Văn hóa

Cần hướng ống kính sâu hơn vào hiện thực cuộc sống

Phạm Sỹ 25/03/2024 07:15

Những năm qua, tại các cuộc thi, triển lãm ảnh có sự vượt trội về số lượng nhưng chất lượng thì còn nhiều điều phải bàn. Vẫn có không ít tác phẩm cho thấy lối mòn trong tư duy.

anhbaitren(2).jpg
Công chúng thưởng lãm các tác phẩm xuất sắc cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 12 tại Việt Nam năm 2023. Ảnh: An Nhi.

Đi theo lối mòn

Mỗi năm có 8 cuộc thi ảnh cấp khu vực do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA) bảo trợ. Song song với các cuộc thi ảnh cấp tỉnh, thành, khu vực, còn có cuộc thi ảnh quốc tế Việt Nam do VAPA tổ chức vào năm lẻ...

Thực tế trên đã dẫn đến một số vấn đề tồn tại. Các cuộc thi ảnh nghệ thuật liên tiếp được tổ chức hàng năm khiến ảnh dự thi bị trùng lặp, các tác giả không đủ thời gian để đầu tư và tư duy sáng tác những tác phẩm nhiếp ảnh mới. Những tay máy ở cùng địa phương, cùng câu lạc bộ nhiếp ảnh, cùng đơn vị thường đi sáng tác chung. Kết quả là nội dung ảnh bị trùng khá nhiều.

Có một thực trạng ở nhiều cuộc thi ảnh, đó là vẫn con người cũ, cảnh vật cũ, sự việc cũ, sự kiện cũ, cùng một mô-típ thể hiện, thậm chí ảnh đã từng tham gia triển lãm và đã đạt giải năm trước vẫn tiếp tục gửi đến dự thi. Có trường hợp tác phẩm đã đoạt huy chương từ cuộc thi Ảnh nghệ thuật toàn quốc từ vài năm trước lại gửi dự thi tiếp.

Ý tưởng trong hầu hết các bức ảnh được chọn tại nhiều cuộc triển lãm không mới. Nhiều chủ đề và bối cảnh đã vô cùng quen thuộc với công chúng Việt Nam như gánh hàng qua đồi cát, tung lưới... hay cảnh lao động thô sơ theo kiểu “nghèo mà đẹp”, làng quê mang dáng vẻ xưa cũ, ảnh chân dung, ảnh các bé đang vui chơi… Hay những bức ảnh chân dung người già với lối đặc tả làn da nhăn nheo nhuốm màu thời gian cũng xuất hiện khá nhiều tại triển lãm.

Theo nhìn nhận của một số nghệ sĩ nhiếp ảnh, từ các cuộc thi, triển lãm, ảnh được giải thưởng nhiều năm qua sẽ thấy rõ hình ảnh có nội dung, đề tài giống nhau, địa điểm giống nhau, khung cảnh, bố cục giống nhau, thậm chí cái tên ảnh cũng na ná nhau. Cứ hễ thấy người trước chụp khung cảnh này đẹp là đua nhau tìm đến để chụp, dàn dựng sao cho giống người trước, tại các cuộc thi nhiều ảnh dàn dựng được giải thưởng.

Gần đây nhiều ảnh bộ được đăng quang kéo theo nhiều nhiếp ảnh gia, nghệ sĩ nhiếp ảnh tập trung chụp ảnh bộ, hy vọng nhận được giải thưởng qua các cuộc thi. Để rồi các bức ảnh ra đời lặp đi lặp lại mà không có sự đột phá, sáng tạo, xa rời thực tế, gây nhàm chán.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Trần Phong - Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật (Hội NSNA Việt Nam) đã chỉ ra rằng, lối mòn đáng lưu ý là chụp lại theo mô-típ tác phẩm đã đoạt giải hoặc triển lãm. Khi xuất hiện một nhân vật mẫu mới, sự việc mới thành công tại một cuộc thi là ngay sau đó nhân vật và sự kiện này được một số tay máy bám theo để chụp lại. Một loạt tác phẩm na ná như thế tiếp tục xuất hiện tại các cuộc thi.

Đồng quan điểm, NSNA Lưu Quang Phổ - Phó trưởng Ban Lý luận phê bình nhiếp ảnh đã chỉ ra nguyên nhân dẫn đến nhiều cuộc triển lãm ảnh vắng khách. “Chúng ta cứ trách công chúng tại sao không đến xem triển lãm, nhưng hình như chưa nghiêm túc đặt ra câu hỏi mình đã triển lãm cái gì. Tôi chắc rằng nếu về nhà và giở lại những sách ảnh còn lưu trữ, chúng ta sẽ thấy các tác phẩm của cuộc thi, triển lãm năm sau không khác năm trước là bao. Thậm chí năm nay có ảnh nào được coi là mới thì năm sau sẽ có cái tương tự, chỉ đẹp hơn, nét hơn nhờ tiến bộ kỹ thuật hoặc người đi sau họ dày công hơn” - ông Phổ nhấn mạnh.

Cần có hướng đi riêng

Trong những năm vừa qua, mặc dù Hội NSNA Việt Nam và các tổ chức văn hóa văn nghệ thuật khác đã trao nhiều giải thưởng nhưng hầu như các tác phẩm được trao giải rất mau chìm vào quên lãng. Cần có sự thay đổi tiêu chuẩn, tiêu chí về một tác phẩm ảnh chất lượng. Cụ thể, một tác phẩm tốt phải là tác phẩm có những tìm tòi bứt phá trong ý tưởng, thông điệp; có những tìm tòi mới trong bố cục với những góc máy sáng tạo

Theo NSNA Trần Phong, trong sáng tạo nghệ thuật, người cầm máy cần tìm cho mình hướng đi riêng, và điều quan trọng là không lặp lại chính mình, không lặp lại người khác. Người thẩm định ảnh cần có sự đổi mới, luôn cập nhật thông tin, giàu vốn ảnh để có sự đánh giá chuẩn mực, đúng hướng góp phần nâng cao chất lượng ảnh. Tránh lối mòn trong ảnh nghệ thuật - vấn đề đặt ra không chỉ đối với người sáng tác mà còn đối với người thẩm định.

Còn NSNA Nguyễn Đức Toàn cho rằng, để có nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật chất lượng cao, người sáng tác cần đặt yếu tố con người trong tác phẩm sáng tạo của mình một cách sâu sắc, khai thác nhân tố đó, đào sâu tìm tòi sáng tạo hơn nữa để tác phẩm ảnh mang hơi thở của của cuộc sống, lấy cuộc sống con người làm trung tâm của nguồn cảm hứng sáng tạo, bằng những thủ pháp nghệ thuật, hướng ống kính đi sâu hơn vào hiện thực cuộc sống con người…

Đồng quan điểm, ThS. Trần Thị Thu Đông - Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam cho rằng, cần khuyến khích NSNA dấn thân vào những chủ đề mới lạ và thách thức. Sự đổi mới này không chỉ đến từ việc khám phá các địa điểm chụp ảnh mới mẻ mà còn từ việc tiếp cận những góc nhìn, cách thức biểu đạt và kỹ thuật sáng tạo không giới hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần hướng ống kính sâu hơn vào hiện thực cuộc sống