năm đánh dấu sự trở lại của thị trường điện ảnh sau thời gian dài im ắng vì Covid-19. Các dự án Việt lần lượt ra rạp, trong đó phải kể đến: “Em và Trịnh”, “Vô diện sát nhân”, “578: Phát đạn của kẻ điên”, “Maika: Cô bé đến từ hành tinh khác”, “Huyền sử Vua Đinh”, “Hạnh phúc máu”… mang đến cho khán giả nhiều lựa chọn giải trí.
Tuy nhiên, ngoài “Em và Trịnh” đạt doanh thu gần 100 tỷ và “Hạnh phúc máu” - phim đang phát sóng có tín hiệu tốt thì những bộ phim còn lại đều rơi vào cảnh đìu hiu, ế ẩm.
Vực dậy sau đại dịch Covid-19, dự án phim với đa dạng đề tài lần lượt ra mắt cho thấy nỗ lực của ekip, đạo diễn. Các bộ phim như “578: Phát đạn của kẻ điên”, “Kẻ thứ ba””, “Maika - cô bé đến từ hành tinh khác”… được đầu tư với doanh thu lên đến hàng chục tỷ đồng.
Ra mắt khán giả vào cuối tháng 5, phim giả tưởng Việt - ““Maika - cô bé đến từ hành tinh khác” gây tiếc nuối vì doanh thu thấp. Theo Box Office - đơn vị quan sát phòng vé độc lập, sau 10 ngày ra rạp, phim thu về hơn 4,6 tỷ đồng.
Tương tự, phim kinh dị "Virus cuồng loạn" (đạo diễn Nguyễn Ngọc Nhất Duy) rơi vào tình trạng tương tự khi chỉ thu về hơn 157 triệu đồng. Thống kê từ Box Office Vietnam - đơn vị kiểm toán doanh thu phòng vé độc lập, so với mức kinh phí công bố gần 8 tỷ đồng, con số này là một thất bại nặng nề, khó giúp ê-kíp thu hồi vốn.
Mới nhất là phim lấy đề tài lịch sử “Huyền sử vua Đinh” của đạo diễn Anthony Võ. Sau 5 ngày công chiếu, nam đạo diễn công bố, bộ phim chỉ thu về 39 triệu đồng, trở thành một trong những tác phẩm có doanh thu thấp trong lịch sử điện ảnh Việt Nam.
Cần thay đổi để vươn xa
Nhìn về những thất bại của nền điện ảnh nước nhà trong năm 2022, đa phần những đạo diễn, nhà làm phim chỉ biết thở dài ngao ngán vì buồn và thất vọng.
Đạo diễn Ngô Quang Hải cho rằng, những năm gần đây, phim Việt có doanh thu tăng dần vì nhu cầu được giải trí về tinh thần của con người tăng cao. Tuy nhiên, các rạp chiếu phim tại Việt Nam đang gặp rào cản khi bị nước ngoài thôn tính thị phần (chiếm khoảng 70%).
Dành thời gian để nghiên cứu thị trường phim Việt, đạo diễn “Nhà của Pao” chia sẻ: “Theo số liệu 2019 thì có khoảng trên dưới 300 phim nước ngoài và trên dưới 50 phim Việt chiếu trên thị trường. Như vậy trung bình cứ có 1 phim Việt và sẽ có 5 phim nước ngoài ra mắt/ tuần. Tuy nhiên, thực tế chỉ có khoảng hơn 5 phim Việt thực sự có lời nhiều, phần còn lại lời ít hoặc lỗ, thị phần phim Việt chỉ chiếm 25% trên tổng doanh số. Như vậy nhu cầu xem phim Việt là cao.
Thế nhưng, thị trường và nhu cầu xem phim Việt đi nhanh hơn đào tạo, khâu kịch bản hiện nay cũng thiếu, vì vậy nên đạo diễn làm nhiều phim remake của Hàn, Âu, Mỹ. Tuy nhiên, việc làm chưa tới, chưa chín muồi hoặc người làm phim không hiểu thấu đáo nên nhiều khán giả không mặn mà với phim Việt. Bên cạnh đó, trình độ khán giả và thị hiếu bây giờ khác xưa nhưng thời nào thì người làm phim cần nắm vững những kiến thức cơ bản trước khi bắt tay vào làm tác phẩm của mình".
Cùng quan điểm, đạo diễn, NSƯT Đỗ Đức Thành - người đứng sau thành công của nhiều bộ phim truyền hình nổi tiếng chỉ cười và nói: “Điện ảnh Việt cũng ảm đạm như Covid-19”.
Theo NSƯT Đỗ Đức Thành, sở dĩ nhận xét như vậy, nói một cách phiến diện, anh cho rằng, phim Việt đang yếu và thiếu, đòi hỏi cơ quan chủ quản phải có cách nhìn chiến lược, đầu tư dài hạn, mọi đánh giá cần nhìn nhận rõ từ nguyên nhân sâu xa để tìm ra hướng giải quyết.
“Câu chuyện ở đây liên quan đến tư duy của Chính phủ, các cơ quan đầu ngành. Bởi không chỉ là trang thiết bị, kỹ thuật vì những yếu tố này sẽ được cập nhật rất nhanh… chỉ cần chúng ta có tiền. Yếu tố tiên quyết của vấn đề là sự đầu tư quan trọng, để đảm bảo hoàn thành chiến lược dài hạn góp phần đưa điện ảnh Việt vươn xa và phát triển mạnh mẽ”, NSƯT Đỗ Đức Thanh nói.
NSƯT Đỗ Đức Thành cho rằng: “Tất cả những nỗ lực được biểu hiện ở sự tâm huyết, đầu tư của nhà làm phim, đơn cử như bộ phim “Tro tàn rực rỡ” vừa nhận giải cao nhất Montgolfière d'Or tại LHP Ba châu lục 2022. Bộ phim cho thấy đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã rất tâm huyết và trăn trở với những tác phẩm của mình.
Điện ảnh Việt ảm đạm là do sản phẩm chưa đủ sức hút với khán giả, tâm lý nhà làm phim e dè sau Covid-19, việc thắt chặt chi tiêu cũng là một nguyên nhân khiến các rạp phim thất bát.
Nhà làm phim muốn thay đổi nền điện ảnh là rất khó bởi họ chỉ có cái đầu và tình yêu mà thôi. Sự thay đổi cốt lõi đến từ các cơ quan, ban, ngành, Cục Điện ảnh, phải thay đổi tư duy để ngành điện ảnh phát triển".