Cân nhắc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

H.Hương-M.Sang 18/04/2022 07:11

Sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước huỷ 9 lô trái phiếu doanh nghiệp trị giá hơn 10.000 tỷ đồng của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, nhiều ngân hàng buộc phải xem và hiệu chỉnh lại kênh đầu tư vào trái phiếu.

Bộ Tài chính đang tăng cường quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Tốc độ chậm dần

Tại Báo cáo triển vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp (DN) năm 2022 vừa được phát hành, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI cho biết, xét riêng các trái phiếu DN phi ngân hàng, dù số dư trái phiếu mà các ngân hàng thương mại (NHTM) nắm giữ vẫn tăng, nhưng tốc độ tăng thấp hơn nhiều quy mô thị trường trái phiếu nên tỷ trọng trái phiếu DN nắm giữ bởi các ngân hàng này liên tục giảm từ 71% (2018) xuống 25% (2021).

Chính SSI cũng đánh giá rằng, sự thu hẹp vai trò của các ngân hàng ở cả khía cạnh tổ chức phát hành và nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu DN cho thấy sự tăng trưởng thực chất của thị trường này với định hướng dần trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn thay thế cho kênh tín dụng.

Trong phạm vi 15 NHTM mà SSI theo dõi với tổng dư nợ tín dụng chiếm khoảng 75% thị phần tín dụng toàn hệ thống (không tính Agribank), tổng số dư trái phiếu các tổ chức kinh tế mà các NHTM đầu tư thời điểm 31/12/2021 là khoảng 214.000 tỷ đồng, tăng 17% so với cuối năm 2020. Tỷ trọng bình quân đầu tư trái phiếu DN trong tổng tín dụng của các NHTM này giữ nguyên ở mức 3,1%. Các NHTM sở hữu lượng trái phiếu DN lớn nhất tại cuối năm 2020 là TCB, MBB, VPB, TPB.

Trong nhiều năm qua, ngân hàng giữ vai trò mua chính trên thị trường trái phiếu DN qua kênh phát hành sơ cấp, chiếm 36% trong tổng giá trị phát hành từ các doanh nghiệp bất động sản. Quy mô tín dụng trái phiếu ở mức gần 274 nghìn tỷ đồng (12 tỷ USD).

Theo báo cáo tài chính của 24 ngân hàng niêm yết, tính đến hết năm 2021, lượng trái phiếu DN mà các nhà băng này nắm giữ tăng 21% lên 242.674 tỷ đồng. Ðồng thời, tỷ trọng trung bình của trái phiếu DN so với tổng tài sản của các ngân hàng này ở mức 2,6%.

Ðáng lưu ý, nhiều ngân hàng nhỏ ghi nhận tốc độ tăng trưởng trái phiếu DN khá lớn, trong đó NamA Bank có mức tăng trưởng mạnh nhất tới 3,7 lần, từ 648 tỷ đồng lên 2.383 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với tổng tài sản, lượng trái phiếu DN của họ này chỉ chiếm 1,56%.

Tiếp theo là Vietcombank tăng hơn 2 lần, từ 5.335 tỷ đồng cuối năm 2020 lên 11.929 tỷ đồng khi kết thúc năm 2021. Lượng trái phiếu này chiếm tỷ trọng khá thấp, ở mức 0,92%.

Một số ngân hàng khác cũng ghi nhận lượng trái phiếu DN tăng mạnh trong năm qua như TPBank tăng 65% lên mức 18.577 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6,34% tổng tài sản; ABBank tăng 58% lên mức 9.503 tỷ đồng, chiếm 7,81% tổng tài sản. MB tăng 53% lên mức 42.962 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7,08% tổng tài sản. Techcombank tăng 34,4% từ mức 46.728 tỷ đồng cuối nãm 2020 lên mức 62.809 tỷ đồng, đưa tỷ trọng trái phiếu DN đang nắm giữ so với tổng tài sản lên mức 11%.

Ngoài ra, một số ngân hàng quy mô nhỏ cũng ghi nhận lượng trái phiếu nắm giữ khá lớn. Ðiển hình là HDBank nắm giữ 10.214 tỷ đồng, chiếm 2,73% tổng tài sản; SeABank là 7.624 tỷ đồng, chiếm 3,6%; VietBank là 6.148 tỷ đồng, chiếm gần 6% tổng tài sản…

Như vậy, có thể thấy rằng từ khi Thông tư 16/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ 15/1/2022 quy định chặt chẽ về hoạt động mua bán trái phiếu DN của NHTM, ngân hàng cũng giảm đầu tư vào kênh trái phiếu DN. Hơn bao giờ hết, ngay trong giai đoạn hiện nay khi 9 lô trái phiếu DN trị giá hơn 10.000 tỷ đồng của tập đoàn Tân Hoàng Minh bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước công bố huỷ bỏ, ngân hàng chắc chắn sẽ cân nhắc hơn trong nghiệp vụ mua bán trái phiếu DN.

Sẽ phải chọn lọc hơn

Theo giới chuyên gia tài chinh, các quy định chặt chẽ hơn đối với việc ngân hàng mua trái phiếu có tác dụng một phần giúp ngân hàng (và cả các nhà đầu tư khác) khi đầu tư trái phiếu sẽ có sự chọn lọc kỹ càng hơn, ít sa đà vào những loại trái phiếu có rủi ro cao. Mặt khác, việc siết chặt này một phần cũng hạn chế việc các ngân hàng lạm dụng các biện pháp “xử lý kỹ thuật” để làm thay đổi số liệu báo cáo tài chính thông qua các nghiệp vụ mua bán trái phiếu tại những thời điểm chuyển giao niên độ tài chính.

Mới đây, trong Công điện số 304/CÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh thị trường trái phiếu DN và đấu giá quyền sử dụng đất, nhóm các ngân hàng cũng là một trong những đối tượng được Thủ tướng chỉ đạo cần phải được giám sát việc tham gia vào thị trường trái phiếu.

Cụ thể, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức tín dụng đầu tư trái phiếu DN, tham gia vào các hoạt động cung cấp dịch vụ bảo lãnh phát hành, đầu tư, phân phối… trái phiếu DN, đặc biệt là các trái phiếu phát hành của DN bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các DN có kết quả kinh doanh thua lỗ, các DN phát hành không có tài sản bảo đảm…

Theo đánh giá của chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, những chính sách siết tín dụng đổ vào trái phiếu DN được cơ quan quản lý ban hành sẽ khiến các ngân hàng không còn “mạnh tay” đổ tiền vào lĩnh vực này. Ðiều này tác động làm giảm mạnh quy mô huy động vốn của các DN, nhưng về mặt tích cực có thể giúp thay đổi mạnh mẽ về chất của thị trường vốn.

Theo chuyên gia kinh tế Ðinh Trọng Thịnh, việc một số ngân hàng ồ ạt mua trái phiếu DN thời gian qua có thể nhằm mục đích đảo nợ, cơ cấu lại nợ cho DN. Bởi nếu đến kỳ hạn vay không có tiền trả nợ thì việc phát hành trái phiếu sẽ giúp DN trả nợ đúng hạn, không bị ảnh hưởng đến xếp hạng tín dụng. Nói cách khác, đây là một cách ngân hàng và doanh nghiệp “bắt tay” dùng trái phiếu DN để đảo nợ. Mặt khác, trái phiếu DN có thể là cách giúp các NHTM vừa “lách luật” để cho vay DN bất động sản, các công ty chứng khoán lại vừa tránh được lệnh siết cho vay vào lĩnh vực rủi ro, không phải trích lập dự phòng rủi ro, vừa làm sạch bảng cân đối tài chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cân nhắc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO