Cân nhắc kéo dài chính sách giảm thuế giá trị gia tăng

H.Hương 20/09/2023 10:00

Thị trường nội địa là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng cần kéo dài chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) để kích cầu, tạo đà tăng trưởng.

Giảm thuế VAT sẽ kích thích sản xuất

Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước đạt hơn 515.000 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả này đã khẳng định những giải pháp phù hợp trong điều hành kinh tế của Chính phủ giúp thị trường bán lẻ có những chuyển biến tích cực.

Nhận xét về những diễn biến kinh tế 8 tháng năm 2023, các chuyên gia tài chính cho rằng, sản xuất công nghiệp có cải thiện do phục vụ tiêu dùng trong nước tiếp tục mở rộng, đồng thời hoạt động xuất khẩu hàng tháng cũng tăng nhẹ trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 8. Hơn nữa, trong khi doanh số bán hàng hóa tăng nhẹ thì doanh thu dịch vụ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, phần lớn do sự mở rộng của dịch vụ du lịch và khách sạn.

Thực tế cho thấy kinh tế Việt Nam thời gian qua, các mảng sáng tối đan xen nhau. Bên cạnh những khó khăn thách thức bủa vây doanh nghiệp (DN) như đơn hàng xuất khẩu giảm, chi phí sản xuất tăng theo biến động giá nhiên liệu thế giới, thì điểm sáng là cộng đồng DN đã nỗ lực thích nghi, thay đổi phương thức sản xuất theo hướng hiệu quả hơn, an toàn hơn. Chính phủ, ngành Tài chính đã tích cực triển khai nhiều giải pháp chính sách tài khóa để hỗ trợ trực tiếp cho DN. Chẳng hạn giảm, giãn thời hạn nộp tiền thuê đất cho DN. Chính sách này có tác động trực tiếp đến nhiều DN đang sử dụng đất trên cả nước. Gần đây nhất, giảm thuế VAT đã có tác động trực tiếp đến người tiêu dùng và số người được hưởng lợi từ chính sách này rất lớn. Người dân và DN với tư cách là người tiêu dùng cuối cùng trong nền kinh tế đều được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế VAT.

TS Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam cho rằng, tổng số thuế VAT được giảm khoảng hơn 20.000 tỷ đồng sẽ hỗ trợ cho hoạt động tiêu dùng của của người dân. Nó đóng góp cho việc duy trì tốc độ tăng bền vững tiêu dùng cuối cùng của người dân, một cấu phần quan trọng trong tổng cầu của nền kinh tế. Đồng thời, giảm thuế VAT cũng hỗ trợ cho việc kích thích sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và đóng góp vào mục tiêu kiểm soát giá tiêu dùng.

Linh hoạt chính sách thuế

Theo nhận định của giới chuyên gia, việc linh hoạt thực hiện chính sách thuế đã góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Để tiếp tục hỗ trợ người dân và khu vực DN phục hồi và phát triển, cần kéo dài chính sách giảm thuế VAT.

Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trong cuộc họp báo về chương trình Diễn đàn kinh tế - xã hội năm 2023, cho biết, chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% được triển khai đến hết năm 2023. Về việc có tiếp tục kéo dài chính sách này hay không, cần phải có tổng kết, đánh giá quá trình triển khai thời gian qua về cả mặt tích cực và hạn chế. "Chính phủ sẽ có báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10 về nội dung này, để xem xét có cần thiết kéo dài chính sách giảm thuế VAT hay không" - ông Thanh nói tuy nhiên ông cũng cho rằng thị trường nội địa sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng trong bối cảnh xuất khẩu có dấu hiệu suy giảm, do đó chính sách giảm thuế VAT có thể xem xét theo hướng kéo dài để kích cầu nội địa.

Ông Phạm Hải Long - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Agrex Sài Gòn cho biết, việc giảm thuế VAT sẽ có tác dụng rất lớn, tác động tới tổng cầu. Về phía người tiêu dùng, sẽ tiết kiệm được phần nào chi tiêu khi giá cả hàng hóa ổn định. Còn về phía DN, chi phí nguyên liệu đầu vào thấp hơn, kiểm soát được giá thành sản xuất, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. “Đây là một chính sách hợp lý, cần duy trì trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay và thời gian tới” - ông Long đánh giá.

Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, DN cần thời gian tương đối ổn định để có phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp. Vì vậy, chính sách giảm thuế VAT có thể xem xét kéo dài sang hết năm 2024 để chính sách mang lại hiệu quả thực sự, kích cầu tiêu dùng, kích thích DN sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cân nhắc kéo dài chính sách giảm thuế giá trị gia tăng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO