Nên chuẩn bị một số thuốc và vật dụng để có thể sử dụng trong trường hợp không may mắc Covid-19 khi đi du lịch
Theo SKĐS, dù không mong muốn, chúng ta có thể gặp rắc rối về mặt sức khỏe trong khi đi du lịch, khiến chuyến đi không trọn vẹn. Do đó, tốt nhất bạn nên chuẩn bị một số loại thuốc dưới đây để giúp ứng phó vấn đề thường gặp nhất.
Thuốc chống say xe cần thiết khi đi du lịch
Say tàu xe là nỗi ám ảnh của nhiều người khi di chuyển trên các phương tiện ô tô, tàu, máy bay… Sử dụng thuốc chống say xe có thể giúp bạn kiểm soát các triệu chứng buồn nôn, nôn, chóng mặt, đổ mồ hôi lạnh… do say tàu xe gây ra.
Một số loại thuốc kháng histamin như dimenhydrinate, diphenhydramine, promethazine, meclizine... đường uống thường được sử dụng để dự phòng say tàu xe. Tuy nhiên, thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn ngủ, khô miệng, mờ mắt…
Bên cạnh đó, có thể sử dụng miếng dán chống say tàu xe chứa thành phần kháng cholinergic để chống say xe. Lưu ý, cần dán sau tai, trước giờ khởi hành 4 tiếng để đạt hiệu quả tốt nhất.
Thận trọng khi sử dụng thuốc say xe đồng thời với paracetamol, ibuprofen vì một số thuốc chống say xe có thể tương tác với các thuốc này.
Thuốc giảm đau, hạ sốt, an thần nhẹ
Nên mang theo thuốc paracetamol để hạ sốt, giảm đau trong trường hợp cần thiết. Khi sử dụng, cần lưu ý tuân thủ liều lượng thuốc và thời gian sử dụng, tránh trường hợp quá liều dẫn đến những tác dụng phụ khó lường trên gan, thận.
Việc bị rối loạn giấc ngủ khi đi du lịch không phải là hiếm gặp. Để đảm bảo sức khỏe, bạn nên xin ý kiến bác sĩ, chuẩn bị sẵn một số loại thuốc an thần có nguồn gốc thảo dược giúp có giấc ngủ ngon.
Thuốc tiêu hóa
Có thể gặp phải các triệu chứng như đầy hơi, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, táo bón… trong khi đi du lịch. Do đó, bạn nên chuẩn bị trước:
Dung dịch bù nước và điện giải: Sử dụng khi bị tiêu chảy, nôn, đi ngoài nhiều để phòng tránh mất nước. Nên ưu tiên dạng gói bột có thể mang theo thuận tiện hơn.
Thuốc "cầm" tiêu chảy như loperamid...
Thuốc trị táo bón như: Duphalac, sorbitol…
Giảm triệu chứng đầy hơi, ợ hơi do tích hơi có thể dùng trà gừng hoặc các loại thuốc có chứa simethicone dạng viên uống hoặc dạng nhỏ giọt...
Men vi sinh cung cấp lợi khuẩn đường ruột, dùng khi bị rối loạn tiêu hóa.
Thuốc chống dị ứng
Dị ứng thời tiết, dị ứng thức ăn hay bị côn trùng đốt là những vấn đề hay gặp khi đi du lịch.
Các loại thuốc chống dị ứng dạng viên hoặc dạng kem, gel bôi ngoài da, thường chứa thành phần như loratadin, desloratadin, cetirizin hay fexofenadin… có thể sử dụng để giảm cảm giác ngứa ngáy, nổi mẩn, sưng húp mắt và chảy nước mũi do dị ứng thức ăn, phấn hoa, thời tiết…
Tác dụng phụ của thuốc chống dị ứng có thể gây buồn ngủ. Một số thuốc cần thận trọng khi sử dụng cho trẻ em và phụ nữ có thai. Do đó cần tham khảo ý kiến dược sĩ trước khi mua thuốc.
Thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi
Nên chuẩn bị nước muối sinh lý để nhỏ mắt, nhỏ mũi cho chuyến đi, đặc biệt là những thời điểm giao mùa.
Có thể chuẩn bị thêm thuốc nhỏ chống khô mắt, cung cấp vitamin cho mắt, thuốc điều trị đau mắt đỏ, thuốc co mạch chống ngạt mũi…
Thuốc điều trị bệnh cá nhân nếu có
Nếu đang điều trị một bệnh nào đó, ví dụ như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh xương khớp, dạ dày… người bệnh cần lưu ý mang đủ liều thuốc để sử dụng trong suốt chuyến đi. Đảm bảo tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ, sử dụng thuốc đúng liều lượng, đúng thời điểm để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Một số vật dụng cần thiết để sơ cứu
Nước muối sinh lý, bông, kéo, băng cá nhân (như urgo), băng chun, oxy già, cồn 70 độ, cồn i-ốt…
Để phòng ngừa Covid-19, người dân cần tiêm phòng vaccine mũi nhắc lại để bảo vệ bản thân và những người xung quanh. Đồng thời, luôn áp dụng các biện pháp an toàn như đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay sát khuẩn… để tránh lây nhiễm. Nên chuẩn bị một số thuốc và vật dụng để có thể sử dụng trong trường hợp không may mắc Covid-19 khi đi du lịch: Khẩu trang, dung dịch sát khuẩn tay, nhiệt kế, máy đo SpO2, test nhanh Covid-19. Thuốc hạ sốt, thuốc giảm ho, thuốc nhỏ mắt nhỏ mũi, các loại viên ngậm và dung dịch sát khuẩn để giảm đau họng, các dung dịch bù điện giải đường uống.
Phòng tránh ngộ độc thực phẩm khi đi du lịch
Ngộ độc thực phẩm là tình trạng bệnh lý do sự tiếp xúc với các loại thực phẩm hoặc đồ uống chứa độc tố gây hại cho cơ thể con người. Các loại độc tố này có thể được sản xuất bởi vi khuẩn, virus, nấm, các chất hóa học...
Ngộ độc thực phẩm có thể gây ra các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sốt, và có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn nếu không được xử lý kịp thời. Đây là vấn đề xảy ra phổ biến khi đi du lịch. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bao gồm:
Thực phẩm không được chế biến đúng cách: Đôi khi, các nhà hàng hoặc quán ăn không tuân thủ các quy định vệ sinh thực phẩm hoặc không chế biến thực phẩm đúng cách, dẫn đến sự lây lan của vi khuẩn và chất độc tố trong thực phẩm.
Tiếp xúc với nguồn nước không an toàn: Nước uống không an toàn, đặc biệt là ở những nơi chưa được xử lý hoặc có nhiều vi khuẩn, cũng có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm.
Thay đổi chế độ ăn uống: Khi đi du lịch, có thể ăn uống các loại thực phẩm mà cơ thể không quen thuộc, gây ngộ độc thực phẩm.
Bất cẩn khi lưu trữ thực phẩm: Nếu thực phẩm không được lưu trữ ở nhiệt độ đúng hoặc được đóng gói và vận chuyển đầy đủ, nó có thể trở nên ôi thiu và gây ngộ độc thực phẩm.
Để giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm khi đi du lịch, nên tuân thủ các quy định vệ sinh thực phẩm, tránh uống nước không an toàn và chỉ ăn uống các loại thực phẩm chế biến đúng cách. Mang theo thuốc và dùng khi cần thiết. Không uống rượu quá nhiều, tránh sử dụng nước giải khát không đảm bảo nguồn gốc.
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào như đau bụng, tiêu chảy hoặc buồn nôn, hãy tìm bác sĩ hoặc nhân viên y tế địa phương để được điều trị kịp thời. Ngoài ra, cũng nên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và các khuyến cáo sức khỏe của địa phương nơi đến, và tuân thủ các quy định liên quan để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh.