Thông tin mới nhất về kỳ thi THPT quốc gia 2017 là Bộ GD-ĐT sẽ không công bố đề thi, đáp án sau khi kết thúc môn thi như trước đây. Điều này đang gây lên những ý kiến trái chiều trong dư luận. Cho tới thời điểm này, có thể hiểu kỳ thi THPT năm 2017 chỉ có duy nhất môn Ngữ văn được công bố đáp án sau khi thí sinh thi xong như mọi năm, còn lại các bài thi trắc nghiệm sẽ không công bố đáp án.
Một kỳ thi không được công bố công khai đáp án sẽ không đảm bảo sự minh bạch, khách quan.
Lý giải về việc này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho rằng, ở các nước nói chung, nguyên tắc của bài thi chuẩn hóa là không công bố đề và đáp án. Hơn nữa, các câu hỏi thi năm nay có thể tiếp tục còn được dùng cho kỳ thi các năm kế tiếp, nên không thể công bố.
Như vậy, có thể hiểu trừ môn Ngữ văn tự luận, 45.000 câu hỏi trong ngân hàng đề thi cho đến thời điểm này sẽ được dùng trong nhiều năm tới và nếu thí sinh vào phòng thi xong mà ra về không nhớ nổi câu hỏi nào để phát tán, thì 45.000 câu hỏi ấy vẫn ở trong vòng “bí mật”. Điều đáng nói là việc thi trắc nghiệm cho các môn còn lại (trừ Ngữ văn) được thực hiện trên giấy, chứ không phải trên máy tính, để các em có thể biết ngay được độ đúng sai.
Giải thích trước dư luận, Thứ trưởng Ga trấn an: Đề thi chuẩn hóa đã được thử nghiệm nhiều lần trên chính đối tượng học sinh lớp 12 nên đáp án đã được kiểm nghiệm tính chính xác. Dù thí sinh không làm bài thi trên máy tính, nhưng việc chấm các bài thi trắc nghiệm khách quan đều được thực hiện bằng phần mềm máy tính đảm bảo độ chính xác cao, nên thí sinh có thể yên tâm về kết quả điểm số của mình.
Tuy nhiên, lý giải của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chưa nhận được sự đồng tình của dư luận. Nhiều chuyên gia giáo dục e ngại về một kỳ thi mà đáp án không được công bố công khai thì sẽ không đảm bảo sự minh bạch, khách quan. Còn tâm lý chung của giáo viên, học sinh thì băn khoăn, lo lắng vì làm bài xong mà không biết đúng, sai thế nào.
Trong số những ý kiến chưa đồng tình, đáng chú ý là quan điểm của GS.Lâm Quang Thiệp – Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học: “Nói nguyên tắc của bài thi chuẩn hóa là không công bố đề và đáp án có lẽ không chính xác.”. Ông Thiệp dẫn chứng, hàng năm Trung tâm quốc gia Tuyển sinh đại học thuộc Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản tổ chức kỳ thi bằng các đề trắc nghiệm tiêu chuẩn hóa cho hơn nửa triệu thí sinh để toàn bộ các trường đại học công lập và phần lớn trường tư thục dùng kết quả xét tuyển. Theo lịch trình của họ, 2 tiếng đồng hồ sau khi kết thúc kỳ thi thì đề thi và đáp án phải được công bố.
Theo GS Thiệp, công bố đề thi phù hợp với xu hướng tạo sự minh bạch trong hệ thống giáo dục mà Bộ đang khuyến khích, thí sinh và xã hội yên tâm và hoan nghênh, xã hội giúp giám sát các bộ phận có trách nhiệm làm đề thi và xem xét đề thi nếu có vấn đề thì xử lý để đảm bảo sự công bằng. Về phía các bộ phận làm đề thì sẽ tăng ý thức trách nhiệm khi được giám sát.
Đồng tình với việc công bố đề thi sẽ làm lộ một số ít câu hỏi thi nên các năm sắp tới không sử dụng lại được, nhưng GS Thiệp cho rằng Bộ vừa công bố là đã xây dựng và thẩm định được 45.000 câu hỏi, như vậy số câu hỏi sẽ công bố là rất nhỏ, không đáng kể.
Không còn bao lâu nữa là kỳ thi bắt đầu, tuy nhiên có thể thấy cho đến giờ này, mọi thông tin về kỳ thi, những qui định mới vẫn chưa tạo ra tâm lý ổn định cho giáo viên, học sinh và phụ huynh. Bỏ điểm sàn hay vẫn có điểm sàn vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Không công bố đề thi và đáp án là bước sau khi môn thi đã kết thúc, nhưng lại tạo ra sự băn khoăn ngay từ bây giờ bởi những lo ngại về tính minh bạch và chính xác. Khi mà rõ ràng ngay cả khi đã có khẳng định của Thứ trưởng Bùi Văn Ga thì dư luận vẫn có quyền nghi ngờ tính chính xác của đề thi.
Lấy gì đảm bảo 45.000 câu hỏi trong ngân hàng đề thi không có một chút sai sót. Kinh nghiệm các kỳ thi mọi năm cho thấy dù công tác đề thi đã được đảm bảo tốt nhất thì đôi khi vẫn có những sự cố sai sót đề xảy ra. Và trong trường hợp này, nếu đề thi không được công bố, không có sự phát hiện, giám sát từ dư luận xã hội, có thể dẫn đến thiệt thòi cho học sinh.
Tương tự, đáp án cũng có thể có những sơ xuất, ví dụ cùng một câu hỏi có nhiều đáp án khác nhau, có những đáp án có thể vẫn được chấp nhận. Vậy nếu đáp án cũng không được công bố thì học sinh không có căn cứ đối chiếu để biết mình có làm bài chính xác hay không. Từ đó, dẫn đến việc các em sẽ không biết có nên phúc khảo bài thi hay không?
Tóm lại, là còn rất nhiều bối rối cho kỳ thi Quốc gia THPT 2017. Theo chúng tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho đến thời điểm này dù quyết theo hướng nào cũng cần phải đưa ra những quyết định dứt khoát và chính xác để tạo tâm lý thoải mái, yên tâm cho dư luận xã hội, thầy cô và học sinh.
Riêng với việc có công bố đề thi, đáp án hay không, Bộ cần tham khảo ý kiến dư luận, ngay cả trong trường hợp Bộ vẫn giữ ý kiến cho rằng không công bố thì vẫn cần có cơ quan giám sát độc lập đề thi và đáp án để đảm bảo tính minh bạch của kỳ thi.