Nếu xử lý nghiêm thì hành vi quảng cáo sai sự thật của một số nghệ sĩ thời gian vừa qua chắc chắn sẽ hạn chế.
Quy định pháp luật đã rất rõ ràng về hành vi gian lận, quảng cáo sai sự thật sẽ bị xử lý. Luật Quảng cáo quy định rõ đối với hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo: Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố. Tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.
Luật Bảo vệ người tiêu dùng cũng đã quy định rõ về trách nhiệm đối với bên thứ 3 khi cung cấp thông tin hàng hóa cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.
Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 13 đã nêu rất rõ về trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp thông tin cho người tiêu dùng thông qua bên thứ ba thì bên thứ ba có trách nhiệm: Bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ được cung cấp; Yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp chứng cứ chứng minh tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ; Chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ, trừ trường hợp chứng minh đã thực hiện tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ; Tuân thủ các quy định của pháp luật về báo chí, pháp luật về quảng cáo.
Vậy thì, khi các nghệ sĩ tham gia quảng cáo sản phẩm cho một nhãn hàng thì họ phải chịu trách nhiệm liên đới nếu cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ. Thế nhưng, bấy lâu nay, mỗi khi nghệ sĩ bị tố quảng cáo sai sự thật thì cũng chỉ có sự phản ứng quyết liệt từ phía dư luận xã hội. Còn ở góc độ quản lý nhà nước lại cho thấy sự lỏng lẻo. Minh chứng cho điều đó là chưa có bất cứ nghệ sĩ nào bị xử phạt về hành vi này.
Quảng cáo sai bị xử phạt thường chỉ thấy ở loại hình báo chí. Trong khi đó trên các mạng xã hội quảng cáo sai sự thật lại tràn lan mà ít khi thấy bị xử lý.
Sau khi dư luận xã hội phản ứng mạnh mẽ về hành vi nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật rất nhiều thì Bộ VHTTDL đã có văn bản yêu cầu lãnh đạo các đơn vị quản lý các nghệ sĩ, diễn viên (công lập và ngoài công lập) về việc sẽ xử lý trách nhiệm nếu có sai phạm.
Bên cạnh việc xử phạt hành chính nghệ sĩ vi phạm, rất cần thiết xử lý đến các cơ quan, tổ chức là chủ sở hữu của các quảng cáo. Bởi vì chính họ là người đã thẩm định nội dung, hình ảnh, âm thanh cho sản phẩm của mình.